Lăng kính chứng khoán 6/11: Kỳ vọng tạo nền quanh ngưỡng 1.240 điểm

06/11/2024 08:07

Theo công ty chứng khoán, nhà đầu tư nên sẵn sàng lượng tiền mặt, cân nhắc giải ngân khi xu hướng thị trường được xác nhận và các cổ phiếu về mức định giá hấp dẫn.

Nhận định đầu tư

Chứng khoán Asean (Aseansc): Mặc dù vẫn giữ được xu hướng tăng chủ đạo từ tháng 11/2022 nhưng thị trường trong ngắn hạn đang vận động theo chiều hướng xấu khi lực cầu phản ứng yếu tại ngưỡng hỗ trợ 1.244 điểm, hướng tới vùng cân bằng mới 1.228 điểm.

Ở góc nhìn vĩ mô, thị trường sắp tới có thể được hỗ trợ về mặt thanh khoản và tâm lý nhà đầu tư khởi sắc trở lại khi chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ đã về mức dương giúp tăng tính hấp dẫn của thị trường trong ngắn hạn, đồng thời Ngân hàng Nhà nước liên tục có các động thái bơm ròng từ tuần cuối tháng 10 đến nay nhằm hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn.

Do đó, thị trường trong ngắn hạn có thể sẽ có nhịp hồi nhẹ. Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn nên theo sát diễn biến giá dầu thế giới, tỉ giá, và các động thái của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới để chờ đợi các tín hiệu xác nhận xu hướng hồi phục và cân bằng lại rõ ràng hơn của VN-Index.

Aseansc duy trì đánh giá cao triển vọng thị trường trung và dài hạn, nhà đầu tư nên sẵn sàng lượng tiền mặt, cân nhắc giải ngân khi xu hướng thị trường được xác nhận và các cổ phiếu về mức định giá hấp dẫn.

Lăng kính chứng khoán 6/11: Kỳ vọng tạo nền quanh ngưỡng 1.240 điểm- Ảnh 1.

Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 5/11 (Nguồn: FireAnt).

Chứng khoán Tiên Phong (TPS): Các dấu hiệu tích cực đã xuất hiện khi thị trường đang chạm vào ngưỡng hỗ trợ 1.240 điểm.

TPS kỳ vọng vào việc thị trường có thể kìm hãm được xu hướng giảm và tạo nền quanh ngưỡng 1.240 để tìm động lực tiến đến những vùng điểm số cao hơn trong thời gian tới. Những nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu có thể chờ đợi vùng 1.240 để tham gia giải ngân hạ giá vốn và mở ra cơ hội nắm giữ cổ phiếu.

Chứng khoán Đông Á (DAS): VN-Index có thể tiếp tục biến động mạnh trong quá trình phục hồi về vùng 1.300 điểm. Kết quả kinh doanh quý III của hai nhóm ngành ngân hàng và bất động sản được công bố rất tích cực, vượt trội so với mặt bằng chung của thị trường, đồng thời mức định giá hợp lý để giữ tỉ trọng hai nhóm ngành này danh mục đầu tư trung dài hạn.

Các giao dịch ngắn hạn có thể được thực hiện với tỉ trọng nhỏ khi VN-Index về vùng 1.240 điểm.

Khuyến nghị đầu tư

- NT2 (CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch): Mua. Giá mục tiêu 1 năm là 24.700 đồng/cổ phiếu, tăng 31% so với hiện tại.

Dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh quý III/2024 cao hơn dự kiến, SSI điều chỉnh tăng ước tính lợi nhuận sau thuế 2024 từ 20 tỷ đồng lên 49 tỷ đồng. Ngoài ra, SSI cũng kỳ vọng sản lượng và lợi nhuận của NT2 sẽ hồi phục vào 2025-2026, hỗ trợ bởi việc chuyển giao nhà máy BOT Phú Mỹ 2.2 về cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2025 (giúp cho tình hình thiếu khí bớt căng thẳng tại khu vực Đông Nam Bộ) cũng như máy móc và thiết bị của NT2 có thể hết khấu hao vào cuối năm 2025 (hỗ trợ giảm chi phí khấu hao 2026).

Thông tư 68 là "bệ đỡ" cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán vào tháng 3

SSI ước tính doanh thu năm 2025 và 2026 lần lượt đạt 8.100 tỷ đồng (tăng 35% so với cùng kỳ) và 7,9 nghìn tỷ đồng (giảm 2% so với cùng kỳ), với lợi nhuận tương ứng lần lượt đạt 392 tỷ đồng (tăng 695% so với cùng kỳ) và 475 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ).

- CTG (Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam): Chờ bán.

CTG công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 6.553 tỷ đồng (tăng 35% so với cùng kỳ) chủ yếu do tăng trưởng tín dụng và thu hồi nợ xấu tốt.

Chất lượng tài sản vẫn tốt thể hiện ở tỉ lệ nợ xấu giảm từ 1,6% trong quý trước xuống 1,4% và tỉ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 114% lên 153%.

Ngân hàng cũng đang chờ phê duyệt của NHNN cho việc trả cổ tức bằng cổ phiếu. Do đó, TCBS khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ và chờ cơ hội chốt lời.