Khó có cơ hội “lướt sóng” ngắn

22/07/2024 09:25

(ĐTCK)  Trong tuần giao dịch từ 15/7 – 19/7/2024, thị trường chứng kiến tâm lý giao dịch có phần đi xuống khi 4 trong 5 phiên giảm điểm, trong đó phiên ngày 16/7 và 18/7 là hai phiên giảm với biên độ lớn, lên đến gần 0,8% mỗi phiên. Tính chung cả tuần, VN-Index đã ghi nhận mức giảm gần 1,6%, để đóng cửa tại mức giá 1.264,78 điểm.

VN-Index có mức giảm tương đối lớn, giá trị giao dịch bình quân của mỗi phiên chỉ duy trì ở mức trung bình; đồng thời, lực cầu tiếp tục xuất hiện khi tại vùng giá thấp đã cho thấy nhịp điều chỉnh có kiểm soát. Dòng tiền nhằm hỗ trợ cho chỉ số chung đã tập trung tại các nhóm ngành có khả năng neo giữ chỉ số như ngân hàng, bán lẻ.

Với diễn biến hiện tại, áp lực điều chỉnh và lực cầu tại vùng giá thấp vẫn khá cân bằng, tạo nên kịch bản giằng co trong biên độ khoảng 50 điểm. Có thể nhận định VN-Index vẫn duy trì tích lũy trong khung từ 1.250 - 1.290 điểm trong ngắn hạn, khi giới đầu tư tiếp tục chờ đợi ảnh hưởng của các sự kiện chính trị - xã hội phai dần và tập trung vào kết quả kinh doanh quý II/2024 sẽ sớm được công bố trong tuần tiếp theo.

Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục cẩn trọng, theo đuổi chiến lược danh mục tập trung khi diễn biến thị trường không ủng hộ cho khả năng lướt sóng ngắn. Nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp điều chỉnh để tái cơ cấu danh mục theo hướng thu gom vùng giá thấp các cổ phiếu có kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý II như MBB, ACB, FPT, MBS, VCI…

Ngành bất động sản: Tập trung tái cơ cấu, đón đầu xu hướng phục hồi

Mặc dù đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó quan trọng là tìm được giải pháp về nguồn vốn cho hoạt động phát triển dự án cũng như tái cơ cấu về mặt tài chính. Trong giai đoạn tín dụng dồi dào, các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay, tuy nhiên, hiện tại, áp lực nợ vay của các doanh nghiệp bất động sản tương đối cao và khó vay mới, việc huy động từ phát hành trái phiếu có chi phí cao và cũng tương đối khó khăn, các doanh nghiệp đang có xu hướng tăng vốn từ phát hành cổ phiếu để đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn.

Số tiền thu về từ phát hành tăng vốn thường được các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng vào việc trả bớt nợ vay để giảm áp lực về lãi vay, cũng như có nguồn tài chính phục vụ cho phát triển dự án mới. Có nhiều doanh nghiệp chọn phương án phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ vay hiện tại, hoặc phát hành cổ phiếu mới và sử dụng số tiền thu được để trả nợ.

Bước đi này của các doanh nghiệp tương đối phù hợp với thị trường chung, khi mà thị trường nhà đất đang phục hồi nhẹ, tuy nhiên chỉ tập trung ở một số phân khúc và nguồn cung ra thị trường vẫn còn ít do các doanh nghiệp chưa thể đưa sản phẩm ra thị trường.

Phân khúc nhà ở, chung cư giá rẻ và trung cấp đang có nhu cầu cao hơn nguồn cung trên thị trường. Các chính sách tháo gỡ và thúc đẩy thị trường sẽ là điều kiện để tăng nguồn cung và đưa thị trường nhộn nhịp trở lại. Điểm nhấn là mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030 kết hợp quy hoạch quỹ đất, ưu đãi cho chủ đầu tư và điều chỉnh chính sách chào bán.

Ngày 1/8 tới, ba sắc luật mới liên quan đến thị trường bất động sản chính thức có hiệu lực, điều này kỳ vọng có thể giúp các doanh nghiệp trong ngành tháo gỡ được các khó khăn về mặt pháp lý cho các dự án. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, cũng chỉ có thể kỳ vọng vào sự khởi sắc của các doanh nghiệp có dự án đã được phê duyệt. Đối với các doanh nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu nợ mạnh, có thể phải chờ đến đầu năm 2025 mới có thể thấy được kết quả cải thiện.

Bạn đang đọc bài viết "Khó có cơ hội “lướt sóng” ngắn" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.