“Hòn ngọc quý” của Vinatex muốn vay 1.000 tỷ đồng bằng thế chấp loạt tài sản

Admin

07/01/2025 16:30

Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ, công ty con gần 62% vốn của Vinatex, vừa thông qua việc vay vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam với tổng số dư cấp tín dụng 1.000 tỷ đồng.

Vay 1.000 tỷ đồng để làm gì?

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Đồng Quản trị Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ, (HOSE: HTG), vừa thông qua nghị quyết về việc vay vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Đà Nẵng.

Theo đó, Tổng Công ty sẽ được cấp tín dụng với tổng số dư lên tới 1.000 tỷ đồng, hoặc tương đương bằng ngoại tệ, phục vụ cho các nhu cầu hợp pháp, hợp lý của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mục đích cấp tín dụng là tài trợ các nhu cầu tín dụng hợp pháp, hợp lý, hợp lệ phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, bao gồm khoản cấp tín dụng trung dài hạn Đầu tư cải tạo tổng thể và bổ sung thiết bị cho nhà máy sợi 2 – giai đoạn 1, giá trị cấp tín dụng tối đa gần 79,7 tỷ đồng.

Thời hạn tín dụng được chia thành hai loại: tín dụng ngắn hạn có thời hạn tối đa 12 tháng và tín dụng trung dài hạn với thời gian vay lên tới 120 tháng.

“Hòn ngọc quý” của Vinatex muốn vay 1.000 tỷ đồng bằng thế chấp loạt tài sản- Ảnh 1.

Nhà máy May Veston của Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ.

Các biện pháp bảo đảm cho khoản vay sẽ bao gồm việc thế chấp nhà xưởng và máy móc thiết bị. Cụ thể, tài sản thế chấp là Nhà máy May Veston 6,7 và các máy móc thiết bị của Nhà máy May Hòa Thọ I – Giai đoạn II, tất cả đều tọa lạc tại 36 Ông Ích Đường, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Ngoài ra, hàng tồn kho và các khoản phải thu của công ty cũng sẽ được đưa vào danh mục tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, tài sản hình thành trong tương lai từ dự án cải tạo và nâng cấp nhà máy sợi 2 cũng sẽ được sử dụng để đảm bảo cho các khoản vay.

Hội đồng Quản trị của Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ đã thống nhất quyết định sử dụng tài sản của công ty để thế chấp, cầm cố cho Ngân hàng nhằm đảm bảo cho các khoản tín dụng và các nghĩa vụ tài chính phát sinh phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty – người đại diện pháp lý của công ty sẽ là người tổ chức thực hiện các thủ tục ký kết các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp và các văn bản có liên quan với Ngân hàng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp Tổng Giám đốc vắng mặt, Phó Tổng Giám đốc hoặc cá nhân khác sẽ được ủy quyền thực hiện công việc này, với sự ủy quyền bằng văn bản.

Tổng Giám đốc sẽ chịu trách nhiệm trước Hội đồng Quản trị và pháp luật về toàn bộ các văn bản, hợp đồng, tài liệu do mình hoặc người được ủy quyền ký kết liên quan đến các giao dịch tín dụng này.

"Hòn ngọc quý" của Vinatex thay đổi loạt nhân sự

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 vừa diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), đã đánh giá cao kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Hòa Thọ.

Tổng công ty này đã ghi nhận doanh thu ước đạt 4.950 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch đề ra cho năm 2024. Bên cạnh đó, lợi nhuận của HTG cũng ước đạt 336 tỷ đồng, vượt 53% so với kế hoạch.

Đây là những con số ấn tượng, khẳng định HTG là đơn vị dẫn đầu trong Tập đoàn về hiệu quả tài chính, với tỉ suất lợi nhuận/vốn cao nhất, đồng thời đứng đầu về giá trị cổ tức đóng góp. Điều này khẳng định HTG là "hòn ngọc quý" của Tập đoàn, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

“Hòn ngọc quý” của Vinatex muốn vay 1.000 tỷ đồng bằng thế chấp loạt tài sản- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Đồng Quản trị Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ.

Trong khi đó, vào tháng 10/2024, Tổng CTCP Dệt May Hòa Thọ đã công bố một loạt thay đổi nhân sự chủ chốt. Cụ thể, ông Nguyễn Đức Trị đã rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT HTG để chuyển sang làm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Người được bổ nhiệm thay thế là ông Nguyễn Văn Hải, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của công ty.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Hải sẽ không còn giữ chức Tổng Giám đốc HTG mà tập trung vào nhiệm vụ mới, trong khi ông Nguyễn Ngọc Bình, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc, được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của công ty. Thời hạn bổ nhiệm của ông Bình là 5 năm. Các thay đổi này nhằm mục đích kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Ngoài ra, HTG cũng đã miễn nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc đối với bà Trần Tường Anh do nghỉ hưu theo chế độ. Tuy nhiên, bà Trần Tường Anh vẫn tiếp tục tham gia HĐQT Công ty nhiệm kỳ 2022-2027 với vai trò Ủy viên HĐQT, đóng góp kinh nghiệm quý báu cho công ty. 

Sau các quyết định thay đổi nhân sự, Ban điều hành HTG hiện có 9 thành viên, bao gồm Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Bình và 2 Phó Tổng Giám đốc là bà Hoàng Thùy Anh và bà Trần Thị Hòa Châu. 

Dệt may Hòa Thọ tăng nợ gần 100 tỷ trong 9 tháng đầu nămDệt may Hòa Thọ chuẩn bị phát hành hơn 6 triệu cổ phiếu trả cổ tứcDệt may Hòa Thọ kinh doanh thế nào khi nhiều lần bị hải quan xử phạt?

Bên cạnh đó, công ty cũng có 6 Giám đốc điều hành, bao gồm ông Phạm Ngọc Trung, ông Phan Quang Long, ông Nguyễn Phước Hoàng, ông Nguyễn Văn Cường, bà Nguyễn Thị Thu Trang và bà Nguyễn Thị Minh Hằng. 

HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 của Công ty gồm Chủ tịch Nguyễn Văn Hải và các thành viên HĐQT là ông Nguyễn Ngọc Bình, bà Trần Tường Anh và ông Lê Quốc Ân (Thành viên HĐQT độc lập).