Kỳ vọng gì khi Lọc Hóa dầu Bình Sơn “chuyển nhà”?

Admin

11/01/2025 05:00

Với việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE và kế hoạch tăng vốn lớn, BSR đang bước vào một giai đoạn mới đầy thách thức nhưng cũng không kém phần triển vọng, hứa hẹn sẽ đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành lọc hóa dầu Việt Nam.

"Chuyển nhà" niêm yết và sắp tăng vốn điều lệ

Ngày 7/1, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE), Trần Anh Đào, vừa có thông báo về việc niêm yết và ngày giao dịch chính thức của cổ phiếu Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR).

Theo đó, hơn 3,1 tỷ cổ phiếu BSR với tổng giá trị gần 31.005 tỷ đồng sẽ chính thức giao dịch trên sàn HOSE vào ngày 17/1 tới đây. Cổ phiếu BSR sẽ có giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 21.300 đồng/cổ phiếu, với biên độ dao động là +/-20%.

Kỳ vọng gì khi Lọc Hóa dầu Bình Sơn “chuyển nhà”?- Ảnh 1.

Trước khi chuẩn bị "chuyển nhà" sang HOSE, cổ phiếu BSR đã được giao dịch trên hệ thống UPCoM từ tháng 3/2018. Tuy nhiên, từ giữa tháng 12/2024, HOSE đã chính thức chấp thuận niêm yết cổ phiếu BSR, đánh dấu một bước tiến quan trọng sau nhiều nỗ lực không thành công trong việc niêm yết trước đây.

Đặc biệt, ngày 6/1 vừa qua đã là phiên giao dịch cuối cùng của cổ phiếu BSR trên UPCoM, khép lại với mức giảm 1,8%, đưa giá cổ phiếu về mức 21.900 đồng và vốn hóa thị trường đạt gần 67.901 tỷ đồng.

Trong 10 phiên gần nhất, khối lượng giao dịch cổ phiếu BSR trung bình đạt gần 4 triệu đơn vị mỗi phiên.

Bên cạnh việc niêm yết, BSR cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 50.073 tỷ đồng vào cuối tháng 12/2024. Phương án này đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thông qua và đang chờ sự phê duyệt từ các cơ quan thẩm quyền, dự kiến hoàn tất trong quý I/2025.

Mục tiêu của việc tăng vốn là nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư cho dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và thực hiện chiến lược phát triển dài hạn của BSR đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2045.

Phương án tăng vốn này dựa trên yêu cầu từ Đại hội đồng cổ đông BSR tại Nghị quyết số 1575/NQ-BSR ngày 23/5/2024 và Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 8/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch, vốn điều lệ hiện tại của BSR chưa bao gồm nguồn đầu tư cho dự án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Việc tăng vốn sẽ được thực hiện thông qua phát hành cổ phiếu thưởng và trả cổ tức bằng cổ phiếu từ Quỹ đầu tư phát triển cũng như lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, với tổng tỷ lệ chia thưởng lên đến 61,5%.

Tình hình kinh doanh thế nào trước khi "đổi nhà"

Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn có trụ sở chính tại đại lộ Hùng Vương, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là đơn vị được giao quản lý và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Được thành lập với nhiệm vụ chế biến và kinh doanh các sản phẩm lọc, hóa dầu, BSR đã đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng và các sản phẩm dầu khí thiết yếu cho cả nước. 

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, với công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô mỗi năm, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu của Việt Nam kể từ khi đi vào vận hành năm 2011.

Nhà máy bao gồm 15 phân xưởng công nghệ, 10 phân xưởng năng lượng phụ trợ, khu bể chứa dầu thô, bể chứa sản phẩm, cùng hệ thống ống dẫn dầu thô và sản phẩm. 

Hệ thống phụ trợ cũng rất quan trọng, đặc biệt là cảng biển với hệ thống tiếp nhận dầu thô (SPM) cho tàu có trọng tải đến 150.000 DWT, cải hoán vào năm 2014 để tiếp nhận tàu có trọng tải lớn hơn. Ngoài ra, Công ty cũng sở hữu hệ thống đê chắn sóng và cảng xuất sản phẩm cho tàu trọng tải đến 30.000 DWT.

Kỳ vọng gì khi Lọc Hóa dầu Bình Sơn “chuyển nhà”?- Ảnh 2.

Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương.

Năm 2022, sản lượng sản xuất của BSR đạt 7 triệu tấn, vượt kế hoạch đề ra, và sang năm 2023, sản lượng tiếp tục tăng trưởng với mức vượt 8,9% so với kế hoạch điều chỉnh, đạt mức tăng trưởng 5,1% so với năm 2022. 

Trong giai đoạn này, sản phẩm dầu Diesel (DO) chiếm tỷ trọng cao nhất, xấp xỉ 30% tổng sản lượng, theo sau là xăng RON92 và RON95. Đặc biệt, từ năm 2023, Công ty đã mở rộng sản xuất với các sản phẩm mới như RFCC Naphtha và mixed C4.

Đến 9 tháng đầu năm 2024, BSR đã sản xuất tổng cộng 4,7 triệu tấn, đạt 83,23% kế hoạch sản lượng cả năm. Các sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong giai đoạn này là Dầu Diesel DO 0,05S, chiếm 42,15%, Xăng RON95 với 28,62% và Xăng RON92 với 10,25%.

Năm 2023, BSR ghi nhận tổng tài sản hợp nhất đạt 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,33% so với năm 2022. Doanh thu thuần đạt 147,4 nghìn tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 8,6 nghìn tỷ đồng, vượt 527,7% so với kế hoạch đề ra.

Trong khi đó, theo ghi nhận, 9 tháng đầu năm 2024, BSR có tổng tài sản 89 nghìn tỷ đồng. Doanh thu thuần đạt 87 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp 674 nghìn tỷ đồng.

Phía doanh nghiệp cho rằng, doanh thu và lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2024 của BSR giảm so với cùng kỳ năm trước do trong tháng 3 và 4 năm 2024, Nhà máy tạm dừng sản xuất để tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần 5 nên sản lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó khoảng cách giữa giá dầu thô và giá sản phẩm giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. 

Cổ phiếu của Đường Quảng Ngãi có "ngọt"?Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi gặp sóng lớn, 1 người mất tích và 3 người bị thươngCông an tỉnh Quảng Ngãi điều động, bổ nhiệm 9 trưởng phòng, trưởng Công an huyện, thành phố

Tại Hội nghị Người lao động, Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 vừa diễn ra, Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương thông tin, thúc năm 2024, BSR ước đạt doanh thu trên 124,7 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 13 nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.

Năm 2025, BSR đặt mục tiêu về kế hoạch sản lượng là 6,69 triệu tấn; doanh thu 114,5 nghìn tỷ đồng; nộp NSNN khoảng 12.992 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ước khoảng 746 tỷ đồng; giá trị đầu tư khoảng 1.740 tỷ đồng.