Làm sao để đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chậm tiến độ?

Admin

27/11/2024 04:32

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên để doanh nghiệp Việt làm chủ công nghệ và trực tiếp thi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để hoàn thành đúng thời hạn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến thảo luận. Ảnh: Quochoi.

Chiều 20/11, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình thông qua dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với quan điểm dự án đáp ứng cả hai điều kiện cần và đủ để triển khai.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc đầu tư dự án cần thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ, giúp Việt Nam làm chủ quá trình đầu tư, xây dựng và phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.

Chọn nhà thầu nước ngoài tiềm ẩn rủi ro

Dẫn bài học từ các tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội và Bến Thành - Suối Tiên, ông Hoàng Văn Cường cho biết khi để nhà thầu nước ngoài thi công trọn gói, dự án dễ chậm tiến độ. Chưa kể, quá trình vận hành, sửa chữa và thay thế linh kiện cũng sẽ phụ thuộc lâu dài vào nhà cung cấp nước ngoài.

Theo đó, ông nhận định nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tiếp tục đấu thầu chọn nhà thầu nước ngoài như các tuyến đường sắt đô thị thì sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn, từ thời gian hoàn thành không rõ ràng, chi phí đội vốn không kiểm soát được, đến nguy cơ phụ thuộc mãi mãi vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Dẫn chứng từ thành công của dự án đường dây 500 kV mạch 3, ông Hoàng Văn Cường cho rằng khi Việt Nam làm chủ công nghệ và trực tiếp thi công, dự án có thể hoàn thành đúng thời hạn với hiệu quả cao.

Theo ông, nếu kết hợp dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, Việt Nam sẽ tạo ra một thị trường đường sắt trị giá khoảng 150 tỷ USD. Đây là cơ hội để thu hút chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, giúp doanh nghiệp trong nước tự sản xuất, tự xây dựng, chỉ nhập khẩu các bộ phận đặc thù như đầu máy hay hệ thống điều khiển.

Đại biểu Hoàng Văn Cường tin tưởng doanh nghiệp trong nước đủ khả năng tiếp nhận công nghệ, nghiên cứu cải tiến và phát triển ngành đường sắt trong nước.

Do đó, ông cho rằng việc lựa chọn nhà cung cấp không cần quan tâm là nước nào, mà cần quan tâm lựa chọn công nghệ nào để có nhiều nhà cung cấp cạnh tranh sẵn sàng chuyển giao công nghệ.

"Làm được như thế, chúng ta không chỉ có được tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam mà nước ta còn phát triển được ngành công nghiệp đường sắt của riêng mình", ông Hoàng nói.

Vận chuyển cả hành khách và hàng hóa

Nói về tính khả thi của dự án, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định tỷ lệ nợ công của Việt Nam hiện nay ở mức thấp, khoảng 37% GDP. Đây là dư địa tốt để huy động thêm 67 tỷ USD trong 10 năm tới, mà nợ công vẫn chỉ tăng lên 45% GDP, thấp hơn nhiều so với trần 60%.

Hơn nữa, ông cho rằng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối với mạng lưới đường sắt khu vực, giải quyết nút thắt logistics và thúc đẩy liên thông quốc tế.

"Mặc dù rất cần thiết và đủ khả năng để đầu tư, nhưng đây là một dự án đầu tư rất lớn, có tầm quan trọng đối với sự phát triển lâu dài và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực phát triển của đất nước, do vậy cần phải được đánh giá rất kỹ, với góc nhìn đa chiều để lựa chọn được phương án phù hợp nhất", đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Vị đại biểu này cũng đề xuất đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải đảm nhận chức năng vận tải lưỡng dụng, vừa chở khách vừa chở hàng.

Theo ông, mật độ dân số dọc tuyến Bắc - Nam thấp hơn nhiều so với các tuyến tương tự như Bắc Kinh - Thượng Hải hay Đài Bắc - Cao Hùng. Do đó, nếu chỉ chở khách sẽ lãng phí khoảng 50% công suất, dẫn đến doanh thu không đủ bù chi phí vận hành, dễ gây thua lỗ lớn.

Đồng thời, việc vận chuyển hàng hóa cũng giúp giải quyết nhu cầu logistics, hỗ trợ hành lang kinh tế Bắc - Nam và liên vận với đường sắt quốc tế.

duong sat bac nam anh 1

Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: Quochoi.

Tại buổi thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam có đường sắt tốc độ cao, sau khi từng trải nghiệm loại hình này tại châu Âu.

Ông cho biết chủ trương xây dựng tuyến đường sắt này đã được bàn thảo từ 15 năm trước, nhưng điều kiện khi đó chưa đủ chín muồi.

Hiện tại, với kinh tế vĩ mô ổn định và tiềm năng phát triển, đây là thời điểm phù hợp để triển khai dự án, mang lại lợi ích lớn cho người dân, khách du lịch và nhà đầu tư, khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương mà đường sắt tốc độ cao đi qua, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng đây là phương tiện giao thông tốc độ cao nên yêu cầu kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt, không vì chi phí và nguồn thu mà bỏ qua kỹ thuật và an toàn.

Về nguồn vốn, theo đại biểu, số vốn dành cho dự án lớn nên cần tập trung huy động ở trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế vay ODA.

"Cùng với đó là cần huy động doanh nghiệp trong nước có chuyên môn để xây dựng dự án. Cần xây dựng ngành công nghiệp, nhân lực phụ trợ đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Đại biểu đoàn TP.HCM cũng cho rằng trong quá trình thực hiện dự án, để giảm áp lực ngân sách nhà nước, cần quan tâm đến nguồn thu từ việc đấu đấu giá đất ở gần nhà ga, vùng phụ cận, TOD.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.