Hồ sơ đề nghị nghỉ hưu trước tuổi gồm những gì?

Admin

20/03/2020 09:01

Chính sách - Hồ sơ đề nghị nghỉ hưu trước tuổi gồm những gì?

Hồ sơ đề nghị nghỉ hưu trước tuổi gồm những gì? (Ảnh minh họa)

Điều kiện nghỉ hưu trước tuổi

Người nghỉ hưu trước tuổi là người nghỉ trước thời gian theo tiêu chuẩn nêu trên. Tuy nhiên, theo Điều 16 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người nghỉ hưu trước tuổi vẫn phải đáp ứng điều kiện đã có đủ 20 năm đóng BHXH và thuộc một trong các trường hợp:

- Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% và đảm bảo điều kiện về tuổi đời: Đủ 55 tuổi đối với nam, Đủ 50 tuổi với nữ.

- Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.

- Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

Như vậy, để được nghỉ hưu trước tuổi, người lao động phải làm giám định mức suy giảm khả năng lao động và mức suy giảm tối thiểu là 61%.

Hồ sơ đề nghị nghỉ hưu trước tuổi

Không phải bất cứ lúc nào người lao động nghỉ việc cũng được coi là nghỉ hưu trước tuổi. Trong nhiều trường hợp, việc chấm dứt hợp đồng của người lao động dù còn ít năm làm việc vẫn có thể coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Như đã đề cập ở trên, một trong những điều kiện để người lao động hưởng chế độ hưu trí theo diện nghỉ hưu sớm là bị suy giảm khả năng lao động. Do vậy, trước hết, người lao động cần phải chuẩn bị hồ sơ khám giám định sức khỏe.

Theo khoản 3 Điều 5 Thông tư 56/2017/TT-BYT, hồ sơ này gồm:

- Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động (đối với người đang đóng BHXH bắt buộc) hoặc Giấy đề nghị khám giám định (đối với người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hàng tháng);

- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một hoặc các giấy tờ khám, điều trị bệnh, tật: Tóm tắt hồ sơ bệnh án, giấy xác nhận khuyết tật, giấy ra viện, sổ khám bệnh…

- Một trong các giấy tờ chứng minh nhân thân: Chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu…

Sau khi có kết quả giám định mức suy giảm khả năng lao động, người lao động lập hồ sơ đề nghị hưởng lương lưu theo khoản 1 Điều 6 Quyết định 166/QĐ-BHXH. Cụ thể:

Trường hợp đang đóng BHXH bắt buộc

- Sổ BHXH;

- Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ hưu trí;

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Trường hợp tham gia BHXH tự nguyện, bảo lưu thời gian đóng BHXH

- Sổ BHXH;

- Đơn đề nghị (mẫu số 14-HSB);

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động;

- Giấy ủy quyền (mẫu số 13-HSB) với trường hợp đang chấp hành hình phạt;

- Bản sao văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc trở về nước định cư hợp pháp với trường hợp xuất cảnh trái phép trở về;

- Quyết định của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích trong trường hợp mất tích trở về;

- Hóa đơn, chứng từ thu phí giám định, bảng kê các nội dung giám định với trường hợp thanh toán phí giám định.

Trường hợp có quyết định hoặc giấy chứng nhận chờ đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu

- Quyết định hoặc giấy chứng nhận chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu;

- Đơn đề nghị (mẫu số 14-HSB) nêu rõ lý do bị mất với trường hợp bị mất giấy tờ trên;

- Một số giấy tờ khác như các trường hợp đặc biệt nêu trên (chấp hành hình phạt, xuất cảnh trái phép, mất tích…)

Tùy theo hoàn cảnh của mình, người lao động chuẩn bị đủ các giấy tờ nêu trên và nộp cho cơ quan BHXH.

Quyền lợi của người nghỉ trước tuổi

Lương hưu hàng tháng

Theo Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính theo công thức:

Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng x Bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được xác định như sau: Với người lao động nghỉ hưu khi đủ tuổi vào năm 2020 thì mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 18 năm đóng BHXH đối với lao động nam và 15 năm đóng BHXH đối với lao động nữ. Sau đó cứ mỗi năm đóng thêm được tính thêm 2% cho đến mức tối đa bằng 75%.

Đối với người nghỉ hưu trước tuổi, mức lương hưu hàng tháng cũng được tính theo công thức trên, sau đó, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Nếu tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỉ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

Trợ cấp một lần

Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nêu rõ, nếu người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn, cứ mỗi năm được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Ví dụ: Bà A bị suy giảm khả năng lao động 61%, nghỉ việc hưởng lương hưu tháng 01/2019 khi đủ 50 tuổi 01 tháng, có 32 năm đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính như sau:

- 15 năm đầu được tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 32 là 17 năm, tính thêm: 17 x 2% = 34%;

- Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 34% = 79%;

- Bà A nghỉ hưu khi 50 tuổi 01 tháng (nghỉ hưu trước tuổi 55 là 4 năm 11 tháng) nên tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là (4 x 2%) + 1% = 9%. Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà K sẽ là 79% - 9% = 70%.

Ngoài ra, do bà A có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng 75% (cao hơn 30 năm) nên còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu là: 2 năm x 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Cách xác định thời điểm hưởng lương hưu

Theo quy định tại Điều 18 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, tuổi nghỉ hưu của người lao động được xác định như sau:

Trường hợp thông thường

Thời điểm đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu là ngày 01 tháng liền kề sau tháng sinh của năm đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu.

Trường hợp sinh tháng 12 thì thời điểm đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu là ngày 01 tháng 01 của năm liền kề sau năm đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu.

Trường hợp không xác định được ngày sinh, tháng sinh (chỉ ghi năm sinh)

Thời điểm đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu là ngày 01 tháng 01 của năm liền kề sau năm đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu.

Trường hợp suy giảm khả năng lao động (có đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH)

Thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu là ngày 01 tháng liền kề sau tháng có kết luận bị suy giảm khả năng lao động.

Trường hợp đang đóng BHXH bắt buộc hoặc đang bảo lưu thời gian đóng

Tùy thuộc vào từng đối tượng tham gia BHXH mà thời điểm hưởng lương hưu sẽ có sự khác nhau:

- Người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã có hưởng lương: Thời điểm hưởng lương hưu tính từ tháng liền kề khi đủ điều kiện hưởng lương hưu và có văn bản đề nghị gửi cơ quan BHXH.

- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc người đang bảo lưu thời gian đóng: Thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm ghi trong văn bản đề nghị của người lao động.

- Các đối tượng còn lại: Thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm ghi trong quyết định nghỉ việc do người sử dụng lao động lập khi người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Trường hợp không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước ngày 01/01/1995

Thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm ghi trong văn bản giải quyết của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Hoàng Mai