Khi nào bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục sau 'bão Covid-19' lần thứ 2?

Admin

20/08/2020 13:48

Thị trường bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng “xuống dốc” từ đầu năm 2019 khi hàng loạt yếu tố tác động đến như pháp lý, một số chủ đầu tư "xù" cam kết lợi nhuận và đặc biệt là đòn giáng “chí mạng” từ dịch Covid-19.

Bị bồi thêm cú sốc

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, thị trường BĐS nghỉ dưỡng 6 tháng đầu năm 2020 hoạt động kém nhất từ trước đến nay do chính sách giãn cách xã hội. Công suất phòng giảm 36%, giá phòng giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, xuống 74 USD/phòng/đêm. Phân khúc 5 sao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc chủ yếu vào khách quốc tế.

Thống kê của DKRA Việt Nam mới đây cũng cho thấy, thị trường căn hộ nghỉ dưỡng quý II/2020, đặc biệt là condotel có lượng hấp thụ thấp, khoảng 20% nguồn cung mới, chỉ có 2 dự án mới được mở bán, lượng hàng tồn kho nhiều. Còn biệt thự biển đón nhận 4 dự án mở bán, bằng 7% so với cùng kỳ năm 2019.

Các thị trường như Bình Thuận, Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu… một thời sôi động, nay đang trong tình trạng bán hàng ở mức rất thấp, lần lượt là 30%, 17% và 4%, nhiều dự án hầu như không có giao dịch trong nửa đầu năm. Tại các dự án condotel từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Quốc, tính đến cuối tháng 6 vẫn còn gần 5.000 căn chưa được tiêu thụ.

Sang đến tháng 7/2020, khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, các khu du lịch tấp nập đón khách quay trở lại, thị trường đang “hứng khởi” thì dịch bệnh bùng phát lần thứ 2 bắt đầu từ Đà Nẵng đã giáng một đòn “chí mạng”.

Đặc biệt, liên tiếp từ ngày 25/7 đến nay đã có gần 500 ca nhiễm Covid-19 mới trên một số tỉnh thành, nhưng tác động toàn bộ đến thị trường BĐS nghỉ dưỡng cả nước. Ở những khu vực chưa xuất hiện dịch trở lại như Phú Quốc, Nha Trang, Bình Thuận, Phú Yên… cũng bị ảnh hưởng nặng nề, hầu như các dự án đang triển khai hoạt động cầm chừng. Các chuyến du lịch đều bị khách hàng huỷ bỏ, khiến BĐS nghỉ dưỡng lại rơi vào “trầm cảm” chưa biết đến khi nào mới hồi phục được.

Ghi nhận tại một số khách sạn 4-5 sao ở Quy Nhơn, Bình Thuận, hầu hết đều vắng như “chùa bà Đanh”, số khách đến du lịch lác đác, một số khách lưu trú do đi công tác, thế nhưng các khách sạn này vẫn phải mở cửa hoạt động. Giá phòng từ 2,4 triệu đồng/đêm giảm còn 1,2 triệu đồng/đêm.

Trước thực trạng khó chồng khó này, thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục tồn tại, duy trì ra sao và liệu có còn cơ hội để vực dậy?

Trông chờ khống chế dịch bệnh

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính chia sẻ, từ khi dịch bùng phát trở lại, hoạt động du lịch nghỉ dưỡng đã giảm sút một cách trầm trọng, việc phục hồi, quay trở lại bình thường trong giai đoạn này là rất khó.

Tuy nhiên, ông Thịnh vẫn tin rằng, dịch bệnh chỉ tác động trong ngắn hạn, về trung, dài hạn vẫn còn nhiều lý do để có thể lạc quan. Bởi những khó khăn hiện tại vẫn đang nằm trong tính toán mà thị trường cũng như các doanh nghiệp đã xác định trước.

Nhìn rộng hơn về thị trường BĐS nghỉ dưỡng, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh lưu ý, nền kinh tế của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, trong khi nhiều nước trên thế giới đang tăng trưởng âm. Theo World Bank, Việt Nam là một trong 5 quốc gia có thể có sự tăng trưởng tốt nhất trong năm 2020.

Còn về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, 7 tháng đầu năm có gần 28.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 17,6% so cùng kỳ năm trước). Riêng trong tháng 7/2020, lượng vốn đăng ký vào thị trường đạt hơn 239.000 đồng, tăng 72% so với tháng trước.

Ở góc độ chuyên gia BĐS, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam vẫn nhiều cơ hội và dư địa cho BĐS nghỉ dưỡng, bởi chiến lược lấy du lịch là mũi nhọn phát triển kinh tế của Chính phủ. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đều quan tâm đến thị trường này, được minh chứng bởi hàng loạt dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng trên khắp cả nước thời gian sau Covid-19 lần 1 đã hồi phục và "ra hàng".

Đánh giá về thị trường BĐS nghỉ dưỡng sau làn sóng dịch lần thứ hai, ông Đính cho rằng, nếu Việt Nam thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ngay trong tháng 8, thị trường BĐS nói chung và thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định mặc dù sẽ thấp hơn cùng kỳ của năm trước.

Trường hợp dịch bệnh kéo dài hơn, thậm chí đến cuối năm, thị trường BĐS nói chung đều bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng dịch mạnh hơn của Chính phủ. Thị trường sẽ phải "ngủ đông" lâu hơn, có thể phải kéo qua năm 2021.

Trước mắt, theo ông Đính, để khắc phục khó khăn cho thị trường, các ngân hàng cần phải đồng hành cùng với chủ đầu tư, nhà đầu tư, vừa cơ cấu nợ, vừa bổ sung vốn để dự án sớm hoàn thành.

Cần thúc đẩy thực hiện các gói giải pháp hỗ trợ mà Chính phủ đã phê duyệt, yêu cầu ngành ngân hàng quyết liệt đồng hành cùng doanh nghiệp; chỉ đạo và hướng dẫn chính quyền địa phương nhanh chóng thực hiện cấp sổ hồng cho condotel, nhằm tạo niềm tin và thu hút nhà đầu tư tiếp tục tham gia vào thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng.

Các chủ đầu tư phải tìm giải pháp đảm bảo nguồn vốn để duy trì tiến độ hoàn thành dự án, bởi càng sớm đủ điều kiện khai thác kinh doanh càng đảm bảo cơ hội thành công.

Minh Trang