Trước đó, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020, VFCA đã có nhiều kiến nghị đối với ngành chứng khoán nhằm vượt qua khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong đó, có nội dung liên quan đến một số doanh nghiệp FDI đã chuyển đổi thành công ty cổ phần (CTCP) nhưng Việt Nam vẫn chưa có các quy định pháp lý cụ thể về việc niêm yết cũng như đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán.
Từ câu chuyện cũ...
Lâu nay, nhóm các doanh nghiệp FDI vẫn luôn là một thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam, và việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này lên sàn là cần thiết, vừa đáp ứng nhu cầu từ phía doanh nghiệp, vừa giúp đa dạng hóa nguồn cung cổ phiếu. Câu chuyện này cũng đã được nhắc đến trong nhiều năm qua.
Hiện, trên thị trường chứng khoán mới chỉ có số ít doanh nghiệp FDI niêm yết như CTCP Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (mã: TYA), Everpia (mã: EVE), Mirae (KMR), Siam Brothers (mã: SBV), Công nghiệp gốm sứ Taicera (TCR), Tập đoàn Nagakawa (NAG), Tung Kuang (TKU)…
Đây là các doanh nghiệp đã niêm yết từ 15-16 năm trước theo Nghị định 38/2003/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 238/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, từ đó đến nay, thị trường chứng khoán đã không đón thêm một doanh nghiệp FDI nào.
Thực tế, nút thắt lớn nhất cản trở nhóm doanh nghiệp này lên sàn lại là tư duy thận trọng của các nhà điều hành lo sợ tình trạng rút vốn của các "ông chủ" doanh nghiệp qua thị trường chứng khoán, cùng với đó là hiện tượng chuyển giá do được hưởng khá nhiều ưu đãi về thuế.Còn nhớ, năm 2017, Seoul Metal Việt Nam và Ngũ Kim Fortress Việt Nam là 2 doanh nghiệp FDI đã lên kế hoạch niêm yết trên HoSE nhưng đến nay vẫn chưa được hiện thực hóa bởi phải chờ đợi các văn bản hướng dẫn từ Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đang có nhiều lợi thế để thu hút dòng vốn từ nước ngoài hậu Covid-19 như hiện nay, việc cho phép các doanh nghiệp FDI trở lại sàn chứng khoán sau một thời gian dài gián đoạn là hết sức cần thiết.
Có ý kiến cho rằng, nếu tình trạng chậm trễ kéo dài có thể khiến các doanh nghiệp FDI chuyển sang hoạt động tại các thị trường thuận lợi hơn nhằm tìm kiếm thêm cơ hội huy động vốn mới. Nguy cơ này là hoàn toàn có cơ sở, bởi trước đây đã có một số lãnh đạo các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc tỏ ra rất bức xúc khi “mãi không được lên sàn”.
Lãnh đạo một doanh nghiệp có vốn Đài Loan cho biết, họ cảm thấy khó hiểu với quá trình phê duyệt cho doanh nghiệp FDI niêm yết tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư tại rất nhiều quốc gia trong khu vực nhưng chưa từng gặp trường hợp nào tương tự.
... Đến động thái mới
Những lo ngại từ phía các cơ quan chức năng là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi những doanh nghiệp FDI đã lên sàn trong giai đoạn trước không mang lại sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư, giá trị cổ phiếu có phần èo uột, thậm chí có mã còn rơi vào tình trạng cảnh báo, kiểm soát.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích của Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) cho biết, các cổ phiếu FDI không thu hút được các nhà đầu tư là vì hoạt động kinh doanh chung của khu vực doanh nghiệp này thiếu tính ổn định, biến động khó lường và lợi nhuận qua từng năm hầu như không có sự đột phá.
Tuy nhiên, xét về mặt tích cực thì những doanh nghiệp FDI nếu được niêm yết sẽ làm đa dạng thị trường chứng khoán, thu hút thêm nhiều khách hàng mới là cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia.
Theo đó, mới đây, tại văn bản trả lời kiến nghị của VFCA liên quan đến xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý để các doanh nghiệp FDI có thể có nhiều “đất diễn” hơn tại thị trường Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2021, Bộ Tài chính, UBCKNN đang tính toán đưa vào nội dung niêm yết/đăng ký giao dịch của doanh nghiệp FDI.
UBCKNN cũng cho biết đang trong quá trình triển khai và xây dựng văn bản hướng dẫn và sẽ phổ biến tới thị trường chung khi hoàn thiện.
Điều này có nghĩa, nếu được Chính phủ thông qua thì năm tới có thể khơi thông điểm nghẽn về cơ chế cho doanh nghiệp FDI lên sàn. Đây là một sự chuyển biến tích cực trong cơ chế, nhưng các doanh nghiệp cũng cần phải chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng những quy định chặt chẽ như hạn chế chuyển nhượng phần vốn cổ đông sáng lập, hạn chế về cổ phiếu thưởng, hay phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (ESOP)...
Theo góc nhìn của các chuyên gia chứng khoán, đây là thời điểm chín muồi để “mở lối” cho khu vực doanh nghiệp FDI chuyển đổi sang doanh nghiệp đại chúng và đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Bởi lẽ, bên cạnh mục tiêu thu hút hơn nữa dòng vốn nước ngoài của Chính phủ, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực nâng hạng thị trường, việc cho phép các doanh nghiệp FDI lên sàn, đa dạng hóa sản phẩm có thể trở thành điểm cộng trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó mang lại lợi ích cho các bên liên quan.
Linh Đan