Bọt trắng nổi trên kênh đoạn qua cầu ĐT43 thuộc TP Thuận An. Đứng từ xa hàng trăm mét vẫn ngửi được mùi hôi. "Hai năm rồi mới thấy kênh nổi bọt như thế này, còn mùi hôi thì lâu lâu vẫn có", một người dân ở phường Bình Hòa chia sẻ với Vnexpress.
Theo người dân, trước khi có hiện tượng này, các bọt trắng xuất hiện theo dòng nước đen từ thượng nguồn Bình Dương chảy qua TP HCM. Sau mưa lớn, dòng nước dưới kênh như tuyết.
Kênh Ba Bò nổi bọt trắng sau cơn mưa ngày 13/4. Ảnh: Báo Lao động. |
Người dân địa phương cho biết, những tưởng khi cải tạo xong, kênh Ba Bò sẽ được “hồi sinh”. Thế nhưng, môi trường ở đây không cải thiện được nhiều, ngày thường nước kênh vẫn đen và bốc mùi hôi. Khi mưa xuống, nước kênh lại có thêm hiện tượng lạ là nổi bọt trắng.
Bắt nguồn từ khu vực ven khu công nghiệp ở TP Dĩ An (Bình Dương), kênh Ba Bò chảy qua địa bàn giáp ranh quận 12 (TP.HCM) rồi đổ ra sông Sài Gòn. Toàn tuyến kênh dài khoảng 5km. Là một trong những tuyến thoát nước mưa quan trọng của khu vực.
Thế nhưng, nhiều người nói đây là "dòng kênh chết" bởi bị ô nhiễm nặng, màu nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Mặc dù đã được đầu tư cả ngàn tỷ đồng để cải tạo, nhưng tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò vẫn chưa được cải thiện.
Đến 20h tối cùng ngày, bọt trắng vẫn chưa tan. Ảnh: Báo Lao động. |
Được biết, TP.HCM đã đầu tư gần 750 tỷ để xây dựng công trình cải tạo kênh Ba Bò, dự án được khởi công năm 2009 và hoàn thành vào cuối năm 2017. Sau khi hoàn thành, đáy kênh Ba Bò được mở rộng lên đến 12m và miệng kênh rộng 24m.
Tỉnh Bình Dương, nơi đầu nguồn con kênh cũng đã đầu tư trên 345 tỉ đồng để nâng cấp cải tạo thượng nguồn - đoạn qua phường Bình Hòa, thị xã Thuận An. Như vậy, tổng vốn đầu tư để cải tạo kênh Ba Bò của cả hai địa phương lên đến gần 1.100 tỉ đồng nhưng thực tế người dân quanh khu vực này vẫn phải sống chung với tình trạng ô nhiễm.
Người dân ở đây nghi ngờ rằng, tình trạng ô nhiễm của kênh Ba Bò trở nên nặng nề hơn trong thời gian gần đây có thể là do các khu công nghiệp ở thượng nguồn kênh xả thải vào những lúc trời mưa và đêm tối.
TP. HCM và Bình Dương đã tốn nhiều công sức, tiền của để giải quyết ô nhiễm, hồi sinh kênh Ba Bò nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao phải xử lý, ngăn chặn triệt để các nguồn nước thải độc hại xả trực tiếp ra kênh, khi đó mới cứu sống dòng kênh này và cải thiện điều kiện sống của người dân xung quanh.
P.V (tổng hợp)