Dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III và công bố sản lượng dự tính từ các nhà sản xuất, chúng ta có thể có đủ vắc-xin để tiêm cho khoảng một phần ba dân số thế giới vào cuối năm 2021. Nhưng nhiều người ở các nước thu nhập thấp có thể sẽ phải đợi đến năm 2023 hoặc 2024 mới có thể được tiêm phòng. Đó là những viễn cảnh được dự đoán bởi Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke ở Durham, Bắc Carolina.
Khi nhìn vào 3 nhà sản xuất đang sở hữu những ứng cử viên vắc-xin COVID-19 tiềm năng nhất là AstraZeneca, Pfizer và Moderna, ước tính tổng sản lượng của họ có thể đảm bảo cho thế giới có 5,3 tỷ liều vắc-xin COVID-19 vào năm 2021.
Bởi hai trong ba loại vắc-xin này cần được tiêm 2 liều, ước tính sản lượng này có thể bao phủ cho khoảng 2,6 đến 3,1 tỷ người trên thế giới nhận được vắc-xin COVID-19, tùy vào việc vắc-xin còn lại của AstraZeneca có thể được tiêm theo kịch bản một liều rưỡi hay 2 liều.
Ban đầu, các thử nghiệm của AstraZeneca dự tính vắc-xin của họ sẽ được phân phối bình thường trong 2 mũi tiêm cách nhau vài tuần. Nhưng sau một tai nạn vô tình khi thử nghiệm , những người nhận được 1 nửa liều vắc-xin ở mũi tiêm trước và 1 liều vắc-xin ở mũi tiêm sau bất ngờ cho thấy khả năng miễn dịch còn cao hơn nhóm tiêm đầy đủ.
Các ước tính trên còn chưa kể đến một loại vắc-xin của Trung tâm Dịch tễ học và Vi sinh Quốc gia Gamaleya ở Moscow, Liên Bang Nga. Thông tin từ Quỹ đầu tư Russia Direct cho biết họ có thể cung cấp vắc-xin COVID-19 cho 500 triệu người bên ngoài nước Nga mỗi năm, kể từ năm 2021. Và cần nhấn mạnh rằng đây là con số bên ngoài nước Nga, nghĩa là các liều vắc-xin xuất khẩu. Sản lượng vắc-xin cung cấp cho thị trường nội địa của Nga chưa được tiết lộ.
Sự khan hiếm vắc-xin trong giai đoạn đầu của đại dịch đã được tính đến và các quốc gia muốn có vắc-xin sớm cần phải đặt trước. 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu cùng với 5 quốc gia giàu có khác đã đặt hàng trước khoảng một nửa sản lượng vắc-xin từ các nhà sản xuất (bao gồm các điều khoản bổ sung khác được ghi trong hợp đồng và thông tin rò rỉ từ các cuộc đàm phán chưa ngã ngũ giúp các quốc gia này còn có thể đặt thêm nhiều vắc-xin hơn nữa).
Thế nhưng, 32 quốc gia đã đặt hàng hơn một nửa sản lượng vắc-xin COVID-19 toàn cầu này chỉ chiếm khoảng 13% dân số thế giới. Dựa trên số lượng liều vắc-xin đã đặt trước/đầu người, Canada hiện đang là quốc gia đứng đầu bảng với mỗi người dân có thừa 9 liều tiêm.
Andrea Taylor, phó giám đốc chương trình đổi mới chăm sóc sức khỏe của Viện Sức khỏe Toàn Cầu Duke cho biết: "Canada đã làm chính xác những gì chúng tôi mong đợi một quốc gia có thu nhập cao sẽ làm, và họ đã làm điều đúng đắn với đất nước của họ".
Tuy nhiên, sự quan tâm chăm sóc của Canada dành cho người dân của mình đồng nghĩa với việc vắc-xin COVID-19 sẽ không được phân phối một cách công bằng trên quy mô toàn cầu. Taylor cho biết rất nhiều quốc gia khác sẽ bị rơi vào nguy cơ không có vắc-xin.
"Bây giờ (khi vắc-xin đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng để chuẩn bị được tung ra thị trường) chúng ta đang thấy những kết quả thực sự tốt, mọi người đều cảm thấy lạc quan hơn", cô nói. Nhưng khi các giao dịch được thực hiện trên quy mô quốc gia, "lại có một bức tranh khá đáng sợ vào giây phút này, bởi vì rất nhiều quốc gia đang bị mất tích".
Rasmus Bech Hansen, giám đốc điều hành Airfinity - một công ty phân tích thị trường khoa học đời sống ở London, cho biết các nhà sản xuất vắc-xin đã thu hẹp lại ước tính sản lượng ngắn hạn của họ theo thời gian.
Theo tính toán của Airfinity, nếu có thêm 6 ứng cử viên vắc xin hàng đầu khác được đưa vào danh sách, tổng số liều vắc-xin COVID-19 đang được giao dịch sẽ tăng lên 7,4 tỷ, và các điều khoản bổ sung hoặc các cuộc đàm phán đang diễn ra sẽ tính thêm được 2,9 tỷ liều khác.
Nhưng ngay cả khi đã bao gồm các loại vắc-xin khác này, tổng số liều được đặt bởi EU và 5 quốc gia giàu có nhất vẫn chiếm khoảng một nửa tổng sản lượng, bởi vì họ đủ giàu và đủ nhanh nhạy để tiếp cận và đặc cược vào một số ứng cử viên vắc-xin ngay từ giai đoạn đầu đại dịch.
Bech Hansen cho biết ngoài vắc-xin xuất khẩu, các hợp đồng sản xuất trong nước cũng có khả năng tiết lộ nguồn cung những lô hàng vắc-xin đầu tiên trên thế giới. Ví dụ, Ấn Độ đã bảo đảm có được 2 tỷ liều vắc-xin nội địa, một phần bằng cách tận dụng khả năng sản xuất của Viện Huyết thanh Ấn Độ ở Pune, hiện cũng là nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới.
Nhưng khi một thị trường lớn như Ấn Độ cần đảm bảo nguồn cung, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình khác sẽ bị đặt vào tình trạng khan hiếm trong ngắn hạn. Hầu hết các quốc gia này đang dựa vào sự đóng góp của COVAX, một quỹ phân phối công bằng vắc-xin COVID-19.
COVAX được thành lập và điều hành bởi 3 tổ chức bao gồm Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Phòng chống Dịch (CEPI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Gavi, một liên minh vắc-xin và tổ chức phi lợi nhuận tư nhân hoạt động trong lĩnh vực tài trợ vắc-xin cho các quốc gia thu nhập thấp.
Cho đến nay, COVAX đã đặt hàng được khoảng 700 triệu liều vắc-xin COVID-19 và đặt mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vào cuối năm 2021 để bao phủ được ít nhất 20% dân số của các nước tham gia. Hiện đã có hơn 189 quốc gia đăng ký vào COVAX, bao gồm cả các nền kinh tế giàu có tham gia để trợ cấp vắc-xin cho các quốc gia nghèo hơn.
Mảnh ghép cuối cùng để chúng ta hi vọng trong bức tranh phân phối vắc-xin COVID-19, đó là việc các quốc gia có thừa vắc-xin sẽ tặng lại cho COVAX. Nhưng Taylor nói rằng đó không phải là cách mà quỹ này dự định hoạt động, bởi nếu đợi một quốc gia có thừa vắc-xin thì rất lâu, họ phải đảm bảo toàn bộ người dân của mình được tiêm chủng trước và giữ lại một lượng vắc-xin dự trữ.
"Nhưng tôi nghĩ đó là cách mọi thứ sẽ diễn ra", Taylor nói.
Giá của các loại vắc-xin hiện cũng khác nhau và thậm chí còn chênh lệch theo tùy từng thỏa thuận. AstraZeneca của Anh cho biết họ sẽ cung cấp vắc-xin với giá khoảng 3–4 USD mỗi liều, rẻ hơn từ năm đến mười lần so với giá ước tính của các ứng cử viên hàng đầu khác, chẳng hạn như Pfizer và Moderna của Mỹ.
Đó là bởi AstraZeneca đã cam kết cung cấp vắc-xin trên cơ sở phi lợi nhuận trong "thời gian đại dịch", và vĩnh viễn cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Các công ty khác thì không đưa ra cam kết này.
Tham khảo Nature