Khoảnh khắc trong đời Jeff Bezos

Admin

30/08/2020 19:25

Elon Musk và Jeff Bezos là hai tỷ phú với hai phong cách khác biệt. Họ chính là những người đi đầu trong việc làm sống lại chương trình không gian Mỹ. Musk luôn tiến về phía trước, những thành công và thất bại của ông luôn là tâm điểm của sự chú ý. Ngược lại, Bezos kín kẽ và thận trọng, dự án tên lửa của ông luôn phủ một lớp màn bí mật.

Suốt nhiều năm, các nhà báo liên tục đập cửa Blue Origin, cố gắng moi chút ít về công ty bí hiểm được vận hành hệt như Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ.

Sáng 24/11/2015, Blue Origin lại chủ động gọi vào điện thoại di động của các nhà báo từ tờ mờ sáng. Cánh phóng viên còn đang lơ mơ vì buồn ngủ được yêu cầu kiểm tra email để đọc một thông cáo báo chí vừa mới công bố, và rằng họ sẽ có chút thời gian nói chuyện với Bezos trong hôm đó.

Lần hạ cánh "trúng hồng tâm"

Một ngày trước đó, Blue Origin đã phóng một tên lửa từ hoang mạc Tây Texas xa xôi và nó đã bay vượt giới hạn của bầu khí quyển, đạt được tốc độ tối đa lên đến Mach 3,72.

New Shepard - thiết bị dưới quỹ đạo được đặt tên theo Alan Shepard, phi hành gia đầu tiên của Mỹ du hành vào vũ trụ - đã bay lên độ cao khoảng 100 km, vượt qua đường “Kármán”, được ghi nhận là ranh giới giữa bầu khí quyển và không gian.

Tàu con thoi nằm trên đỉnh của tên lửa, không có bất cứ hành khách nào, đã tách rời khỏi động cơ đẩy và hạ cánh nhẹ nhàng nhờ những chiếc dù. Quan trọng hơn, tên lửa đã hạ cánh sau khi rơi trở lại và vượt qua những cơn gió giật ngang trên cao với vận tốc 190 km/giờ.

Hệ thống dẫn đường GPS và một hệ thống thăng bằng đã giúp nó ổn định khi bay xuống. Động cơ đẩy đốt cháy để tự giảm tốc độ trước khi mở các càng tự động và đáp nhẹ nhàng xuống một sân đáp bằng bê tông.

Nó chỉ lệch tâm khoảng 1,5 m. Đối với lần hạ cánh đầu tiên, có thể gọi là “trúng hồng tâm”.

Tại trụ sở của Blue Origin, các nhân viên đều tập trung xem cuộc hạ cánh qua màn hình. Và khi tên lửa đáp xuống, tất cả, bao gồm khoảng 400 kỹ sư, reo hò cuồng nhiệt, giơ cao nắm đấm và ôm nhau.

Ngay từ đầu, Blue Origin đã cố gắng chế tạo tên lửa tái sử dụng, một tên lửa có thể được phóng, sau đó lại bay lần nữa, như một chiếc máy bay, một sự đột phá mà ngành công nghiệp này đã chờ đợi từ rất lâu.

Cuối cùng, nó sẽ làm giảm chi phí của du hành không gian, khiến số đông dễ dàng tiếp cận. Giờ đây, Blue đã hạ cánh thành công, một đỉnh cao thắng lợi của hơn một thập kỷ nỗ lực miệt mài.

Ten lua cua Jeff Bezos anh 1

Tên lửa New Shepard. Ảnh: Blue Origin.

Sứ mệnh "không tì vết"

Bezos rất rạng rỡ. Trong các cuộc phỏng vấn sau đó, ông đã gọi nó là sứ mệnh “không tì vết” và “một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của cuộc đời tôi. Mắt tôi đã ngấn lệ".

Ông sáng lập công ty 15 năm trước đó và quyết định chế tạo một tên lửa sử dụng nhiên liệu hóa học sẽ được tái sử dụng trong vài năm sau. Giờ đây, cuối cùng, Blue Origin cũng làm được.

Sau này, ông nói rằng niềm vui của cuộc hạ cánh đã khiến ông nhớ đến một câu nói: “Chúa biết cách định giá phù hợp hàng hóa của mình".

“Những thứ mà bạn phải làm việc cật lực để có được trong khoảng thời gian dài nhất, luôn đem đến cho bạn sự thỏa mãn lớn nhất”, ông giải thích.

“Nếu chỉ mất 10 phút để làm xong điều gì đó, thành quả thực sự có thể khiến bạn thỏa mãn đến mức nào so với việc nỗ lực cả thập kỷ? Và đối với tôi, theo một cách nào đó, đã nỗ lực cho việc này, kể từ khi mới 5 tuổi. Vì vậy, tôi vô cùng thỏa mãn với kết quả đạt được. Tôi nghĩ rằng cả đội ngũ đều cảm thấy như vậy. Những người tham gia ngành này là được trao sứ mệnh".

Khi đứng trên sân đáp, xám đen vì lửa, tên lửa sừng sững như một minh chứng rõ ràng về toán học, kỹ thuật và khoa học. Nó không giống bất cứ tên lửa nào khác từng bay trước đó.

Các tên lửa truyền thống đều cục mịch và vô tri, chỉ là những động cơ đẩy đầy sức mạnh với một việc duy nhất: Vật lộn tìm cách thoát khỏi sự ảnh hưởng của lực hấp dẫn. Khi làm được việc đó, chúng có thể bị phá hủy, rơi xuống một nấm mồ nước.

Nhưng tên lửa New Shepard sở hữu cả bộ não lẫn cơ bắp, một robot tự động có thể tự bay. Được chỉ dẫn bởi các thuật toán vi tính, các bộ cảm ứng đo lường tốc độ gió và một hệ thống GPS. Nó rơi trở lại Trái Đất cho đến khi động cơ khởi động lại ở độ cao khoảng 1.600 m so với mặt đất, làm giảm tốc độ rong quá trình tiếp cận điểm hạ cánh.

Đó là phần xuất sắc của quá trình bay xuống. Trong một khoảnh khắc ngắn, tên lửa bay lơ lửng phía trên sân đáp, dành vài giây để kiểm tra các tọa độ nhằm đảm bảo rằng nó đang ở đúng vị trí.

Khi hệ thống xác định rằng nó đang ở sai vị trí, nó đã sử dụng các thiết bị đẩy để lướt đi hết sức nhẹ nhàng, một sự vận động khiến tên lửa New Shepard lắc qua lắc lại, như thể nó đang ngồi dịch sang một bên trên một chiếc ghế dài.

Khi rõ ràng đã hài lòng với vị trí của mình, nó đáp xuống giữa một chùm bụi và khói, nhẹ nhàng chạm chân vào sân đáp với vận tốc khoảng 7 km một giờ.

Với thành công này, Blue Origin đã trên đường tiến đến mục tiêu đầu tiên là đưa các du khách trả tiền vượt qua ranh giới tiến vào không gian, cho phép họ tận hưởng góc nhìn từ trên cao, đường cong của Trái Đất, đường viền mỏng của bầu khí quyển, bóng tối khổng lồ của không gian bên ngoài.

Để chuẩn bị cho chuyến bay này, công ty cũng đã thử nghiệm bộ phận mô phỏng phi thuyền không có người bên trong. Nó cũng đã hạ cánh bằng dù, 11 phút sau khi bay lên.

Bạn đang đọc bài viết "Khoảnh khắc trong đời Jeff Bezos" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP.