Khoảnh khắc Obama lật ngược tình thế trong cuộc chạy đua Nhà Trắng

Admin

22/10/2020 11:11

Hồi ký của Michelle Obama kể lại trải nghiệm góp phần tạo nên tố chất riêng của bà, từ tuổi thơ ở Chicago đến những năm tháng giữ vị trí điều hành, bí quyết cân bằng giữa áp lực công việc và gia đình, 8 năm sống tại Nhà Trắng.

Thành thật mà nói, tôi không tin vào những bình luận viên kia, và tôi cũng không chắc về kết quả thăm dò nữa. Tự đáy lòng, tôi tin chắc rằng họ sai. Không khí mà họ mô tả trong các phim trường thị thành sạch boong chẳng phải là không khí mà tôi đã bắt gặp ở các sảnh nhà thờ và trung tâm cộng đồng ở Iowa.

Giới trẻ ủng hộ chúng tôi

Những chuyên gia đó không hề gặp các đội tình nguyện viên trung học “Barack Stars” tham gia vào chiến dịch sau khi chơi bóng hay tập kịch. Họ không hề nắm tay với một cụ bà da trắng đang tưởng tượng ra một tương lai tốt đẹp hơn cho những đứa cháu lai của mình.

Họ cũng không nhận ra một gã khổng lồ lớn như thổi, đó là tổ chức thực địa của chúng tôi. Chúng tôi đang trong quá trình xây dựng một mạng lưới tham gia chiến dịch khổng lồ trong cộng đồng - có tổng cộng 200 nhân viên tại 37 văn phòng - mạng lưới lớn nhất trong lịch sử bầu cử sơ bộ của Iowa.

Giới trẻ ủng hộ chúng tôi. Tổ chức của chúng tôi được truyền sức mạnh từ lý tưởng và năng lượng của những bạn trẻ hai mươi hai đến hai mươi lăm tuổi, những người tạm gác mọi thứ và tự lái xe tới Iowa để tham gia chiến dịch, những người mang trong mình một mã gien giống với mã gien đã thôi thúc Barack đón nhận công việc tổ chức sự kiện cộng đồng ở Chicago năm xưa.

Họ có một tinh thần và kỹ năng mà các bảng xếp hạng chẳng hề tính tới. Tôi cảm nhận được điều đó mỗi lần đến thăm họ - một làn sóng hy vọng trào dâng từ việc tiếp xúc với những con người thật sự tin tưởng chúng tôi, những người đã bỏ ra bốn hay năm giờ mỗi tối để gõ từng cánh cửa và kêu gọi cử tri, xây dựng mạng lưới những người ủng hộ ở cả những thị trấn nhỏ nhất và bảo thủ nhất, đồng thời thuộc nằm lòng quan điểm phức tạp của chồng tôi về trang trại chăn nuôi heo khép kín hay kế hoạch cải thiện hệ thống nhập cư.

Đối với tôi, người thanh niên đang điều hành các văn phòng thực địa của chúng tôi chính là đại diện cho lời hứa của thế hệ lãnh đạo kế tiếp. Họ không ủ ê, và giờ họ còn được trui rèn và đoàn kết. Họ đang kết nối cử tri với nền dân chủ một cách trực tiếp hơn, bất kể là qua một văn phòng thực địa trên phố hay một website mà qua đó họ có thể tổ chức các cuộc họp và vận động cử tri qua điện thoại.

Như Barack thường nói, những gì chúng tôi đang làm không phải chỉ dành cho một cuộc bầu cử đơn lẻ. Chúng tôi đang góp phần vào một nền chính trị tốt đẹp hơn trong tương lai - nền chính trị ít bị tiền chi phối hơn, dễ tiếp cận hơn và giàu hy vọng hơn.

Cho dù sau cùng chúng tôi không chiến thắng đi nữa thì chúng tôi cũng đang tạo ra những tiến bộ quan trọng. Theo cách này hay cách khác, công sức của những tình nguyện viên trẻ tuổi đó đều đáng giá.

Obama lat nguoc tinh the anh 1

Ông Oama diễn thuyết trước cử tri. Ảnh: CNN.

Khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, Barack biết là về cơ bản anh chỉ còn một cơ may cuối cùng để thay đổi cuộc đua ở Iowa, và đó là thể hiện thật ấn tượng ở bữa tối Jefferson-Jackson, một nghi thức mà Đảng Dân chủ tổ chức hàng năm ở mọi tiểu bang.Bữa tối ấn tượng

Ở Iowa, trong lần bầu cử tổng thống, bữa tối được tổ chức vào đầu tháng 11, khoảng 8 tuần trước kỳ bỏ phiếu sơ bộ vào tháng 1, và được truyền thông cả nước đưa tin.

Nguyên tắc cơ bản là mọi ứng viên sẽ có một bài phát biểu - mà không có ghi chép hay máy nhắc chữ - đồng thời cố gắng mang đến càng nhiều người ủng hộ càng tốt. Về bản chất, đó là một cuộc vận động khổng lồ và cực kỳ cạnh tranh.

Suốt nhiều tháng, các bình luận viên của các kênh truyền hình cáp nghi ngờ việc người dân Iowa sẽ đứng lên ủng hộ Barack vào thời điểm bỏ phiếu sơ bộ, ám chỉ rằng dẫu là một ứng viên khác thường và năng động thì anh vẫn không tài nào chuyển sự nhiệt tình đó thành phiếu bầu được.

Đám đông ở bữa tối Jefferson-Jackson là câu trả lời của chúng tôi dành cho họ. Khoảng ba nghìn người ủng hộ chúng tôi đã đến từ khắp nơi trong tiểu bang, điều đó chứng tỏ cho mọi người thấy chúng tôi vừa có tổ chức vừa tích cực, và hiển nhiên là mạnh mẽ hơn bất cứ những gì họ từng nghĩ.

Trên sân khấu đêm đó, John Edwards chĩa mũi nhọn vào Clinton, ngầm công kích về tầm quan trọng của sự thành thật và đáng tin cậy. Joe Biden cười toe toét đón nhận sự ấn tượng và ồn ào của đám đông cử tri ủng hộ Obama bằng một câu chào mỉa mai “Xin chào, Chicago!”.

Hillary, lúc đó đang cầm cự với một cơn cảm lạnh, cũng tận dụng cơ hội này để tấn công vào lời kêu gọi thay đổi của Barack. Bà nói: “‘Thay đổi’ chỉ là một lời nói suông nếu như ta không có sức mạnh và kinh nghiệm để biến nó thành hiện thực”.

Barack là người cuối cùng phát biểu đêm hôm đó, anh bảo vệ thông điệp cốt lõi của mình bằng một bài nói chuyện làm phấn chấn lòng người - anh nói nước Mỹ đang ở thời khắc quyết định, thời cơ để vượt qua không chỉ nỗi sợ và những thất bại của chính quyền Bush, mà còn vượt qua sự phân cực chính trị bấy lâu, đương nhiên bao gồm cả trong chính quyền Clinton trước đây.

“Tôi không muốn dành một năm hay bốn năm sau để lại đấu cuộc chiến mà chúng ta đã có từ thập niên 1990”, anh nói. “Tôi không muốn đẩy người Mỹ áo đỏ đối đầu với người Mỹ áo xanh, tôi muốn trở thành tổng thống của Hợp chủng quốc Mỹ”.

Khán phòng dậy sóng. Tôi quan sát từ dưới sân khấu trong niềm tự hào vô bờ.

“Hỡi nước Mỹ, thời khắc của chúng ta là lúc này”, Barack nói. “Thời khắc của chúng ta là ngay bây giờ".

Sự thể hiện của anh đêm hôm đó trao cho chiến dịch chính xác những gì nó cần, đưa anh lên dẫn đầu cuộc đua. Anh đã dẫn đầu trong khoảng một nửa các cuộc thăm dò ở Iowa và bắt đầu lấy đà khi các cuộc bầu kín sắp diễn ra.