Chính quyền của Tổng thống Donald Trump hôm 26/8 đã đưa vào danh sách đen các công ty con của tập đoàn xây dựng lớn nhất của Trung Quốc, với lý do các công ty này hỗ trợ Bắc Kinh trong hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.
Các nhà thầu phụ của China Communications Construction Co. (Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc - CCCC) đã xây dựng hàng nghìn km cầu đường và hàng chục cảng biển ở các quốc gia dọc Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Với quy mô lớn, CCCC được coi là "
CCCC liên quan tới dự án xây dựng cảng Gwadar của Pakistan thông qua nhà thầu phụ China Harbor Engineering Corp. Đây là một trong những dự án chủ chốt của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Ảnh: Reuters.
Giáng đòn nặng, nhắm cả vào người thân
“Động thái của Mỹ giáng đòn khá nặng vào một số doanh nghiệp Trung Quốc như CCCC. Đây là công ty đóng vai trò chủ chốt trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Họ có các dự án ở Malaysia, Myanmar và các nước khác trong khu vực”, ông Murray Hiebert, cố vấn cấp cao của chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington D.C., nhận định với Zing.
“Những công ty bị trừng phạt sẽ cần giấy phép để mua bất cứ sản phẩm nào ở Mỹ. Điều đó có thể gây tổn hại tới một số hoạt động của các doanh nghiệp của Trung Quốc, ít nhất là trong ngắn hạn”.
Song song với tuyên bố trừng phạt từ Bộ Thương mại Mỹ hôm 26/8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết một số cá nhân liên quan các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, và có thể cả gia đình họ, sẽ không còn được nhập cảnh vào Mỹ.
“CCCC và một số công ty Trung Quốc khác (trong lệnh trừng phạt) cũng có các hoạt động ở Mỹ. Và với các biện pháp trừng phạt mới nhất, một số quan chức của các công ty giờ đây sẽ bị cấm tới Mỹ. Đây là sự nối tiếp hành động từ một tháng trước của Mỹ, khi tuyên bố Washington chống lại nhiều yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông”, ông Hiebert cho hay.
Trong tuyên bố hôm 26/8, Ngoại trưởng Mike Pompeo gọi CCCC là một trong những vũ khí của Bắc Kinh nhằm “áp đặt kế hoạch bành trướng”. Ông chỉ trích công ty Trung Quốc này “nạo vét phá hoại” ở Biển Đông, tham nhũng, có hành vi tài trợ theo kiểu bẫy nợ và phá hủy môi trường.
Một quan chức của Hải quân Mỹ trên máy bay giám sát P-8A Poseidon, màn hình máy tính trước mặt ông cho thấy việc Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Đây không phải lần đầu tiên CCCC bị liệt vào “danh sách đen”. Ngân hàng Thế giới (WB) từng cấm vận công ty này trong giai đoạn 2009-2017 vì các hành vi gian lận trong Dự án Quản lý và Cải tiến Đường bộ Quốc gia Philippines.
Vào năm 2016, CCCC đạt được thỏa thuận với công ty Mega Harbour Port and Development (trụ sở ở Manila), nhằm thực hiện dự án cải tạo đất 208 ha ở thành phố Davao, nơi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng làm thị trưởng. Tuy nhiên, thành phố này sau đó đã rút khỏi dự án.
Danh sách 24 công ty Trung Quốc bị Bộ Thương mại Mỹ áp lệnh trừng phạt vì liên quan hoạt động xây dựng và quân sự hóa Biển Đông. Ảnh chụp màn hình. |
Theo tổ chức xếp hạng tín dụng của Mỹ Fitch Ratings, CCCC - vốn niêm yết ở thị trường chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong - đã ký các hợp đồng mới trị giá tổng cộng 63 tỷ USD ở các nước trong Sáng kiến Vành đai và Con đường trong giai đoạn 2013-2018. Doanh thu năm 2019 của công ty này là 81 tỷ USD, theo Nikkei.
Vào tháng 10/2019, CCCC giành gói thầu 10 tỷ USD với công ty MacroAsia Corp của tỷ phú Phillipines để xây dựng sân bay Sangley Point bên ngoài Manila. Dự án này đã gây ra sự lo ngại của quân đội Philippines. Bên cạnh đó, CCCC cũng chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng cây cầu dài nhất của Malaysia.
"CCCC là một trong những doanh nghiệp lớn nhất của Sáng kiến Vành đai và Con đường, với 923 dự án hoạt động trên 157 quốc gia”, hãng tư vấn về rủi ro chính trị Eurasia Group cho biết trong một thông báo hôm 26/8. “Đáng chú ý nhất là sự tham gia của công ty này vào các dự án cảng Hambantota của Sri Lanka, cảng Gwadar của Pakistan, các cảng Trieste và Genoa của Italy".
Dù vậy, công ty con của CCCC - China Harbour Engineering Corp, vốn nắm hầu hết dự án này, không nằm trong số những pháp nhân bị trừng phạt.
Sẽ trừng phạt công ty Trung Quốc quấy nhiễu ngư dân?
Với những động thái ngày 26/8, chính phủ Mỹ hy vọng sẽ “khuyến khích… các tổ chức và chính phủ trên toàn thế giới đánh giá rủi ro và xem xét lại các giao dịch kinh doanh với loại doanh nghiệp Trung Quốc săn mồi mà chúng tôi đã xác định ở đây", một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với báo giới.
Theo nhận định của ông Hiebert, các biện pháp trừng phạt này của Mỹ theo sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi tháng trước, trong đó khẳng định Mỹ không công nhận các yêu sách ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Mỹ cũng đã đặt áp lực lên các công ty Trung Quốc trong những tháng gần đây, thúc bách các đối tác không cho phép Huawei lắp đặt hệ thống 5G.
Và Mỹ còn thúc đẩy công ty sở hữu mạng xã hội TikTok bán lại ứng dụng chia sẻ video này cho doanh nghiệp Mỹ để Trung Quốc không thể tiếp cận dữ liệu của người dùng”, ông Hiebert nêu rõ.
Ông lưu ý Mỹ đã giáng trừng phạt nhiều công ty Trung Quốc trước đó, nhưng đây là lần đầu tiên doanh nghiệp của Trung Quốc bị trừng phạt vì hoạt động ở Biển Đông.
Theo đánh giá của chuyên gia CSIS, tiếp bước các biện pháp trừng phạt trên, Washington có thể sẽ tiếp tục trừng phạt các công ty Trung Quốc liên quan tới hành vi quấy nhiễu ngư dân các nước Đông Nam Á.