Khó khăn bủa vây, cổ phiếu thép SMC vẫn liên tục tăng trần

Admin

11/12/2024 16:15

Đà tăng của cổ phiếu SMC gần đây trái chiều với bối cảnh công ty kinh doanh thua lỗ, ôm khoản nợ xấu gần 2.000 tỷ đồng và phải bán tài sản để duy trì hoạt động.

Trong khi thị trường chung vẫn chưa thể bứt phá mạnh do thiếu nhóm ngành dẫn dắt, thì cổ phiếu SMC của CTCP Đầu tư Thương mại SMC lại ngược chiều tăng điểm phiên thứ 2 liên tiếp.

Thanh khoản cũng sôi động hơn khi dư mua hơn 1 triệu đơn vị và trắng bên bán. Trong 2 phiên gần đây, đã có khoảng 1,5 triệu cổ phiếu được sang tay mỗi ngày, gấp 6 lần thường ngày.

Trước đó, từ giữa tháng 4 - 7/2024, cổ phiếu SMC đã bốc đầu tăng gấp đôi lên hơn 20.000 đồng/ cổ phiếu - cao nhất trong 2 năm qua. Đà tăng này trong bối cảnh công ty ngắt chuỗi thua lỗ trong quý I, nhờ việc bán cổ phiếu NKG. 

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính cũng ẩn chứa những rủi ro từ các khoản phải thu, nợ xấu và kết quả kinh doanh chưa có nhiều khởi sắc từ hoạt động cốt lõi.

Khó khăn bủa vây, cổ phiếu thép SMC vẫn liên tục tăng trần- Ảnh 1.

Diễn biến thị giá cổ phiếu SMC.

Ngoài ra, thời điểm đó cũng đặt kỳ vọng về việc nhà máy SMC Phú Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu mang lại hiệu quả từ tháng 4/2024, đây là nhà máy chuyên gia công vỏ máy giặt và vỏ tủ lạnh cho Samsung. Theo kế hoạch, nhà máy này sẽ sản xuất 2 triệu sản phẩm trong năm nay, bên cạnh đó SMC cũng đã bắt đầu tìm kiếm các khách hàng mới cho nhà máy này.

Qua giai đoạn trên, cổ phiếu SMC chứng kiến đà lao dốc không phanh trước tình hình tài chính không mấy sáng cửa khi lỗ 114 tỷ đồng trong quý II và lỗ hơn 84 tỷ đồng trong quý III. Thị giá SMC đã từ đỉnh 20.000 đồng/cổ phiếu lao xuống 6.000 đồng/cổ phiếu.

Kinh doanh thua lỗ, SMC còn đang phải ôm khoản nợ xấu gần 2.000 tỷ đồng từ các đối tác. Nợ xấu ngắn hạn là 1.288 tỷ đồng bao gồm 440 tỷ đồng của Công ty TNHH Delta Valley Bình Thuận, 169 tỷ đồng của Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley, 131 tỷ đồng từ Công ty TNHH The Forest City, 63 tỷ đồng từ CTCP Hưng Thịnh Incons, các đối tượng khác 484 tỷ đồng. SMC đã trích lập 558 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu ngắn hạn, tương đương 43% giá trị nợ xấu.

Trong khi đó, tổng nợ phải trả của SMC hơn 4.300 tỷ đồng đến cuối quý III/2024, gấp gần 5 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này.

Thép SMC nối dài chuỗi kinh doanh thua lỗ, nợ xấu gần 1.300 tỷ đồngThép SMC nối dài chuỗi kinh doanh thua lỗ, nợ xấu gần 1.300 tỷ đồngĐỌC NGAY

Bên cạnh tình hình kinh doanh bị gam màu xám bao trùm, SMC còn bán tài sản để duy trì hoạt động. 

Ngày 2/10 vừa qua, HĐQT SMC ban hành nghị quyết chuyển quyền chủ nợ đối với khoản nợ phải thu của SMC tại Công ty Cổ phần Beton 6 với tổng giá trị 12,6 tỷ đồng (bao gồm cả lãi chậm thanh toán hoặc các khoản phí phạt khác).

Trong tháng 9/2024, SMC thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Công ty TNHH MTV SMC Đà Nẵng. Công ty cho biết, giá chuyển nhượng dự kiến hơn 96 tỷ đồng.

Xa hơn, tháng 4/2024, SMC thông qua chuyển nhượng toà nhà văn phòng tại địa chỉ 681 Điện Biên Phủ, Tp.HCM với diện tích 329,5 m2, giá chuyển nhượng 170 tỷ đồng. Ngoài ra, SMC còn thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê và tài sản gắn liền với đất tại SMC Tân Tạo 2 – Khu công nghiệp Tân Tạo với diện tích 9.096 m2, giá chuyển nhượng dự kiến 126 tỷ đồng…