Một con chồn xuất hiện trên đảo, vì sao New Zealand chi 7,5 tỷ đồng để bắt? Lý do quá thuyết phục

24/04/2024 00:14

Rất nhiều nhà khoa học tán đồng với cách làm này của chính phủ New Zealand.

Theo CNN đưa tin ngày 11/4/2024, Bộ Bảo tồn (DOC) New Zealand đã phát động một chiến dịch lớn trong suốt 8 tháng chỉ để tìm bắt một con chồn xuất hiện tại hòn đảo Chalky ở Fiordland. Đồng thời, Ủy ban Môi trường của Quốc hội New Zealand đã tiết lộ chi phí cho việc này là 300.000 USD (hơn 7,5 tỷ đồng).

Sau khi thông tin này được công bố, một làn sóng tranh cãi đã nổ ra trên mạng xã hội. Nhiều người chỉ trích rằng các nhà chức trách đã lãng phí quá nhiều tiền cho một việc nhỏ nhưng Ủy ban Môi trường cho rằng khoản tiền này hoàn toàn đáng giá. Lý do phía sau là gì?

Một con chồn xuất hiện trên đảo, vì sao New Zealand chi 7,5 tỷ đồng để bắt? Lý do quá thuyết phục- Ảnh 1.

Bộ Bảo tồn (DOC) New Zealand đã phát động một chiến dịch lớn trong suốt 8 tháng để tìm bắt một con chồn xuất hiện tại hòn đảo Chalky. (Ảnh: CNN)

Hòn đảo không dành cho loài chồn

Đảo Chalky là một vùng đất rộng 5,2km thuộc Vườn quốc gia Fiordland. Fiordland là vườn quốc gia lớn nhất trong 14 vườn quốc gia ở New Zealand và cũng là một phần quan trọng của Te Wahipounamu, di sản thế giới của UNESCO. Vườn quốc gia này được quản lý bởi Bộ Bảo tồn.

Đời sống hoang dã của New Zealand biệt lập với phần còn lại của thế giới hàng triệu năm qua và vì điều kiện sống đặc thù của New Zealand mà mảnh đất này chỉ có những động vật hoàn toàn sống hòa bình với nhau, không có những con thú săn mồi nên những con chim không có cánh, những con thú yếu ớt vẫn có thể tồn tại. Nhưng còn một vài đảo của New Zealand vẫn còn cô lập và chưa có động vật săn mồi đến, là nơi trú ẩn cho cho nhiều loài vật quý hiếm. Nhiều vùng của New Zealand được loại bỏ động vật săn mồi ngoại lai để làm nơi trú ẩn cho những động vật nguyên thủy tại New Zealand.

Đảo Chalky là một nơi như vậy. Đảo này được thiết kế không dành cho các loài động vật săn mồi nào sinh sống tại đây. Đảo Chalky là nơi sinh sống của loài vẹt không biết bay duy nhất trên thế giới và loài thằn lằn không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Cụ thể là thằn lằn bóng Te Kākahu skink, chim kiwi và vẹt kākāpō chỉ còn chưa đến 250 cá thể trong tự nhiên.

Một con chồn xuất hiện trên đảo, vì sao New Zealand chi 7,5 tỷ đồng để bắt? Lý do quá thuyết phục- Ảnh 2.

Đảo Chalky là nơi sinh sống của loài vẹt không biết bay duy nhất trên thế giới - Vẹt kākāpō. (Ảnh: CNN)

Đặc biệt, loài vẹt kākāpō không biết bay được xác nhận là loài cực kỳ nguy cấp. Tính đến tháng 6 năm 2016, chỉ 154 cá thể vẹt này đang sống được biết đến. Sự vắng mặt của động vật ăn thịt khiến loài này mất khả năng bay. Tuy nhiên, quá trình thực dân hóa của người Polynesia và người châu Âu và họ du nhập những động vật ăn thịt chẳng hạn như mèo, chuột, chồn sương, và chồn ermine, loài vẹt kākāpō đã gần như bị xóa sổ.

Ngoài ra, những động vật ăn thịt du nhập này đã giết chết khoảng 25 triệu con chim bản xứ ở New Zealand hàng năm, với khoảng 4.000 loài bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.

Vì vậy, chính phủ New Zealand đã lên kế hoạch xóa sổ chuột, thú có túi, chồn sương và chồn ezmin. Đảo Chalky và quần đảo Passage ở lân cận đã không còn bóng động vật săn mồi nào kể từ năm 1999 sau chiến dịch xóa sổ chồn ermine đầu tiên.

Chi hơn 7,5 tỷ đồng để bắt một con chồn

Tuy nhiên, vào tháng 8 năm 2022, khi nhân viên bảo tồn trên đảo Chalky phát hiện một con chồn ermine đực, các nhà chức trách đã nhanh chóng hành động để bảo vệ hệ sinh thái trên đảo.

Hồ sơ của các cơ quan liên quan cho thấy trong khoảng thời gian cá thể chồn ermine được phát hiện cho tới lúc bị bắt nhốt sau đó tám tháng cho thấy Bộ Bảo tồn New Zealand đã chi tổng cộng 300.000 USD. Chi phí được liệt kê bao gồm tiền thuê chuyên gia đặt bẫy, chó nghiệp vụ, camera bẫy ảnh, tiền công cho nhân viên , trực thăng và tàu thuyền trong 8 tháng để bẫy và giết con chồn này.

Theo Rebecca Teele, chuyên gia của DOC cho biết: "Hòn đảo là một trong những khu vực ưu tiên lớn nhất về đa dạng sinh học ở Fiordland. Chúng tôi cần làm mọi thứ có thể để bảo vệ các loài dễ tổn thương đang sinh sống tại đây."

Aaron Fleming, giám đốc hoạt động ở DOC chia sẻ thêm: "Nếu không hành động, chúng ta sẽ phải trả giá lớn hơn, với khả năng tàn phá quần thể vẹt kākāpō. Chúng ta có thể phải chuyển vẹt kākāpō khỏi hòn đảo bằng máy bay với chi phí khổng lồ và không có nơi nào để đưa chúng đến. Nếu không bắt con chồn ermine đó chi phí sẽ lên tới hàng triệu USD."

Một con chồn xuất hiện trên đảo, vì sao New Zealand chi 7,5 tỷ đồng để bắt? Lý do quá thuyết phục- Ảnh 3.

Quyết định chi một số tiền lớn như vậy để tiêu diệt cá thể chồn ermine của Bộ Bảo tồn New Zealand đã nhận được sự tán đồng của nhiều nhà khoa học. (Ảnh: CNN)

Chồn ermine được biết đến là một loài thú ăn thịt nhỏ, chúng rất giỏi bắt chim và thằn lằn bản xứ. Chúng đủ nhỏ để chui vào hang thỏ và chuột, thậm chí cả tổ của nhiều loài chim. Chúng cũng bơi lội rất giỏi. Nghiên cứu về một nhóm nhỏ chồn ermine cho thấy gần 1/2 trong số chúng có thể bơi liên tục hơn một giờ, kéo theo nguy cơ chúng xâm chiếm những hòn đảo cách đất liền từ 3 đến 5 km, bao gồm đảo Chalky dễ dàng.

Chính vì vậy, quyết định chi một số tiền lớn như vậy để tiêu diệt cá thể chồn ermine của Bộ Bảo tồn New Zealand đã nhận được sự tán đồng của nhiều nhà khoa học.

Trong nỗ lực bảo vệ các loài vật quý hiếm của quốc gia, New Zealand đã chi hơn 300 triệu USD từ năm 2016 nhằm theo đuổi mục tiêu trở thành đất nước không có động vật ăn thịt vào năm 2050.

New Zealand là một trong số ít nước trên thế giới sử dụng 1/3 đất đai làm khu bảo tồn quốc gia nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên và các loài động - thực vật. Đây là một phần quan trọng trong sự nỗ lực bảo tồn thiên nhiên của New Zealand và đảm bảo đất nước này vẫn là một nơi tươi đẹp và đa dạng sinh học cho những thế hệ mai sau.

*Nguồn: CNN, Yahoo, X

Bạn đang đọc bài viết "Một con chồn xuất hiện trên đảo, vì sao New Zealand chi 7,5 tỷ đồng để bắt? Lý do quá thuyết phục" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.