Hiệu quả từ việc đổi mới hình thức tuyên truyền pháp luật về môi trường

Admin

13/01/2025 06:00

Chi hội Luật gia phường Bưởi (Hà Nội) là đơn vị tiên phong, tích cực, thực hiện thí điểm mô hình giám sát của nhân dân về bảo vệ môi trường. Đến nay, hầu hết hộ gia đình, người dân ở khu vực thí điểm vẫn rất ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt việc phân loại chất thải.

"Nhà nhà, người người đã thấy rõ tình trạng ô nhiễm"

Được tham gia lớp tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) 2020 và lớp tập huấn về nâng cao năng lực, vai trò của Hội Luật gia các cấp về BVMT và giám sát xã hội do Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia phường Bưởi đã tham mưu với Đảng ủy lãnh đạo và cùng cán bộ, hội viên Chi hội Luật gia phường Bưởi đoàn kết, trách nhiệm, tiên phong, tích cực phối hợp với UBND phường, Hội Liên hiệp phụ nữ, Cựu chiến binh, Người cao tuổi, cấp ủy, cán bộ tổ dân phố, chi hội đoàn thể ở tổ dân phố 13.

Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện thí điểm mô hình giám sát của nhân dân về bảo vệ môi trường vào năm 2022 tại ngõ 8, ngõ 10 phố Võng Thị thuộc tổ dân phố 13, kết quả đạt tỉ lệ trên 95% hộ gia đình, người dân thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Hiệu quả từ việc đổi mới hình thức tuyên truyền pháp luật về môi trường- Ảnh 1.

Bà Phan Thị Thúy Nga chia sẻ về mô hình giám sát của nhân dân về bảo vệ môi trường.

Song song với việc giám sát trực tiếp tại các hộ dân nơi thực hiện thí điểm, Chi hội luật gia phường Bưởi đã phối hợp với UBND phường tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT 2020, Nghị định 45 của Chính phủ, mời báo cáo viên là chuyên gia cao cấp lĩnh vực môi trường về tuyên truyền, phổ biến luật, nghị định và hướng dẫn cách thức thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn...tới cán bộ cơ sở, nhất là các hộ gia đình và người dân tại nơi thí điểm.

Thông tin với Người Đưa Tin về những kết quả đạt được kể từ khi Chi hội Luật gia phường Bưởi tiên phong, tích cực, thực hiện thí điểm mô hình giám sát của nhân dân về bảo vệ môi trường đến nay, bà Phan Thị Thúy Nga - Chi hội trưởng Chi hội Luật gia phường Bưởi cho hay, việc tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát việc kết quả thí điểm phân loại rác sinh hoạt tại nguồn tại tổ dân phố 13 của phường được thực hiện từ năm 2022, và liên tục được chi hội và cán bộ cơ sở tuyên truyền, khuyến khích các hộ gia đình, người dân thực hiện.

Đến thời điểm hiện nay hầu hết hộ gia đình, người dân ở khu vực thí điểm vẫn rất ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại gia đình.

Hiệu quả từ việc đổi mới hình thức tuyên truyền pháp luật về môi trường- Ảnh 2.

Người dân thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

"Nhà nhà, người người đã và đang thấy rõ tình trạng ô nhiễm của môi trường từ nguồn không khí, nguồn nước, nguồn chất thải ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của con người.

Vì vậy, mọi người đã và đang tích cực thực hiện công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường, nhất là đang chờ đợi các cấp thẩm quyền hướng dẫn cụ việc phân loại chất thải sinh hoạt, vật dụng đựng và bao bì chứa chất thải để hộ gia đình đưa ra nơi tập kết, thu gom chất thải theo quy định. Qua đó các hộ gia đình, người dân tự giác, trách nhiệm thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định", bà Thúy Nga nói.

Đổi mới hình thức tuyên truyền Luật BVMT

Với những kết quả bước đầu đã đạt được trong việc thực hiện thí điểm mô hình giám sát của nhân dân về bảo vệ môi trường trong thời gian qua, năm 2024, Chi hội Luật gia phường Bưởi tiếp tục sáng tạo, đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Đồng thời phối hợp với UBND phường và các cấp Hội Luật gia, Phòng giáo dục quận Tây Hồ triển khai các Hội nghị tuyên truyền bài bản, chất lượng, hiệu quả với nội dung ngắn gọn, xúc tích, dễ nhớ, dễ hiểu phù hợp với cán bộ, giáo viên và học sinh trong các khối giáo dục trên địa bàn phường.

Các Hội nghị tuyên truyền đã thu hút giáo viên, học sinh lắng nghe, tìm hiểu về Luật BVMT 2020 và cách thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Hiệu quả từ việc đổi mới hình thức tuyên truyền pháp luật về môi trường- Ảnh 3.

Các Hội nghị tuyên truyền đã thu hút giáo viên, học sinh lắng nghe, tìm hiểu về Luật BVMT 2020

Thông qua việc làm thiết thực, ý nghĩa như trình chiếu các hình ảnh, phân tích cụ thể từng loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, qua các bài thơ, bài vè về bảo vệ môi trường đã được cán bộ, giáo viên và học sinh đánh giá cao chất lượng tuyên truyền.

Bà Thúy Nga thông tin hiện nay, việc tuyên truyền, hướng dẫn phân loại chất thải đang được ban giám hiệu các trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lồng ghép giảng dạy cho học sinh tuần từ 2-3 buổi vào các tiết học phù hợp và chuyển tải lên trang thông tin của trường để các bậc phụ huynh tìm hiểu, nắm vững với mục đích để khi các cấp thẩm quyền triển khai hướng dẫn việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ không bị lúng túng, khó khăn.

Hà Nội: Trên 95% hộ gia đình thực hiện tốt phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Chi hội trưởng Chi hội Luật gia phường Bưởi một lần nữa nhấn mạnh, mô hình giám sát của nhân dân về bảo vệ môi trường là việc làm thiết thực, ý nghĩa, đó chính là phát huy quyền làm chủ của nhân dân "được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được giám sát, được thụ hưởng".

"Qua đó nhà nhà, người người nâng cao ý thức, trách nhiệm vào thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt, đồng thời sẽ giảm tải các loại chất thải rắn sinh hoạt ra môi trường, góp phần giữ gìn các tuyến đường, ngõ, phố trên địa bàn phường luôn xanh, sạch, đẹp", bà Nga nói.

Thời gian tới, bà Thúy Nga cho biết, Chi hội Luật gia phường Bưởi sẽ tiếp tục tham mưu với Đảng ủy, Hội luật gia cấp trên và phối hợp với UBND, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, Cấp ủy các chi bộ làm tốt công tác tuyên truyền, dân vận khéo phổ biến các quy định của Luật BVMT 2020.

Đặc biệt là nội dung quy định tại khoản 1, Điều 75 của Luật BVMT 2020 kể từ ngày 1/1/2025 cả nước sẽ thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để lan tỏa ý thức, trách nhiệm tinh thần tự giác, tự nguyện của hộ gia đình, người dân và cộng đồng dân cư vào thực hiện nhiệm vụ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại gia đình, thiết thực chung tay Bảo vệ môi trường.

"Đi từng ngõ, gõ từng nhà"

Bà Lê Thị Minh Nhâm - Tổ trưởng Tổ dân phố 13, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, với mô hình giám sát của nhân dân về bảo vệ môi trường, tổ dân phố đã tuyên truyền, phát tờ rơi với nội dung hướng dẫn về phân loại chất thải rắn sinh hoạt đến từng hộ dân, theo phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để các hộ gai đình, người dân trên địa bàn hiểu rõ về từng loại chất thải, cách thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đến nay, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều hộ gia đình đã đi vào nề nếp, ý thức của người dân được nâng cao.