Quyết tâm của chính quyền, doanh nghiệp và người dân là "then chốt"
Ngày 18/4, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp với mục tiêu không chỉ lắng nghe mà còn hành động mạnh mẽ nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong ba lĩnh vực then chốt: sản xuất, xuất nhập khẩu và logistics.

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường cho hay, trong những năm qua, Đà Nẵng không ngừng đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, thể hiện tinh thần cầu thị, luôn lắng nghe và chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp.
Chính quyền thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững – đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như sản xuất, xuất nhập khẩu và logistics. Nhờ đó, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả và góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng chung của thành phố.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng mở cửa và hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp thành phố không tránh khỏi tác động từ những biến động khó lường trên thị trường quốc tế – điển hình như việc thay đổi chính sách thuế quan từ các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Năm 2025 đánh dấu mốc cuối cùng trong chặng đường thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời mở ra giai đoạn mới 2026 – 2030 với nhiều kỳ vọng bứt phá.

Hội nghị là dịp để doanh nghiệp và chính quyền thành phố cùng chung tay vượt thách thức, tạo đà phát triển cho giai đoạn chuyển tiếp sắp tới.
Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước từ 8% trở lên trong năm 2025, và tạo nền tảng vững chắc cho tốc độ tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, sự đồng lòng và quyết tâm từ cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân Đà Nẵng là yếu tố then chốt.
Hội nghị là cơ hội để doanh nghiệp và chính quyền thành phố cùng tìm tiếng nói chung trong việc vượt qua thách thức, tạo đà phát triển trong giai đoạn chuyển tiếp đầy tính quyết định sắp tới, ông Cường nói.
Gỡ "nút thắt" thể chế, thị trường và nguồn lực
Theo bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn thành phố tăng 6,65% so với năm trước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 3,23 tỷ USD. Các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU vẫn đóng vai trò chủ lực, chiếm đến 70% tổng giá trị xuất khẩu.
Tuy vậy, để đạt mục tiêu xuất khẩu tăng 8-9%, sản xuất công nghiệp tăng 11-12% trong năm 2025, thành phố xác định phải hành động quyết liệt hơn trong nhiều phương diện. Sở Công Thương đặt trọng tâm vào 4 nhóm giải pháp: phát triển sản xuất và mở rộng thị trường; cải thiện hệ sinh thái logistics; tinh giản thủ tục hành chính; phát triển nguồn nhân lực.

Hộ nghị nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp.
Một điểm nhấn đáng chú ý tại hội nghị là cam kết đồng hành mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng. Doanh nghiệp được cập nhật các quy định mới nhất về hải quan, thuế, tài chính, cũng như các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm, tham gia sàn thương mại điện tử toàn cầu.
Đồng thời, Sở Công Thương phối hợp với Bộ Công Thương để chủ động cung cấp thông tin về rào cản kỹ thuật, thuế quan, và tiêu chuẩn mới từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, nhằm giúp doanh nghiệp kịp thời thích ứng.
Ngoài ra, một chiến lược dài hơi được triển khai là khuyến khích hình thành chuỗi sản xuất nội địa, từng bước giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao năng lực tự chủ của doanh nghiệp Việt.
Bà Trâm nhận định, việc phát triển logistics không chỉ là chuyện hạ tầng mà còn là câu chuyện của nhân lực, thể chế và liên kết vùng. Đây là lúc Đà Nẵng cần một cú hích tổng lực, nơi các bên cùng nhau vượt qua từng "nút thắt" để khai thông toàn chuỗi giá trị.