Sau gần 13 năm hợp tác với nhiều sóng gió, tranh chấp, “ông trùm bánh kẹo” Hàn Quốc Lotte quyết định thoái toàn bộ hơn 6,7 triệu cổ phiếu (tương đương 44,03% vốn điều lệ) tại Bibica.
Lotte rút luiThời gian thực hiện thoái toàn bộ 6,7 triệu cổ phiếu Bibica đang nắm giữ mà Lotte Confectionery Co.,Ltd (Lotte) vừa thông báo dự kiến từ ngày 29/12/2020 đến hết tháng 1/2021, thông qua hình thức khớp lệnh hoặc thoả thuận. Nếu giao dịch thành công, Lotte chính thức rời khỏi Bibica sau gần 13 năm hợp tác.
Theo thông tin bên lề, có khả năng PAN sẽ mua toàn bộ số cổ phần này vì tập đoàn này đề ra mục tiêu đầu tư lâu dài chứ không dừng lại ở đầu tư tài chính. Phía PAN từng chia sẻ, Bibica là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược 3F của PAN trong việc khai thác sâu ngành thực phẩm. Năm 2019, khi đã nắm được tỷ lệ chi phối cổ phần tại Bibica, PAN đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để xây dựng nhà máy bánh kẹo lớn nhất khu vực cho Bibica song song với kế hoạch phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp này.
Cuộc chia tay Việt-Hàn có lẽ sẽ không diễn ra và nội tình của Bibica vẫn ồn ào như thời gian qua nếu Lotte không quá tham vọng. Chỉ hợp tác trong êm đẹp được vài năm kể từ sau 2007, với tham vọng thâu tóm doanh nghiệp Việt, Lotte từng bước tăng tỷ lệ cổ phần từ 30% ban đầu lên 44,03% như hiện tại. Và cuộc “nội chiến” càng trở nên căng thẳng khi tại đại hội cổ đông năm 2012, phía Lotte đề nghị đổi tên công ty thành Lotte-Bibica, muốn can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh và thay đổi toàn bộ ban lãnh đạo. Đề nghị này không được các cổ đông chấp nhận và kể từ đó, cuộc nội chiến âm ỉ, kéo dài. Tranh chấp nội bộ khiến hoạt động của Bibica rơi vào tình trạng trì trệ suốt thời gian dài.
Ông Trương Phú Chiến cũng công nhận trong giai đoạn đầu, Lotte hỗ trợ đầu tư xây dựng nhãn hàng và dây chuyền sản xuất bánh Choco Pie.
Và ngay sau khi đã kiểm soát được Bibica, năm 2018, ông Trương Phú Chiến cũng được bổ nhiệm trở lại vị trí lãnh đạo cao nhất của Bibica sau 10 “nhường” cho người đại diện phần vốn của Lotte. Năm 2019, Bibica chính thức trở thành công ty con của Tập đoàn PAN. Từ đây, cuộc chiến thâu tóm thương hiệu Việt của Lotte cũng dần khép lại.Tâm huyết giữ thương hiệu Bibica đến cùng của ông Trương Phú Chiến, người đã gắn bó với thương hiệu này ngay từ khi tốt nghiệp đại học đã được các cổ đông trong nước hưởng ứng. Đầu năm 2017, PAN Food - công ty con của Tập đoàn PAN đã chính thức mua 35% cổ phần của Bibica, nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này lên 50,1%, trở thành cổ đông lớn nhất, nắm quyền chi phối Bibica.Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn khi đó, ông Trương Phú Chiến - Chủ tịch HĐQT Công ty Bibica cho biết: “Trong hợp tác thì phải đảm bảo quyền lợi và sự tôn trọng giữa hai bên. Tuy nhiên, phía Lotte lại muốn đặt quyền lợi của họ lên trên và muốn biến Bibica thành công ty con để họ có quyền kiểm soát mọi hoạt động của công ty. Vì vậy chúng tôi phải kêu gọi các cổ đông Việt Nam hợp lực lại để bảo vệ thương hiệu Bibica”.
Giữ được thương hiệu Việt
Như vậy, nhờ sự trợ lực của Tập đoàn PAN, Bibica giữ được thương hiệu, thoát khỏi guồng quay thâu tóm từ những nhà đầu tư ngoại. Bởi đi cùng với những người gắn bó với Bibica là những người đau đáu với thương hiệu Việt. Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn PAN Nguyễn Duy Hưng từng chia sẻ trên trang cá nhân lý do “trợ lực” cho bibica vì: “Chúng tôi chỉ có mục tiêu duy nhất là xây dựng Bibica vững mạnh và giữ gìn một thương hiệu bánh kẹo Việt Nam”.
Nhìn chặng đường đã qua, dù có cuộc chiến gây gắt nhưng không thể phủ nhận vai trò của Lotte trong quá trình phát triển của Bibica, đặc biệt là trong giai đoạn 2007 - 2009. Lotte vốn là tập đoàn đa ngành nằm trong top 10 doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc với doanh thu mỗi năm lên đến 50 tỷ USD. Việc mua hơn 30% cổ phần của Bibica vào đầu năm 2007 là bước thâm nhập thị trường bánh kẹo Việt Nam được đánh giá là rất phát triển của tập đoàn này.
Và việc hợp tác với thương hiệu bánh kẹo Hàn từng được kỳ vọng giúp Bibica tăng trưởng 30% mỗi năm. Trong thời gian này, Lotte giúp Bibica xây dựng 2 nhà máy, gồm Bibica Miền Đông giai đoạn 2 và nhà máy Bibica Miền Bắc. Nhà đầu tư này cũng đã giúp Bibica nhập khẩu và phân phối sản phẩm của Lotte tại Việt Nam cũng như xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc. Niềm tin giữa hai bên càng củng cố hơn khi cam kết ban đầu đã được thực hiện. Cụ thể, năm 2009, năm đầu tiên sau hợp tác, lợi nhuận của Bibica đã tăng hơn 170% so với năm trước. Năm 2011, doanh thu công ty tiếp tục tăng gấp đôi năm 2008.
Sau gần 13 năm nội chiến kéo dài, cuối cùng Bibica cũng giữ được thương hiệu Việt.
“Không thể phủ nhận hết công sức của Lotte. Chính họ đã giúp Bibica sở hữu, nâng cấp một số công nghệ, kỹ thuật mới cũng như cải thiện các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Trương Phú Chiến nói.Chia sẻ với báo giới, ông Trương Phú Chiến cũng công nhận trong giai đoạn đầu, Lotte hỗ trợ đầu tư xây dựng nhãn hàng và dây chuyền sản xuất bánh Choco Pie. Công ty đã xuất được sang một số thị trường châu Á và đến thời điểm hiện tại vẫn duy trì phát triển.
Sắp tới đây, khi Lotte thoái hết vốn, Bibica sẽ trở thành thương hiệu Việt hiếm hoi thoát khỏi vòng xoáy thâu tóm từ nhà đầu tư nước ngoài nhờ sự hợp sức của các doanh nghiệp trong nước. Năm ngoái, doanh nghiệp này đã đạt đoanh thu trên 1.500 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế là hơn 95 tỷ đồng. Cũng trong năm này, công ty đã đầu tư nhà máy Bibica Miền Tây cũng như tiếp tục mở rộng, di dời nhà máy quy mô không dưới 500 tỷ đồng để thu hút khách hàng, xây dựng nhà máy xanh thế hệ 4.0.
Hy vọng sau khi nội chiến chính thức kết thúc, với những nền tảng đã có, Bibica có thể tập trung phát triển về quy mô sản xuất, tăng doanh số, đẩy mạnh bán hàng, mở rộng thị phần, trở thành doanh nghiệp bánh kẹo lớn nhất nước như ông Chiến đã từng đặt ra.