Hưởng lợi từ gói hỗ trợ kinh tế, thị trường bất động sản có hồi phục?

Admin

08/04/2020 14:30

Báo cáo về tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I/2020 vừa công bố của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy bức tranh với nhiều gam màu tối của thị trường BĐS.

Thiệt hại nặng nề

Theo đó, quý I/2020 có 11/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng, lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ hai với mức tăng lên tới 69%. Đây là con số “kỷ lục” của ngành BĐS.

Tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường đã thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp hiện nay, đó là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ đông”.

Doanh nghiệp chọn cách này để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa doanh nghiệp, chứ chưa đóng cửa doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.

Trong đó, một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất là kinh doanh BĐS với 493 doanh nghiệp, tăng 94,1% so với cùng kỳ năm 2019. Cả nước có 1.000 sàn giao dịch BĐS thì có tới 500 sàn đóng cửa, các sàn còn lại cũng chỉ giao dịch cầm chừng.

Quý I/2020 cũng chưa có dự án nào được động thổ, khởi công, ngoại trừ một số dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội và Tp.HCM.

Trên thị trường BĐS nghỉ dưỡng, dự án ra hàng cũng không có; hơn nữa là tình trạng vắng khách du lịch, có những địa điểm như Đà Nẵng, Hội An chỉ còn hơn 10% khách du lịch, Khánh Hoà còn 30-40%... Hầu như các địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, vui chơi giải trí đều đóng cửa.

Không ít doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ cạn dòng tiền phải nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, trong hoàn cảnh doanh nghiệp các ngành đang khó khăn, chính các doanh nghiệp BĐS cũng đang phải hỗ trợ đối tác bằng cách giảm giá thuê mặt bằng, giãn tiến độ trả tiền thuê hay thậm chí miễn tiền thuê. Tình cảnh “ngủ đông” này được nhiều chuyên gia đánh giá còn “tồi tệ” hơn các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp BĐS hiện nay đang gặp những khó khăn chung, vẫn phải gồng mình gánh rất nhiều khoản chi phí cố định như chi phí đầu tư, chi phí vốn, lãi vay, hỗ trợ các ngành nghề khác chi phí thuê mặt bằng…

Trước những khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xin bổ sung doanh nghiệp BĐS được xem xét giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất.

6-4-BDS-ngu-dong-5728-1586156668.jpg

Nhiều ngành nghề, trong đó ngành BĐS có số doanh nghiệp bị đóng cửa cao (Ảnh: PT)

Hỗ trợ vực dậy doanh nghiệp

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những tác động ngày một mạnh mẽ vào nền kinh tế chung của Việt Nam, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, đây là một động thái rất tích cực của Nhà nước. Trong đó, các doanh nghiệp BĐS sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ gói kích thích kinh tế này.

“Bằng việc ban hành Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong dịch Covid-19, các doanh nghiệp BĐS đang đặc biệt hưởng lợi”, ông Khương khẳng định.

Theo đó, doanh nghiệp BĐS có thể kỳ vọng về việc Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Với mọi doanh nghiệp, thủ tục hành chính được xem là gánh nặng nhiều năm. Đây được coi là giải pháp vực dậy doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh.

Cùng với đó, các bộ ngành trung ương và địa phương được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, giúp tăng tốc độ phát triển kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt mới đây, sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và địa phương về các đối tượng, ngành nghề được hỗ trợ gia hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất từ gói hỗ trợ kinh tế 250.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3915/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung lĩnh vực BĐS và một số lĩnh vực khác vào nhóm các ngành nghề được hỗ trợ từ gói kinh tế này.

Dự kiến với những bổ sung trên, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 180.000 tỷ đồng, tức tăng gần 100.000 tỷ đồng so với nội dung đã trình Chính phủ tại Tờ trình số 47/TTr-BTC ngày 26/3.

Đại diện Sàn giao dịch BĐS IP Land cho biết, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, có 50% số sàn giao dịch bị đóng cửa, nhiều người bị thất nghiệp. Việc Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến góp ý bổ sung thêm lĩnh vực BĐS vào nhóm ngành nghề được hưởng hỗ trợ từ gói hỗ trợ kinh tế 250.000 tỷ đồng sẽ góp phần hỗ trợ các sàn giao dịch trong cơn đại khủng hoảng này.

“Các sàn giao dịch sẽ được nới rộng hơn thời gian cam kết thanh khoản sản phẩm, đồng thời cũng sẽ được giảm trừ hoặc miễn tiền thuê đất, thuê mặt bằng kinh doanh”, vị đại diện này nói.

Như vậy, thông qua gói hỗ trợ kinh tế 250.000 tỷ đồng, Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt và thực tế trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Đây thực sự là giải pháp để vực dậy doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19, trong đó doanh nghiệp BĐS cũng là đối tượng được hưởng lợi.

Phạm Minh