Loạt công ty chứng khoán "kiếm đẫm" từ cho vay margin

27/07/2024 16:20

Trong quý II/2024, quy mô dư nợ margin của các công ty chứng khoán đạt kỷ lục với gần 220.000 tỷ đồng. Nhờ đó, loạt công ty báo lãi tăng bằng lần nhờ hoạt động cho vay khởi sắc.

Trong quý II/2024, thị trường có một số nhịp điều chỉnh, VN-Index nhiều lần công phá bất thành ngưỡng tâm lý 1.300 điểm. Điều này cũng khiến một số công ty chứng khoán báo lợi nhuận đi lùi, nhiều tên tuổi thậm chí còn thua lỗ. Song cũng không ít công ty chứng khoán báo lãi tăng bằng lần nhờ mảng cho vay margin khởi sắc.

Tính đến hết quý II, theo thống kê của FiinGroup, quy mô dư nợ margin của 62 công ty chứng khoán đạt gần 220.000 tỷ đồng. Đây là mức kỷ lục từ trước đến nay và vượt qua đỉnh quý I/2021 (184.400 tỷ đồng). Tỉ lệ dư nợ cho vay margin trên tổng vốn hóa cũng cao kỷ lục, ở mức 9,4%.

"Sống khoẻ" nhờ cho vay margin

Theo thống kê của Người Đưa Tin, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) là công ty có dư nợ cho vay tăng mạnh nhất. Tại ngày 30/6/2024, dư nợ cho vay của TCBS lên đến 24.694 tỷ đồng, đứng đầu trong nhóm chứng khoán. Trong đó, cho vay ký quỹ (margin) tăng từ hơn 16.000 tỷ đồng vào đầu năm lên 24.198 tỷ đồng ở cuối quý II.

Công ty này cũng là quán quân lợi nhuận ngành chứng khoán với mức lãi sau thuế quý II/2024 tăng gần 3 lần lên 1.297,5 tỷ đồng và là mức lãi cao nhất của công ty từ trước đến nay.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của TCBS tăng 95% lên 3.927,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 2,9 lần lên 2.225,8 tỷ đồng. Đây đều là kết quả kỷ lục của doanh nghiệp kể từ khi hoạt động.

Đứng thứ hai là Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) với nghiệp vụ cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán đạt doanh thu gần 513 tỷ đồng, tăng 42,5% so với cùng kỳ. Thời điểm 30/6/2024, dư nợ cho vay margin của SSI đạt 19.600 tỷ đồng, tăng 16% so với quý I và tăng 33,5% so với thời điểm cuối năm 2023 nhờ những biến động tích cực của thị trường.

Tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong quý II của SSI đạt 2.368 tỷ đồng và 835 tỷ đồng, lần lượt tăng 41% và 50% so với cùng kỳ 2023. Đây là mức lợi nhuận cao thứ 2 từ khi hoạt động của ông lớn ngành chứng khoán này, chỉ thấp hơn mức lãi kỷ lục ghi nhận trong quý IV/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, SSI ước đạt 4.381 tỷ đồng tổng doanh thu và 2.002 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành lần lượt 54% và 59% kế hoạch đề ra.

Vị trí thứ 3 thuộc về Chứng khoán Tp.HCM (HSC) với dư nợ cho vay ký quỹ tăng hơn 50% so với đầu năm, đạt hơn 18.500 tỷ đồng thời điểm cuối quý II/2024.

Trong quý II, HSC ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.094 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất hai năm. Cấn trừ thuế và các loại chi phí, Chứng khoán HSC báo lãi ròng 313 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ và là mức cao nhất gần 3 năm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Chứng khoán HSC ghi nhận tổng doanh thu 1.957 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế tăng 2,2 lần lên hơn 590 tỷ đồng. 

Theo báo cáo tài chính quý II/2024 vừa công bố, Chứng khoán VPS ghi nhận nhiều điểm sáng từ hoạt động tự doanh và lãi từ các khoản cho vay, song mảng môi giới không còn đem lại lợi nhuận chính cho công ty.

Nổi bật là hoạt động cho vay của VPS khởi sắc khi lãi từ cho vay và phải thu đạt 455,9 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ. Tại ngày 30/6/2024, dư nợ cho vay của VPS ghi nhận hơn 11.638,4 tỷ đồng, tăng 12 tỷ so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là dư nợ cho vay ký quỹ (margin) với 11.104 tỷ đồng, đứng thứ 4 toàn ngành.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu hoạt động của VPS ghi nhận tăng 12% lên 3.278 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng gấp 5 lần lên 1.027,6 tỷ đồng. So với kế hoạch lãi trước thuế kỷ lục 1.500 tỷ đồng, Chứng khoán VPS đã thực hiện được 86% chỉ tiêu lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm.

Cho vay margin trở thành phao cứu sinh

Bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn một vài công ty bị mảng tự doanh kéo lùi lợi nhuận, song mảng cho vay khởi sắc đã "cứu cánh" công ty. 

Đơn cử như Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND), lãi thuần từ tự doanh của công ty trong quý II ghi nhận 271,8 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ. Hiện công ty đang tạm lỗ 43,8 tỷ đồng ở mã VPB, lỗ 44,8 tỷ đồng mã LTG, lỗ 15 tỷ đồng khi đầu tư vào C4G.

Đối lập với tự doanh, lãi từ các khoản cho vay và phải thu ghi nhận 299,3 tỷ đồng, tăng 9% so với so với cùng kỳ. Tại ngày 30/6/2024, dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán tăng 9% so với đầu năm, đạt hơn 11.246 tỷ đồng, trong đó dư nợ marin hơn 10.936 tỷ đồng.

Tính chung trong quý II/2024, doanh thu hoạt động của VNDirect đạt 1.458,2 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty chứng khoán này ghi nhận lãi sau thuế 344,9 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu hoạt động của VNDirect giảm nhẹ 1% xuống 2.843 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 71% lên 962 tỷ đồng. So với kế hoạch đem về 2.020 tỷ đồng lãi sau thuế, VNDirect đã thực hiện được 48% chỉ tiêu lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm.

Thậm chí, tự doanh "bết bát" đã bào mòn tới 78% lợi nhuận của Chứng khoán VIX (HoSE: VIX). Cụ thể, công ty ghi nhận lãi từ các tài sản tài FVTPL bốc hơi 52% xuống 222,4 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty lỗ từ các tài sản chính FVTPL tới 159,4 tỷ đồng, cách xa khoản lãi hơn 39 tỷ đồng cùng kỳ. Trừ đi, Chứng khoán VIX chỉ ghi nhận lãi thuần 63 tỷ đồng ở mảng này, sụt giảm tới 87% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo giải trình của VIX, chứng khoán Việt Nam có những nhịp sụt giảm sâu trong tháng 4 và 6 đã ảnh hưởng đến hoạt động tự doanh của công ty. 

Điểm sáng cho bức tranh tài chính quý này của VIX chính là lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 2,4 lần, đạt 118,5 tỷ đồng. Dư nợ cho vay margin của VIX ở mức 4.084 tỷ đồng ở thời điểm cuối quý II, tăng 36% so với hồi đầu năm. Nhờ đó, hoạt động phải thu và cho vay tăng cao đã tác động tích cực đến lợi nhuận của công ty.

Khấu trừ mọi chi phí, Chứng khoán VIX báo lãi sau thuế 123,8 tỷ đồng, sụt giảm tới 78% so với con số 565,6 tỷ đồng đạt được cùng kỳ.  

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu hoạt động của VIX giảm 23% xuống 739,4 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 50% xuống mức 285,7 tỷ đồng và mới hoàn thành được 27% kế hoạch đề ra cho cả năm.

Đòn bẩy của ngành sẽ tăng lên trong thời gian tới?

Đánh giá về diễn biến dư nợ margin tăng trong quý II/2024, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng chủ yếu đến từ những câu chuyện riêng, tập trung nhiều ở những công ty chứng khoán hay làm "deal".

Theo chuyên gia này, chỉ tiêu cho vay ký quỹ gia tăng là điều phù hợp với diễn biến tăng vốn của các công ty chứng khoán trong giai đoạn trước và sự mở rộng của số lượng nhà đầu tư.

Loạt công ty chứng khoán "kiếm đẫm" từ cho vay margin- Ảnh 1.

Đòn bẩy của ngành sẽ tăng lên để hỗ trợ việc mở rộng hoạt động cho vay margin và danh mục đầu tư.

Đánh giá về triển vọng ngành chứng khoán trong thời gian tới, VIS Rating dự báo tiếp tục được cải thiện khi lợi nhuận cho vay ký quỹ và đầu tư của các công ty chứng khoán tăng trưởng trong điều kiện thuận lợi.

Đặc biệt, trước sự cải thiện của tâm lý thị trường, các công ty chứng khoán quy mô lớn sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các công cụ có thu nhập cố định. Nhờ nguồn vốn lớn và mạng lưới khách hàng rộng, các công ty lớn có nhiều lợi thế hơn trong việc mở rộng cho vay ký quỹ, đặc biệt khi hoạt động giao dịch chứng khoán gia tăng trong môi trường lãi suất thấp.

Đòn bẩy của ngành sẽ tăng lên để hỗ trợ việc mở rộng hoạt động cho vay margin và danh mục đầu tư, song rủi ro được giảm thiểu bằng các đợt tăng vốn gần đây.

"Các công ty chứng khoán trong nước sẽ gia tăng các khoản vay nợ và huy động vốn mới để hỗ trợ tăng trưởng tài sản của họ. Nhìn chung, tỉ lệ đòn bẩy ngành chứng khoán Việt Nam thuộc mức thấp nhất trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APAC)", nhóm phân tích VIS Rating nhận định.