Thưa ông, tình trạng ô nhiễm trên sông Cầu đang ngày càng nghiêm trọng hơn. Là người nhiều năm gắn bó với công tác bảo vệ môi trường, ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Tôi đã tham gia hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường khá lâu, cho đến giờ, tôi vẫn tiếp tục các hoạt động bảo vệ môi trường. Về câu chuyện dòng sông Cầu, tôi cũng được tham gia công tác quản lý cùng các đồng nghiệp ở Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường ngay từ khi mới thành lập.
Sông Cầu uốn lượn giữa những cánh đồng lúa của xã Phương Viên, Bắc Kạn |
Có thể khẳng định, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến bảo vệ môi trường trong đó có bảo tồn và phát triển bền vững các lưu vực sông được ghi tại các văn bản chỉ thị, nghị quyết từ lâu, đặc biệt chỉ đích danh 3 lưu vực sông (LVS Cầu, LVS Nhuệ-Đáy và LVS Đồng Nai) trong Chỉ thj số 36 năm 1998 “Tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước” và Nghị quyết số 24 năm 2004 về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” của Bộ Chính trị.
Năm 2002, Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập. Trong bộn bề những việc cần làm ngay thì vấn đề bảo vệ môi trường lưu vực sông đã rất được quan tâm. Bằng chứng là ba Ủy ban BVMT LVS lần lượt ra đời với thành viên là đại diện lãnh đạo của tất cả các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông. Khi ấy, chúng tôi đã được giao tổ chức những hội nghị để đại diện các tỉnh, thành phố ký cam kết cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Các điều khoản cam kết rất chặt chẽ. Khí thế rất hăng hái. Nhiều dự án, kế hoạch hành động được đề ra và triển khai thực hiện. Nhưng giờ nhìn lại thực trạng dòng sông Cầu thật quá xót xa! Với LVS Nhuệ-Đáy và LVS Đồng Nai cũng có nhiều vấn đề cần phải bàn để làm tốt hơn nữa trước khi quá muộn!
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE). |
Có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm các dòng sông đã được nêu ra, về cả chủ quan và khách quan trong suốt hai thập kỷ qua tại các hội nghị định kỳ của các Ủy ban BVMT LVS cũng như tại các diễn đàn khác nhau. Vậy cá nhân ông có thể nhận định điều gì đó thật khác biệt về vấn đề này không?
PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Câu hỏi rất thú vị. Đúng là chúng ta đã và đang nỗ lực rất nhiều. Đã tập trung sức người, sức của khá lớn trong suốt những năm qua. Đó là một thực tế rõ ràng. Nhưng tại sao lưu vực sông ngày càng bị ô nhiễm, sức khỏe của dòng sông ngày càng suy kiệt, có sông chỉ còn thoi thóp?
Phải chăng khâu vận hành Ủy ban BVMT LVS cần cân nhắc lại? Chủ tịch luân phiên của Ủy ban này cứ quay vòng hàng năm liệu có phù hợp trong tình hình hiện nay?
Cá nhân tôi cho rằng vấn đề hệ trọng này cần được thực hiện với điều kiện đặc biệt.
Phải có một người đứng đầu chuyên trách với cấp bậc tương xứng. Đó là một Ủy viên Trung ương, hàm Bộ trưởng đặc trách (một số nước có Bộ trưởng không Bộ). Tại sao ư? Vì chỉ có như vậy thì ông Bộ trưởng này mới có đủ thẩm quyền để khi làm việc với các Bộ, ngành nêu ra các vấn đề về ô nhiễm môi trường LVS và được trao đổi cũng như giải quyết bình đẳng, thực chất.
Trên thực tế các tỉnh, thành phố chỉ có thành viên là lãnh đạo cấp phó (hầu hết là Phó Chủ tịch UBND), vì tính nhiệm kỳ quá ngắn, họ vừa nhận bàn giao chức Chủ tịch luân phiên chưa triển khai được bao nhiêu thì đã hết thời gian, lại chuẩn bị bàn giao cho tỉnh khác đảm nhận!
Đấy là nói về cá nhân người lãnh đạo. Còn khi đã có một Bộ trưởng chuyên trách thì ta sẽ có một bộ máy thích hợp để giúp triển khai nhiệm vụ (việc này xin chưa bàn vì có thể vai trò của xã hội hóa hoạt động này cũng rất quan trọng).
Khi làm tốt trọng trách này, chắc chắn các lưu vực sông sẽ được bảo tồn và phát triển bền vững góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng đất nước, đáp ứng mong muốn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Và khi đó nếu chúng ta thực hiện vinh danh cá nhân ông Bộ trưởng chuyên trách này cũng rất xứng đáng!
Tỉnh Bắc Ninh sẽ triển khai tiếp giai đoạn 2 của nhà máy xử lý nước thải tập trung để giải quyết triệt để nước thải từ các cơ sở sản xuất giấy ở Phong Khê xả thẳng ra sông Cầu |
Ý tưởng này trước đây cũng đã được ông đề cập rồi?
PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Đúng vậy. Tôi đã chia sẻ đôi lần và thậm chí còn nói vui là có thể tạc tượng cho vị Tư lệnh này.
Xét cho cùng thì sự việc đã quá bức bách rồi. Dòng sông như một cơ thể sống nhưng nó không thể tự lên tiếng nói kêu cứu. Vậy chúng ta đã lên tiếng hộ cho những dòng sông, hãy giải cứu những con sông đang chết dần, chết mòn vì ô nhiễm và có những hành động quyết liệt hơn. Liệu lần này đã là lần kêu cứu cuối cùng của Bắc Giang và Bắc Ninh chưa, tôi luôn đau đáu, trăn trở về vấn đề này? Ơi miền Kinh Bắc? Ơi miền Quan họ? Ơi dòng Như Nguyệt xưa và dòng sông Cầu nay!
Xin trân trọng cám ơn ông!
Theo báo cáo của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, lưu vực sông có diện tích 6.030km2, có tổng chiều dài các nhánh sông khoảng 1.600km bao gồm gần như toàn bộ các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên và một phần các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương và Hà Nội. Để bảo vệ dòng sông, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu”. Mục tiêu là từng bước xử lý ô nhiễm, cải thiện, nâng cao chất lượng nước; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống cơ chế, chính sách; thiết lập mô hình quản lý môi trường lưu vực phù hợp với điều kiện tự nhiên. |
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường