Mắc chứng viêm động mạch Takayasu hiếm gặp lại ngỡ thoái hóa khớp...

Admin

22/09/2020 09:30

TTO - Bệnh nhân đi khám nhiều nơi được chẩn đoán với những bệnh lý: viêm gân, thoái hóa khớp, đau đầu vận mạch, thoát vị đĩa đệm cột sống... nhưng điều trị đều không thuyên giảm, cho đến khi được phát hiện mắc chứng viêm động mạch Takayasu hiếm gặp.

Bệnh nhân P. bước đầu giảm các triệu chứng đau tức, sau khi được xây dựng phác đồ điều trị bệnh viêm động mạch Takayasu hiếm gặp - Ảnh: T. THẮNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 21-9, bác sĩ Hoàng Văn Dũng - giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng - cho biết một trường hợp ca bệnh bị viêm động mạch Takayasu hiếm gặp vừa được phát hiện và đang điều trị tại bệnh viện.

Trước đó, bệnh nhân Đào Thị P. (32 tuổi) đi khám tại nhiều nơi thì được chẩn đoán với những bệnh lý khác nhau như: viêm gân, thoái hóa khớp, đau đầu vận mạch, thoát vị đĩa đệm cột sống... nhưng sau quá trình điều trị đều không thuyên giảm bệnh tình.

Theo bác sĩ Dũng, bệnh nhân P. nhập viện với các biểu hiện đau tức, yếu một bên tay từ nhiều năm nay nên được chỉ định kết hợp xét nghiệm máu bilan viêm tăng cao, siêu âm doppler và chụp cắt lớp vi tính động mạch chủ, động mạch cánh tay đầu mới có thể phát hiện được bệnh nhân bị viêm động mạch Takayasu hiếm gặp.

Đây là dạng bệnh lý viêm mạch, tổn thương những mạch máu có kích thước trung bình và lớn như động mạch chủ cùng các nhánh của động mạch chủ.

"Bệnh lý này rất hiếm gặp, tỉ lệ mắc bệnh này hiện nay chỉ khoảng 1,2 - 2,6 trường hợp/1 triệu dân, bệnh thường có diễn biến âm thầm với rất nhiều triệu chứng toàn thân và tại chỗ nên dễ bị chuẩn đoán nhầm với các triệu chứng bệnh lý khác." - bác sĩ Dũng cho hay.

Hình ảnh quai động mạch chủ và các nhánh ra quai động mạch chủ trên phim dựng hình 3D - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh Takayasu nếu không khám chi tiết và định hướng chẩn đoán sớm sẽ dẫn đến tổn thương dầy hẹp, phình giãn động mạch chủ với sự kéo căng của van động mạch chủ ở tim, tổn thương các đoạn khác nhau của động mạch chủ dẫn đến giảm lưu lượng máu đến tay hoặc chân, não gây nguy hiểm đến tính mạng.

"Hiện nay sau quá trình điều trị thì bệnh tình của người bệnh đã cải thiện rõ rệt, bệnh nhân giảm hẳn triệu chứng đau tức cánh tay, cơ lực cánh tay cải thiện, xét nghiệm máu bilan viêm giảm", bác sĩ Dũng cho biết thêm.