Hết quý III, nhiều ngân hàng vẫn loay hoay với "mớ bòng bong" nợ xấu

Admin

26/10/2020 17:15

Vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, nhiều ngân hàng đã hé lộ kết quả kinh doanh quý III/2020. Bên cạnh lợi nhuận, kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm cũng cho thấy tình hình nợ xấu của nhiều ngân hàng đang tăng cao.

Kienlongbank có lẽ là ngân hàng "buồn" nhất, khi mà kết thúc quý III, ngân hàng này lọt vào top "lãi giảm, nợ tăng". Theo báo cáo tài chính (BCTC) đã công bố, lợi nhuận hợp nhất trước thuế Kienlongbank 9 tháng đầu năm đạt 144 tỷ đồng, giảm 38,7% so với cùng kì năm 2019 và thực hiện được chưa đầy 20% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 116 tỷ đồng, giảm 38,6%.

Tính đến 30/9, tổng tài sản Kienlongbank đạt gần 55.592 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cuối năm trước. Dư nợ cho vay khách hàng tăng nhẹ 0,9% lên 33.793 tỷ đồng trong khi đó tiền gửi khách hàng tăng đột biến 21,5% lên mức 39.990 tỷ đồng.

Nợ xấu của ngân hàng hiện ở mức 2.240 tỷ đồng, cao gấp 6,5 lần so với hồi đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu đã tăng từ 1,02% lên 6,63% chủ yếu do nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng đột biến trong nửa đầu năm.

Cuối tháng 9, tổng tài sản của VietBank đạt 82.270 tỷ đồng, tăng 19,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,3% đạt 42.664 tỷ đồng. Ngân hàng còn tăng mạnh đầu tư vào chứng khoán của Chính phủ, chính quyền địa phương (chủ yếu là trái phiếu). Tiền gửi khách hàng tăng 22,8% đạt 60.695 tỷ đồng.Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại VietBank. BCTC của ngân hàng này chỉ ra lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng đạt 374 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ.

Nợ xấu của ngân hàng ở mức 867 tỷ đồng, tăng 61% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay theo đó tăng từ 1,32% lên 2,03%.

Vietcombank là trường hợp duy nhất trong nhóm "Big 4" ngân hàng nhà nước có tỉ lệ nợ xấu tăng ở mức đáng chú ý.

Chỉ tính riêng trong quí III, nợ xấu đã tăng thêm 1.452 tỷ đồng. Đến 30/9, số dư nợ xấu là 7.885 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng hơn 4 lần với 2.923 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng hơn 2,7 lần với 1.599 tỷ đồng. Qua đó, kéo tỉ lệ nợ xấu từ 0,79% lên 1,01%.

Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm của Vietcombank lần lượt đạt 15.965 tỷ đồng và 12.794 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kì năm trước.

Tính tới 30/9, tổng tài sản của Vietcombank giảm 2,8% so với cuối năm trước, xuống mức 1,19 triệu tỷ đồng. Dù vậy, số dư cho vay khách hàng lại tăng 6,7% với 783.757 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 5,7% với 981.492 tỷ đồng.

Tài sản của Vietcombank giảm chủ yếu do ngân hàng đã giảm đáng kể tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác từ 249.470 tỷ đồng xuống 174.498 tỷ đồng, tương đương giảm 30,1%.

BCTC hợp nhất quí III Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), nợ xấu của ngân hàng này tăng mạnh từ 1.449 tỷ đồng lên 2.480 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 71% kéo tỉ lệ nợ xấu từ 0,54% cuối năm 2019 lên 0,83% vào cuối tháng 9/2020.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 6.411 tỷ đồng, tăng 15,3%, bằng 84,4% kế hoạch lợi nhuận cả năm của ngân hàng (7.600 tỷ đồng).

Sau 9 tháng đầu năm, cho vay khách hàng tăng trưởng 10,7% đạt 297.386 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 9,2% đạt 418.748 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 8,6% đạt 334.729 tỷ đồng.

Tính đến 30/9, tổng tài sản ngân hàng đạt gần 427.175 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cuối năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,3% đạt 268.642 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 1,3% xuống còn 269.189 tỷ đồng.

Với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), mặc dù tăng trưởng cho vay hơn 7% nhưng nợ xấu tại ngân hàng lại tăng mạnh gần 40% với 4.797 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến lên 1.982 tỷ đồng, gấp 3,2 lần mức cuối năm trước (618 tỷ đồng). Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,16% vào cuối năm 2019 lên 1,5%.

Tính đến 30/9, tổng tài sản ngân hàng đạt gần 427.175 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cuối năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,3% đạt 268.642 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 1,3% xuống còn 269.189 tỷ đồng.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng công bố BCTC quý III với tổng nợ xấu tính đến 30/9 là hơn 1.970 tỷ đồng, tăng 60% so với thời điểm cuối 2019 (hơn 1.235 tỷ đồng). Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 27% lên hơn 569,5 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 82% lên hơn 555 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 76% lên hơn 846 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức gần 1,3% hồi đầu năm lên gần 1,8%.

Cho vay khách hàng tại thời điểm cuối quý III tăng 15% lên hơn 110.340 tỷ đồng. Trong đó cho vay các tổ chức kinh tế cá nhân trong nước đạt trên 108.208 tỷ đồng, cho vay chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá hơn 734,5 tỷ đồng, cho vay bằng vốn tài trợ, ủy thác đầu tư hơn 68 tỷ đồng, cho vay các tổ chức, cá nhân nước ngoài hơn 1.328 tỷ đồng.