Màn tỉ thí Nam Anh Kiệt - Lưu Cường làm méo mó võ thuật Việt Nam

Admin

22/07/2020 05:36

Thách đấu võ thuật hay tỉ thí giữa các võ sĩ đã tồn tại từ rất lâu trong làng võ Việt Nam. Nhưng gần đây, ý nghĩa của những trận tỉ thí đang bị bóp méo.

Xuất phát từ hiềm khích cá nhân, Lưu Cường và Nam Anh Kiệt hẹn nhau để giải quyết mâu thuẫn bằng trận tỉ thí tại Hà Nội vào ngày 19/7. Trước đó, vào năm 2017, võ sư Pierre Francois Flores gây "náo loạn" làng võ Việt Nam khi lần lượt tỉ thí với các võ sư Đoàn Bảo Châu, Trần Lê Hoài Linh, và sau này có thêm Lưu Cường.

Những trận đấu trên diễn ra với danh nghĩa "giao lưu võ thuật". Các bên tự sắp xếp thời gian, địa điểm và đặt ra các điều luật. Để đảm bảo tính chuyên nghiệp, họ cũng nhờ sự trợ giúp của trọng tài điều khiển trận đấu. Quá trình chuẩn bị thật sự quá hoàn hảo cho một trận tỉ thí võ thuật.

Tuy nhiên, sự thật lại không phải vậy.

Nhìn từ chuyện thách đấu võ thuật xưa

Chưởng môn Hồ Tường của phái Tân Khánh Bà Trà từng nghiên cứu nhiều cuộc tỉ thí của võ thuật Việt Nam hơn 40 năm qua. Ông kể với Zing: "Một điều rất hay là những trận thách đấu thời đó luôn được tổ chức quản lý hoạt động võ thuật tiếp nhận, thực hiện đúng theo quy chế thi đấu, cũng như thu hút nhiều người đến xem".

Để trận đấu diễn ra công bằng, các võ sĩ phải chấp nhận lời thách đấu của nhau, tiến hành cân trọng lượng và thống nhất về luật lệ thi đấu. Sau thủ tục “cáp độ” đúng với quy chế là hai võ sĩ phải cùng hạng cân, BTC công bố thời gian, địa điểm, giới thiệu thành tích thi đấu, sở trường độc đáo của từng người đến khán giả.

Nhờ vậy, chương trình thi đấu võ đài với những trận đấu thách thức sau đó được chào đón bởi đông đảo người hâm mộ. Màn tỉ thí giữa các võ sư Tiểu La Thành và Cao Thành Sang hay Xuân Bình đối đầu "Kid Dempsey" diễn ra rất hấp dẫn, trở thành một trong những phần hào hùng của võ thuật Việt Nam.

Cũng theo võ sư Hồ Tường, các trận thách đấu đối kháng thời xưa đều được diễn ra công khai và chứng kiến bởi những người có chuyên môn cũng như trách nhiệm. Một cách tổng quát, mọi thứ diễn ra theo quy chế thi đấu. Đó mới thật sự là giao lưu võ thuật.

Vo thuat Viet Nam anh 2

Võ sư Nam Anh Kiệt (phải) vừa có màn tỉ thí với Lưu Cường để giải quyết mâu thuẫn. Ảnh: FBNV.

Còn với các trận đấu của Flores, Nam Anh Kiệt hay Lưu Cường..., dễ thấy nhiều điều lạ lẫm. Như màn "giao lưu võ thuật" giữa Nam Anh Kiệt và Lưu Cường, về mặt thi đấu đối kháng, hai võ sĩ đều có sự chênh lệch về trọng lượng rất lớn. Lưu Cường được cho là nặng hơn đối thủ đến 10 kg.

Một trận đấu như vậy hoàn toàn bất thường, bởi không tổ chức võ thuật chính thức nào lại chấp nhận một trận đấu đối kháng diễn ra giữa hai đấu thủ chênh nhau quá nhiều về cân nặng. Năm 2017, Flores cũng dễ dàng "bắt nạt" những đối thủ nhẹ cân hơn như Hoài Linh hay Bảo Châu.

Trong thực tế, các hạng cân của những trận đấu đối kháng trên thế giới như kick-boxing, Muay Thái, tán thủ..., đều chỉ hơn kém nhau tối đa 3 kg. Xâu chuỗi các trận "giao lưu võ thuật" của Flores, Nam Anh Kiệt hay Lưu Cường, đó như màn giải quyết hiềm khích giữa cá nhân, và không có ý nghĩa gì với võ thuật Việt Nam.

Thậm chí, theo tìm hiểu của Zing, pháp luật Việt Nam chưa cho phép tổ chức những cuộc đấu võ, tỉ thí..., mà chỉ chấp thuận cho tổ chức đấu võ thuật trong thể thao. Vì vậy, bất kể là tỉ thí võ thuật hay "giao lưu võ thuật, tất cả phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và không có trường hợp nào ngoại lệ.

Ông Lê Kim Hòa, Phó chủ tịch kiêm trưởng ban chuyên môn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam và thế giới, từng chỉ trích hành động "đấu chui" của nhiều võ sĩ, trong đó có Flores, bởi Việt Nam chưa từng có tiền lệ tự tiện thách đấu, rồi giao đấu mà không có sự giám sát cơ quan quản lý.

"Tôi khẳng định lần nữa, ở Việt Nam không hề có điều luật cho phép các bên tự tiện thỏa thuận rồi lên đài", võ sư Lê Kim Hòa nhấn mạnh với Zing.

Tỉ thí võ thế nào là đúng?

Trên mạng xã hội, Lưu Cường cho rằng trận đấu với Nam Anh Kiệt "chỉ là giao hữu giải quyết hiềm khích bình thường". Trước đó, hai người được cho là có những mâu thuẫn, họ liên tục khiêu khích nhau và sau cùng chọn cách sử dụng nắm đấm để giải quyết. Việc làm này đi ngược với truyền thống và tính nhân văn của võ đạo.

Võ sư Nguyễn Duy Hùng, phó Chủ tịch Liên đoàn Quyền anh Việt Nam, người từng đào tạo ra nhiều nhà vô địch thế giới, châu lục, quốc tế của nhiều môn võ như silat, boxing, võ cổ truyền, hoàn toàn không ủng hộ cách những võ sư, võ sĩ..., tự dàn xếp với nhau để tạo ra những trận "đấu chui" như vậy.

"Mang danh võ sư mà lại hành xử như vậy thì không thể chấp nhận. Tôi đã theo dõi đoạn video ghi lại cảnh các võ sư, võ sĩ giao đấu, và nhận thấy họ dường như không mang bảo hộ để bảo vệ an toàn. Điều này rất nguy hiểm. Tôi kịch liệt phản đối hành động giải quyết mâu thuẫn bằng các trận 'đấu chui'", ông Hùng nói với Zing.

Vo thuat Viet Nam anh 3

Năm 2019, Flores cũng từng thi đấu với Lưu Cường.

Quan chức võ thuật này còn nhấn mạnh những trận tỉ thí giữa Lưu Cường và Nam Anh Kiệt có thể làm ảnh hưởng xấu đến xã hội, khi tạo thành xu thế kích động bạo lực. "Thử nghĩ, nếu các thanh niên hễ không thích nhau thì hẹn ra đánh, điều này sẽ tạo thành phong trào không tốt", ông Hùng cho biết thêm.

Võ thuật Việt Nam đang phát triển rất nhanh và thu được nhiều tiếng vang trên đấu trường châu lục. Trong làng quyền anh châu Á, Trần Văn Thảo và Trương Đình Hoàng được xem như những tượng đài. Văn Thảo giữ đai siêu ruồi WBC, còn Đình Hoàng là nhà vô địch WBA.

Hay ở Muay Thái, Nguyễn Trần Duy Nhất cũng thi đấu rất hay ở đấu trường ONE Championship, sàn võ lớn nhất châu Á. Đó mới chính là những người luyện võ chân chính và trở thành gương mặt làm rạng danh võ thuật Việt Nam trên đấu trường thế giới.

Để như Văn Thảo, Đình Hoàng hay Duy Nhất mới là điều những người luyện võ cần học hỏi. Còn với các trận "đấu chui" của Flores, Lưu Cường hay Nam Anh Kiệt, hoạt động của họ chỉ bôi xấu hình ảnh võ thuật Việt Nam. Người thắng không được gì, kẻ thua sẽ thêm cay cú và lại tìm cách phục thù. Theo thời gian, mọi thứ có thể diễn biến theo chiều hướng tồi tệ.

Còn nếu các võ sĩ, võ sư thật sự muốn tỉ thí, họ cần thông báo lên các Liên đoàn tùy bộ môn và phải được sự chấp thuận từ chính quyền. Ở hạng mục phong trào, khi võ sĩ của những CLB muốn giao lưu võ thuật, họ phải được sự chấp thuận của cơ quan có đủ thẩm quyền tổ chức những trận thi đấu. Lúc này, võ sĩ hay võ sư cần tuân thủ đầy đủ quy định về luật lệ, lứa tuổi, hạng cân...

Giao lưu võ thuật sẽ rất ý nghĩa nếu diễn ra theo đúng ý nghĩa và mục đích. Ngược lại, những màn tỉ thí để giải quyết mâu thuẫn có thể trở thành xu thế xấu trong giới trẻ, gây lệch lạc và làm hiểu sai văn hóa võ thuật. Đây là điều cần được loại bỏ, chứ không thể cổ xúy.

Cú đá quét trụ khiến Nam Anh Kiệt thua knock-out sau 6 phút Sáng 19/7, Nam Anh Kiệt có trận đấu với Lưu Cường sau nhiều lần "khẩu chiến" trên mạng. Sau 6 phút, Nam Anh Kiệt không thể tiếp tục vì bị chấn thương tay.