Theo một số báo cáo mới nhất tại Trung Quốc, Huawei đang tích cực đặt hàng điện thoại thông minh 4G và các bộ phận thiết bị đầu cuối liên quan từ các nhà cung cấp. Một số nhà sản xuất linh kiện đã được thông báo rằng họ sẽ tiếp tục mua bo mạch chủ và các thành phần khác trong tháng này. Một nhà cung cấp giấu tên của Huawei đã chia sẻ với tờ China Business News rằng nhiều đơn đặt hàng điện thoại di động 4G mới đã bắt đầu được thực hiện.
"Hiện tại, các đơn đặt hàng được đặt theo từng đợt nhỏ và không có cách nào để ước tính lượng đặt hàng cụ thể", người này cho biết. Ông cũng chia sẻ thêm rằng theo nhịp độ đặt hàng này, các đơn đặt hàng điện thoại di động hiện tại dự kiến sẽ xuất xưởng trong nửa đầu năm tới. Xét theo thời điểm, các đơn hàng sớm nhất sẽ ra mắt vào quý đầu tiên.
Huawei đã không phản hồi về tin tức trên.
Tuy nhiên, các nhân viên nội bộ của Huawei đã chia sẻ rằng việc cung cấp chip 4G có thể giải quyết nhu cầu về điện thoại di động và máy tính bảng ở hầu hết các khu vực nước ngoài, để họ có thể duy trì các kênh phân phối ở các khu vực lớn, nhằm giữ chân đội ngũ, tiếp lửa cũng như chờ đợi cơ hội thay đổi trong tương lai.
"Hiện tại, Đông Âu, Nga, Châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh vẫn là các thị trường 4G. Một số khu vực chỉ cung cấp mạng 4G và các sản phẩm 4G vẫn có tính cạnh tranh", một nhân sự giấu tên cho biết.
Xét từ khía cạnh tình hình cấp phép, nhà sản xuất duy nhất có thể cung cấp chip 4G cho Huawei ở hiện tại là Qualcomm.
Qualcomm luôn là một trong những nhà cung cấp chip chính của Huawei. Cơ cấu doanh thu của tập đoàn có trụ sở tại Mỹ này bao gồm kinh doanh chip và kinh doanh bằng sáng chế. Công ty này dựa vào lợi thế bằng sáng chế lâu dài của mình trong các giao thức cơ bản của lĩnh vực "đa truy cập phân chia theo mã" như CDMA. Thu thập bằng sáng chế đến từ các nhà sản xuất điện thoại di động.
Trong báo cáo năm tài chính 2019 được Qualcomm công bố trước đó, doanh thu mảng kinh doanh bằng sáng chế đạt 4,59 tỷ USD. Tuy nhiên, quá trình tích lũy bằng sáng chế của Huawei cũng đang tăng lên nhanh chóng, do đó, chi phí bằng sáng chế của Qualcomm sẽ không còn được thanh toán kể từ tháng 4/2017 và sự hợp tác giữa hai công ty cũng bị ảnh hưởng. Từ đó, tỷ lệ kinh doanh chip Qualcomm với Huawei đã nhanh chóng giảm từ 40% xuống còn dưới 10%.
Nhưng vào ngày 4/11 vừa qua, Qualcomm đã tuyên bố trong báo cáo tài chính quý 4 rằng họ đã nhận được 1,8 tỷ USD phí cấp bằng sáng chế từ Huawei. Cristiano Amon, chủ tịch Qualcomm, cho biết tại hội nghị công bố báo cáo thu nhập rằng Huawei đã tạo cơ hội cho mảng kinh doanh chip di động của Qualcomm mở rộng thị trường tiềm năng. Cách đây một tuần, đại diện của Qualcomm cũng cho biết công ty "đã xin được giấy phép (cho Huawei) đối với một số sản phẩm, bao gồm một số sản phẩm 4G".
Điều này có nghĩa là vấn đề khó khăn nhất về "con chip" trong chuỗi cung ứng của Huawei đã được xoa dịu một phần. Sau khi có giấy phép này, Huawei dự kiến sẽ tăng khả năng cung cấp điện thoại di động 4G ra thị trường.
Theo một số nhà phân tích, theo tình hình hiện tại, nhiều công ty có thể được chính phủ Mỹ cho phép trong tương lai để giao dịch hàng hóa lại cho Huawei. Mặc dù Huawei đã bị chậm lại các lô hàng nhưng tập đoàn Trung Quốc này vẫn không muốn từ bỏ việc hợp tác với các kênh phân phối lớn và thị phần ở một số thị trường dự kiến sẽ ổn định. Sau khi chuỗi cung ứng ổn định, Huawei có thể sẽ lại xây dựng các chiến lược tích cực hơn để giành lại thị trường trong tương lai.
Nhưng, vấn đề là xu hướng smartphone 5G đang dần trở thành tâm điểm của các cuộc cạnh tranh, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc, nơi điện thoại di động 5G trị giá vài triệu đồng đã và đang trở nên phổ biến. Các nhà mạng tại Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang tích cực xây dựng hệ thống trạm phát sóng 5G. Do đó, nếu quay lại với "cái ao" 4G và bỏ qua "đại dương 5G", tương lai của Huawei vẫn sẽ vô cùng mong manh.
TrendForce, một tổ chức nghiên cứu thị trường, cho biết thị phần điện thoại thông minh toàn cầu của Huawei dự kiến sẽ giảm xuống 4% vào năm 2021.