Lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm để cá chết do xả lũ

Admin

24/10/2020 12:34

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, lãnh đạo địa phương phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên khi để dân thiệt hại về tài sản do xả lũ.

Liên quan đến việc nhiều năm qua, mỗi khi đập Thủy điện Hòa Bình xả lũ khiến hàng chục, thậm chí hàng trăm tấn cá của người dân bị chết trắng nhưng không có biện pháp lâu dài ngoài việc thống kê, và hỗ trợ đền bù. 

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Mai Sỹ Diến - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã bàn luận xoay quanh về câu chuyện phân định trách nhiệm liên quan đến vụ việc xả đập thủy điện làm chết cá của dân.

PV: Những năm qua cứ đến mùa lũ, khi đập thủy điện Hòa Bình xả lũ là gây thiệt hại lớn đến những hộ dân nuôi trồng thủy sản, theo ông đánh giá thì nguyên nhân là do đâu?

ĐBQH Mai Sỹ Diến: Đầu tiên, chúng ta phải kiểm tra việc vận hành của nhà máy thủy điện có đúng quy trình hay không. Bộ NN&PTNT đã ban hành rõ quy định về việc này, việc vận hành phải đảm bảo an toàn cho hạ lưu, cho sản xuất. Hiện nay để xảy ra vấn đề này cần xem lại những bất cập xoay quanh cái được gọi là “vận hành đúng quy trình”.

Môi trường - Lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm để cá chết do xả lũ

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Mai Sỹ Diến.

PV: Vậy theo ông, để xảy ra hậu quả này, cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên?

ĐBQH Mai Sỹ Diến: Tôi nhấn mạnh lại một lần nữa, việc vận hành của các đập thủy điện là phải đảm bảo an toàn cho hạ lưu, cho sản xuất. Để xảy ra thiệt hại này, chính quyền địa phương là cơ quan phải chịu trách nhiệm đầu tiên bởi đơn vị này có quan hệ trực tiếp với người dân. Khi người dân bị thiệt hại, địa phương đã không kịp thời ứng phó, tìm cách khắc phục cho người dân mới dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vậy. Đây mới chỉ là thiệt hại về tài sản, nếu thiệt hại về người thì sẽ như thế nào? Đến lúc đó không chỉ là trách nhiệm dân sự nữa mà phải truy tố trách nhiệm hình sự.

PV: Theo ông, để tìm cách giải quyết cho tình trạng này, các địa phương và chủ đập cần có giải pháp gì khắc phục?

ĐBQH Mai Sỹ Diến: Tình trạng này diễn ra cũng đã nhiều năm chứ không phải chỉ mới 1 - 2 năm, các địa phương hay chủ đập cần kiểm tra lại quy trình vận hành kỹ càng. Thêm nữa, ngoài thông báo sớm về những đợt xả lũ, địa phương cũng như chủ đập cần nghiên cứu biện pháp ứng phó cùng người dân chuyển lồng cá từ sông vào ao hoặc dời đi nơi khác tránh lũ để tránh thiệt hại chứ không phải khi xảy ra thiệt hại về người và tài sản do thiên tai rồi mới tổ chức cứu hộ, cứu nạn, vận động quyên góp, hỗ trợ như hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Trước đó như đã đưa tin, ngày 30/9, do mực nước dâng cao, hồ Thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) được lệnh xả một cửa đáy, ngày 2/10 tiếp tục mở cửa xả thứ hai, với lưu lượng nước 1.700 m3/s. Sau khi Thủy điện Hòa Bình mở cửa đáy, nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông Đà và người dân ở huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo thống kê, đến ngày 8/10, có 62 lồng của 19 hộ nuôi cá lồng bị ảnh hưởng. Trong đó, có 11 lồng mất trắng, 51 lồng cá chết rải rác (thiệt hại dưới 70%). Tổng sản lượng thiệt hại ước trên 40,23 tấn cá, số tiền thiệt hại ước tính khoảng trên 3,1 tỷ đồng. Số lượng cá chết gồm cá lăng, cá ngạnh, cá trắm, cá rô phi....