Khi "hôn nhân" M&A rạn nứt

Admin

02/07/2020 05:32

(Doanhnhan.vn) - Nhiều doanh nghiệp quy mô hàng nghìn tỷ sau khi M&A từng xảy ra nội chiến dai dẳng suốt nhiều năm, cản trở sự tăng trưởng.

Chiều nay, ngày 30/6, Đại hội cổ đông của Coteccons dự kiến sẽ diễn ra và hứa hẹn sẽ là một trong số phiên kịch tính nhất của mùa đại hội năm nay. Trong một tháng qua, những căng thẳng tại Coteccons lên đến đỉnh điểm khi nhóm cổ đông ngoại tố Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc có hành vi tham nhũng trong quản lý và điều hành. Nhóm này cho rằng có sự nhập nhèm, xung đột lợi ích nghiêm trọng ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông.

Suốt một tháng "lời qua, tiếng lại", song thực tế mâu thuẫn nội bộ bên trong Coteccons đã kéo dài âm ỉ nhiều năm qua. Với những pha tấn công liên tiếp và trực diện, gần đây, nhóm cổ đông liên quan đến ông Nguyễn Bá Dương có vẻ đã phải "xuống nước" khi chấp thuận đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT của ông Nguyễn Sỹ Công. Đồng thời, tờ trình trong phiên họp chiều nay cũng bổ sung nội dung như thêm người đại diện pháp luật, đưa điều khoản giới hạn quyền của Tổng giám đốc.... 

Khi

Một nhà máy sản xuất của Bibica.  

Thực tế, câu chuyện hậu mua bán - sáp nhập (M&A) của các doanh nghiệp Việt, với mối quan hệ từ giai đoạn "tuần trăng mật" cho đến khi rạn nứt, dẫn đến công kích trực diện giữa nhóm cổ đông lớn không còn xa lạ. Trường hợp của Bibica và Lotte thường xuyên được nhắc đến như một dẫn chứng điển hình cho tình trạng này. Năm 2007, Lotte mua khoảng 30% vốn tại Bibica. Ban đầu, thương vụ này hứa hẹn sẽ giúp Bibica hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ, trong khi đó Lotte có thể tận dụng mạng lưới phân phối sẵn có của Bibica để phân phối các sản phẩm nhập khẩu.

Sự kiện đó từng trở thành một trong những cột mốc lịch sử quan trọng, được đề cập đến trong nhiều tài liệu, ấn phẩm của Bibica với những lời tâng bốc có cánh. Tuy nhiên, mâu thuẫn cũng bắt đầu từ khi Lotte thể hiện tham vọng đó bằng cách muốn tham gia sâu hơn vào hoạt động sản xuất bánh kẹo, đồng thời yêu cầu Bibica sản xuất sản phẩm mới mang thương hiệu của mình. Tranh chấp xảy ra trong nội bộ Bibica khiến hoạt động của Bibica trong 2 năm 2012-2013 rơi vào trì trệ. Những bất đồng âm ỉ giữa Bibica và đối tác Lotte được thổi bùng lên khi đại diện Lotte đề xuất đổi tên công ty thành Lotte - Bibica. 

Năm 2015, Bibica đã "bật đèn xanh" cho sự tham gia của Tập đoàn Pan Group. Hiện Pan Group nắm hơn 50% cổ phần Bibica, tuy nhiên sóng gió chưa hẳn đã hết bởi Lotte vẫn đang là một cổ đông lớn, đồng nghĩa với việc cổ đông này vẫn có tiếng nói trọng yếu với hoạt động của công ty bánh kẹo này. 

Thực tế tại kỳ họp đại hội cổ đông thường niên của Bibica hồi năm 2018, Lotte đã không thông qua tờ trình về kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm khi bị từ chối cung cấp thông tin về dự án xây dựng nhà máy mới. 

Hồi cuối năm 2019, Pan Group từng thông qua phương án chào mua 49,93% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Bibica, nhằm nâng sở hữu. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, Pan Group và Lotte vẫn là hai nhóm cổ đông lớn tại Bibica.

Câu chuyện nội bộ tại Vinaconex giữa nhóm cổ đông An Quý Hưng và Địa ốc Phú Long - doanh nghiệp thành viên của Sovico cũng là một dẫn chứng điển hình cho những cuộc M&A gặp nhiều trắc trở. Kể từ khi tiếp quản Vinaconex từ SCIC và Viettel, 2 nhóm cổ đông lớn tại doanh nghiệp liên tục xảy ra bất đồng, thậm chí từng có ý định gặp nhau tại toà. 

Nút thắt dẫn đến sự bất đồng là dự án Splendora Bắc An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội. Dự án diện tích hơn 264 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 2 tỷ USD sau hơn một thập niên triển khai, hiện mới thực hiện được hơn 50ha. Trong cơ cấu của doanh nghiẹp phát triển dự án, cả Vinaconex Địa ốc Phú Long đều nắm 50% vốn điều lệ. Tuy nhiên, chính tỷ lệ góp vốn cân bằng 50 - 50 lại trở thành "nút tắc" khi hai đối tác không tìm được tiếng nói chung trong việc triển khai dự án. 

Ở 2 kỳ đại hội cổ đông thường niên liên tiếp, ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Vinaconex đều cho biết hai bên sẽ đàm phán để dứt điểm số phận dự án. Một là, Vinaconex đàm phán để chuyển nhượng toàn bộ số vốn tại An Khánh JVC cho Địa ốc Phú Long, hoặc các nhà đầu tư khác có nhu cầu để thu hồi vốn, đầu tư vào dự án khác. Phương án còn lại là Vinaconex chủ động mua lại toàn bộ phần vốn của Địa ốc Phú Long để điều hành và triển khai dự án. 

“Chúng tôi muốn kết thúc việc này trong năm 2020 để Vinaconex lấy tiền lo việc khác”, ông Thanh nói trong đại hội cổ đông thường niên vừa diễn ra hôm 29/6.

Đây không phải lần đầu tiên ông đề cập đến việc bán hoặc mua lại dự án cho Phú Long, song suốt hơn một năm qua kể từ khi tiếp quản Vinaconex, những bế tắc tại doanh nghiệp này vẫn chưa được dứt điểm. Mỗi kỳ đại hội trôi qua, nhóm cổ đông của tổng công ty chia thành 2 phe rõ rệt. Những chiếc ghế phía trên hội trường, đại diện cho quyền lợi của nhóm cổ đông liên quan đến Phú Long. Còn ở nửa dưới là nhóm cổ đông nghiêng về nhóm An Quý Hưng. 

Khi

Dự án Splendora tại An Khánh, Hà Nội.

Việc cơ cấu cổ đông quá đa dạng cũng sẽ dễ nảy sinh chuyện hình thành phe phái, liên minh. Đơn cử như trường hợp của Eximbank, khi các cổ đông nội - ngoại không thể tìm được tiếng nói chung khiến ngân hàng này hai lần tổ chức bất thành buổi đại hội cổ đông thường niên 2019.

Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến chiếc ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank liên tục có biến động. Cuối tháng 3/2019, khi tân Chủ tịch HĐQT Lương Thị Cẩm Tú được bầu thay thế cho ông Lê Minh Quốc, mặc dù ông Quốc chưa hết nhiệm kỳ. Phản ứng lại quyết định trên, ông Quốc đã đệ đơn kiện và buộc Eximbank phải tạm thời dừng nghị quyết bầu bà Tú làm chủ tịch HĐQT. Vị trí đứng đầu HĐQT Eximbank tiếp tục được ông Quốc nắm giữ một thời gian rất ngắn, trước khi thuộc về ông Cao Xuân Ninh. 

Mới đây nhất, ngày 25/6, Eximbank thông báo bổ nhiệm ông Yasuhiro Saitoh làm Chủ tịch HĐQT sau 3 lần ông Ninh gửi đơn từ nhiệm. Những bất ổn tại Eximbank cũng là nguyên nhân khiến nhà băng dự kiến tổ chức đại hội cổ đông thường niên vào sáng nay nhưng bất thành do không đủ số cổ đông tham dự. Chiều nay, ngân hàng này sẽ tổ chức buổi đại hội cổ đông bất thường theo yêu cầu của Sumitomo Mitsui Banking Corporation -  cổ đông đang nắm 15% vốn. Theo tờ trình, buổi đại hội bất thường này cũng lại xoay quanh vấn đề nhân sự và cơ cấu HĐQT.

Bạn đang đọc bài viết "Khi "hôn nhân" M&A rạn nứt" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP.