Khai thác drone hiệu quả, hợp pháp

Admin

29/11/2020 15:20

Việc quản lý thiết bị bay điều khiển từ xa (drone) sẽ khả thi hơn khi có sự phân loại rõ mục đích sử dụng

Trong nỗ lực cứu nạn của những vụ sạt lở núi trong đợt mưa lũ ở miền Trung vừa qua, lực lượng chức năng đã sử dụng drone để tìm kiếm nạn nhân. Ngoài camera để quan sát từ trên cao, khi được trang bị thêm các loại cảm biến nhiệt, những thiết bị này càng được mở rộng khả năng tìm kiếm trong điều kiện mưa bão, ở nơi hiểm trở.

Tiện ích, giảm chi phí

Drone ngày nay đã trở nên quá quen thuộc với cuộc sống, ngay cả trong đồ chơi, thiết bị này cũng đã có vô số mẫu mã. Phổ biến là người làm YouTube, Vlog, giới làm phim điện ảnh… dùng drone để quay video từ trên không (nên nó còn được gọi là "flycam"), vừa tiện dụng vừa giảm chi phí thay cho thuê trực thăng.

Vào giữa năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời đã trình diễn thiết bị bay không người lái phun thuốc phòng trừ sâu hại lúa tại xã Bình Trung (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Chuỗi chương trình này có kế hoạch trình diễn ở các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Định và Quảng Trị. Tất nhiên, do chi phí đầu tư cho những thiết bị bay chuyên dụng này cao (hàng trăm triệu đồng), việc triển khai dịch vụ cho thuê thiết bị được coi là giải pháp khả thi. Thiết bị này cũng "thế thân" trên không khi phải kiểm tra trên cao (như cột điện, đường dây điện…). Thiết bị bay cũng là khí tài trợ lực cho lực lượng biên phòng trong công tác tuần tra bảo vệ biên giới, đặc biệt là ở những vùng rừng núi hiểm trở. Cảnh sát Mỹ sử dụng drone để bảo vệ an ninh trật tự, săn lùng tội phạm. Theo tạp chí Police Chief, chỉ riêng ở Mỹ hiện có khoảng 1,1 triệu thiết bị bay không người lái chuyên dụng, gọi là UAV, dự báo vào năm 2021 sẽ có tới gần 3,5 triệu chiếc. Vào năm 2017, có 347 cơ quan công lực ở 43 tiểu bang sử dụng UAV để trợ lực cho cảnh sát làm nhiệm vụ. Các cơ quan cảnh sát dùng drone để tìm cứu nạn nhân, điều khiển giao thông khi tắc nghẽn, điều tra các vụ nổ súng, phân tích hiện trường tội phạm, trinh sát và cả giám sát các đám đông.

Hệ thống thương mại điện tử Amazon của Mỹ đã phát triển một dịch vụ Amazon Prime Air sử dụng drone nhỏ để vận chuyển tới nhà khách hàng những gói hàng nhỏ (dưới 2,25 kg) và trong bán kính 10 dặm (16 km). Loại hình ship hàng này được kỳ vọng giúp khách hàng không phải đợi lâu mà còn có thể phục vụ những khu vực xe cộ khó tới. Theo kế hoạch, đội drone ship hàng của Amazon bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2019 nhưng do Covid-19, đến nay vẫn còn nằm yên.

Khai thác drone hiệu quả, hợp pháp - Ảnh 1.

Ấn Độ dùng thiết bị bay không người lái để phun thuốc khử khuẩn phòng chống Covid-19Ảnh: inDIA

Cần ứng dụng rộng

Do đặc thù nên drone được coi là một phương tiện đặc biệt, không được phép sử dụng bừa bãi vì có thể xâm phạm cuộc sống riêng tư hay các cơ sở an ninh, quốc phòng. Vì vậy, người ta đã chế tạo những loại súng chuyên dùng để bắn hạ drone khi nó xâm nhập vùng cấm. Drone cũng bị coi như một trong những nguy cơ uy hiếp an toàn bay, nhất là ở các khu vực xung quanh sân bay. Thật ra, điều đáng lo nhất là ở các thiết bị bay "hàng chợ". Ngoài chuyện chất lượng, drone loại rẻ không đáp ứng các tiêu chuẩn dành cho loại thiết bị đặc biệt này. Trong khi đó, các sản phẩm thương hiệu uy tín có cập nhật bản đồ các khu vực bị cấm bay, khi thiết bị vào vùng này, chúng sẽ không khởi động được.

Ngay từ năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 36/2008 về việc quản lý "tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ". Bộ Quốc phòng được giao quản lý hoạt động của loại hình này, trong đó việc cấp phép cho bay theo từng vụ việc cụ thể. Theo báo cáo Ủy ban An ninh hàng không quốc gia, vào các ngày 19-9-2019 và ngày 16-10-2019 đã xảy ra vụ máy bay hàng không khi hạ/cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất và Phú Quốc va chạm với vật thể trong không gian (có khả năng là máy bay không người lái cỡ nhỏ) làm móp đầu mũi máy bay, đe dọa nghiêm trọng an toàn bay. Từ đó, vào tháng 1-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg/2020 về việc tăng cường biện pháp quản lý, giám sát đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ trong khi chờ soạn thảo và ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 36/2008. Việc quản lý loại thiết bị này được siết chặt hơn trước, ngay từ đầu vào nhập khẩu. Trước mắt, nhà chức trách không cấp phép bay trong khu vực 8 km tính từ ranh giới các cảng hàng không, sân bay có hoạt động của máy bay hàng không dân dụng (trừ các loại thết bị bay của các cơ quan hữu trách thực hiện công vụ).

Vào giữa năm 2020, trong dự thảo tờ trình xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 36/2008, Bộ Quốc phòng cũng đã đề nghị Chính phủ bổ sung nhiều quy định kiểm soát chặt việc sản xuất, sử dụng, chơi drone. Tuy nhiên, drone cần được ứng dụng rộng rãi để phục vụ cuộc sống người dân. Khả năng ứng dụng của loại phương tiện này rất rộng, nhất là khi nó được trang bị những thiết bị tiên tiến. Việc quản lý drone sẽ khả thi hơn khi có sự phân loại rõ ràng mục đích sử dụng. Đối với mục đích như một trò chơi, tương tự máy bay điều khiển từ xa, các địa phương có thể thành lập các câu lạc bộ và có sân chơi dành riêng. Còn đối với các mục đích chuyên dụng, thiết bị bay sẽ hoạt động theo sự quản lý của các cơ quan chức năng, việc lạm dụng thiết bị này thì cứ chiếu theo các luật định xử lý. 

Hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19

Trung Quốc có lẽ là nước có khả năng sản xuất nhiều drone dân dụng nhất thế giới, kể cả đồ chơi. Và trong thời gian cao điểm dịch Covid-19 hồi đầu năm 2020, nhà chức trách Trung Quốc đã khai thác drone vào phòng chống dịch. Có những địa phương dùng thiết bị bay để phun thuốc khử khuẩn hay bay tới tận từng nhà đo thân nhiệt người đang cách ly. Cảnh sát cũng sử dụng thiết bị bay để kiểm tra phát hiện người dân ra khỏi nhà và từ xa phát loa gắn trên thiết bị đó để cảnh báo người vi phạm. Cảnh sát Quốc gia Rwanda, Ấn Độ đã sử dụng drone vào mục đích tương tự.

Bạn đang đọc bài viết "Khai thác drone hiệu quả, hợp pháp" tại chuyên mục CÔNG NGHỆ.