Các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút nhà đầu tư nước ngoài trở lại vào năm 2025. Ảnh: Duy Hiệu. |
Thu hút dòng vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt qua các quỹ đầu tư là một trong những nội dung được đề cập nhiều tại hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025” do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam phối hợp với Tạp chí Đầu tư Tài chính (VietnamFinance) tổ chức ngày 6/12.
Theo TS Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán DNSE, nhà đầu tư nước ngoài đã duy trì xu hướng bán ròng trên thị trường chứng khoán suốt cả năm 2024. Ông cho rằng để khối ngoại giải ngân trở lại, thị trường chứng khoán Việt Nam cần 3 điều kiện là định giá, dự báo tăng trưởng ngành và tiến trình nâng hạng.
Cụ thể, về định giá, theo ông Hòa, P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ở mức 12 lần, là mức tương đối hấp dẫn.
“Trong khi đó, thị trường Mỹ, dù nhà đầu tư nước ngoài hướng về thị trường phát triển, nhưng nhìn vào định giá S&P 500 đang ở mức 23 lần thì không còn quá hấp dẫn”, ông cho biết.
Về yếu tố tăng trưởng ngành, trong 9 tháng đầu năm nay, hầu hết nhóm ngành đều ghi nhận tăng trưởng tích cực, ngoại trừ bất động sản với mức giảm 40%. Tuy nhiên, theo ông Hòa, với định hướng của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, bất động sản dự báo năm 2025, nhóm doanh nghiệp này có thể ghi nhận tăng trưởng tích cực trở lại.
Về tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư DNSE cho rằng giải pháp căn cơ đã được mở hành lang pháp lý thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi. Do đó, có thể kỳ vọng năm 2025, nhà đầu tư nước ngoài sẽ trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất từ Công ty Chứng khoán VNDirect, trong tháng 11, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì xu hướng bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị hơn 11.800 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm, giá trị bán ròng của nhóm nhà đầu tư này đã đạt gần 90.000 tỷ đồng.
Liên quan tới giao dịch của các quỹ đầu tư nước ngoài, tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Fiingroup, cho biết các quỹ hiện có nhu cầu đầu tư đa kênh rất lớn, bao gồm trái phiếu và cổ phiếu, thậm chí là trái phiếu Chính phủ. Điều này cho thấy còn tiềm năng rất lớn cho hoạt động của các quỹ tại thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Fiingroup. Ảnh: BTC. |
Tuy nhiên, ông Thuân cho biết một hạn chế tại thị trường trong nước hiện nay là quy mô còn nhỏ. Do đó, ông gợi mở một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam, từ đó thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư lớn.
Với sản phẩm cổ phiếu, ông Thuân cho rằng cần đẩy mạnh giảm sở hữu Nhà nước ở những công ty, ngành mà Nhà nước không cần sở hữu chi phối hoặc kiểm soát; khuyến khích các doanh nghiệp giao dịch trên UPCoM chuyển sàn niêm yết và nâng cao hoặc rà soát chuẩn niêm yết hoặc để các công ty tăng cường quản trị doanh nghiệp và minh bạch. Đồng thời, cần tiếp tục cải thiện hơn nữa chất lượng công bố thông tin.
Với sản phẩm trái phiếu, Chủ tịch Fiingroup cho rằng ngoài việc tiếp tục chuẩn hóa minh bạch thông tin, cần đa dạng hàng hóa, triển khai hoạt động xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp; hình thành khung pháp lý cho các công ty bảo lãnh trái phiếu và xây dựng nền tảng mềm (đường cong lãi suất, lịch sử vỡ nợ…).
Ông Thuân cũng cho biết thực tế, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài năm vừa qua phải bán cổ phiếu Việt Nam do các doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được tiêu chí ESG. Do đó, ông nhấn mạnh cần cơ chế khuyến khích cho trái phiếu xanh, xã hội và bền vững (GSS)
Ngoài ra, Chủ tịch Fiingroup đề xuất phát triển cơ sở nhà đầu tư tổ chức vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp và hướng tới áp dụng phân bổ tài sản theo rủi ro cho các công ty bảo hiểm, tổ chức tín dụng.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư trở thành khái niệm phổ biến. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra trong nước và thế giới. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối, tiền ảo... Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.