Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết vừa nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của CTCP Cảng Quy Nhơn (mã: QNP) với số lượng hơn 40,4 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 404 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 8/2020, Cảng Quy Nhơn đã quyết định hoãn kế hoạch đăng ký niêm yết trong bối cảnh Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) phản ánh những dấu hiệu bất thường trong lập dự toán tổng mức đầu tư Dự án cải tạo nâng cấp Bến số 1 Cảng Quy Nhơn.
Tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng
Trong một công bố mới đây, Tổng giám đốc Cảng Quy Nhơn - ông Phan Tuấn Linh cho biết, trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 cũng như thiên tai do mưa bão lũ lụt, nhưng cảng đã hoàn thành được mục tiêu sản lượng 9,7 triệu tấn của cả năm vào ngày 17/11.
Theo đó, ông Linh cũng bày tỏ quyết tâm cảng phấn đấu đạt mốc 11 triệu tấn vào cuối tháng 12/2020 bằng cách tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ khách hàng giải phóng tàu nhanh; hỗ trợ khách hàng kết nối các nguồn lực, dịch vụ logistics, tranh thủ tối đa các điều kiện để xuất khẩu hàng hóa.
Dù đã có những chuyển biến trong kinh doanh nhưng những lùm xùm chưa được giải quyết triệt để có thể trở thành lực cản của Cảng Quy Nhơn trên "đấu trường" niêm yết |
Đầu tháng 6 vừa qua, Cảng Quy Nhơn đã khai trương tuyến dịch vụ vận tải trực tiếp từ cảng Quy Nhơn đi các nước khu vực Đông Bắc Á nhằm kết nối nguồn hàng tại khu vực Tây Nguyên xuất khẩu đi các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… với tần suất khai thác trung bình 1 tuần/1 tàu.
Về hoạt động kinh doanh trong 9 tháng năm 2020, báo cáo tài chính văn phòng và báo cáo tài chính công ty ghi nhận lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm ngoái, với tỷ lệ lần lượt là 26% và 24%.
Theo đại diện Cảng Quy Nhơn, việc tăng lợi nhuận chủ yếu do doanh thu hoạt động khai thác cảng 9 tháng năm 2020 tăng so với 9 tháng năm 2019, với số tiền 34 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 10%.
Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính 9 tháng năm 2020 tăng so với 9 tháng năm 2019, với số tiền 9,6 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ tăng 160%.
Thực tế, không phải đến nay kết quả kinh doanh của Cảng Quy Nhơn mới ghi nhận sự khởi sắc. Trước đó, năm 2019 công ty cũng có những con số tài chính đáng kể cùng sự tăng trưởng vượt trội.
Theo đó, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn năm 2019 đạt hơn 9,1 triệu tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; riêng hàng container đạt 136.817 Teus, tăng 7,5%.
Tổng doanh thu thực hiện năm 2019 của Cảng Quy Nhơn là hơn 812 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, doanh thu kinh doanh và dịch vụ thực hiện đạt 800 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm trước, tăng 5% so với kế hoạch năm 2019.
Lợi nhuận trước thuế thực hiện năm 2019 đạt 128,6 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2018, tăng 3% so với kế hoạch Đại hội đồng cổ đông năm 2019 giao. Tính trên số vốn điều lệ 400 tỷ đồng, kết quả kinh doanh này là khá tích cực.
Vẫn còn nhiều lùm xùm
Nhìn vào những con số kinh doanh của Cảng Quy Nhơn có thể thấy, doanh nghiệp đã có những bước chuẩn bị khá tốt cho việc niêm yết trên sàn HoSE nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường tính minh bạch, tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Cảng Quy Nhơn đã phải một lần lùi thời gian niêm yết do vướng phải những lùm xùm liên quan đến lo ngại từ phía cổ đông VAFI.
Cụ thể, tại văn bản được đưa ra vào ngày 7/7/2020, VAFI cho biết tình trạng chi phí tư vấn và quản lý tại Cảng Quy Nhơn gấp gần 3 lần khu vực tư nhân. Dự toán suất đầu tư (tới 497 tỷ đồng) trong Báo cáo nghiên cứu khả thi "Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp Bến số 1 Cảng Quy Nhơn" do CTCP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải tiến hành (CMB) là rất cao và không có cơ sở thực tế và nhiều khả năng đây là kết quả được tạo dựng.
Trả lời các nghi vấn của cổ đông, ông Phan Tuấn Linh cho biết, dự án nâng cấp Bến số 1 mới chỉ ở giai đoạn lập dự án, xác định tổng mức đầu tư, thẩm tra và chưa được phê duyệt, chưa thông qua Đại hội đồng cổ đông. Do vậy, dự án chưa có gói thầu, nên chưa đủ cơ sở nói dự toán dự án chênh lệch hàng chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, câu trả lời của vị đại diện Cảng Quy Nhơn vẫn chưa khiến các cổ đông hài lòng, VAFI liên tiếp đưa ra các văn bản yêu cầu giải thích về các gói thầu, thậm chí kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước vào cuộc kiểm tra những dấu hiệu bất thường.
Đặc biệt, liên quan đến thương vụ M&A ngược tại Cảng Quy Nhơn, dù Vinalines đã chấp thuận bỏ ra 425,5 tỷ đồng để mua lại hơn 30,3 triệu cổ phần công ty (tương đương 75,01% vốn) từ CTCP Khoáng sản Hợp Thành hồi cuối tháng 5/2019 nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc.
Trong đó, vấn đề lớn nhất là việc xác định chi phí lợi ích hợp lệ mà Hợp Thành được hưởng, ngoài số tiền bỏ ra mua cổ phần qua hình thức thoái vốn cách đây 5 năm. Do đó, vụ việc này khó có thể khép lại sớm và êm đềm như ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
Thực tế, câu chuyện niêm yết tại Cảng Quy Nhơn luôn nhận được sự quan tâm của thị trường, vì đây không chỉ là doanh nghiệp lớn mà còn bởi tiềm năng kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, những lùm xùm chưa được giải quyết nói trên có thể trở thành lực cản trong công tác huy động vốn của doanh nghiệp.
Minh Khuê