Một cuốn sách, 18 nơi làm lậu

Admin

16/07/2020 06:34

Những người làm sách chân chính chăm chút từng chi tiết nhỏ để đưa sách tới bạn đọc. Họ vô cùng đau xót khi đứa con tinh thần của mình bị làm giả.

Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc công ty sách First News Trí Việt (First News) - đưa ra những cảnh báo về biến tướng, cũng như thủ đoạn của “sách tặc” trong cuộc chiến chống sách giả, sách lậu trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Ước tính, sách lậu trốn thuế hàng trăm tỷ đồng

- Ông và đơn vị của mình lên tiếng mạnh mẽ về sách giả, sách lậu từ khi nào?

- Năm 2004, khi Việt Nam tham gia công ước Berne, chúng tôi đã mua bản quyền những tác phẩm nổi tiếng thế giới. Sau đó, sách bị làm lậu. Đầu năm 2005, chúng tôi bắt đầu tố cáo sách lậu.

Sách của chúng tôi bị làm lậu nhiều. Như cuốn Đắc nhân tâm, dù có nhiều đơn vị cùng khai thác, sách của chúng tôi bị in lậu nhiều nhất. 18 nơi in lậu cuốn đó.

Ngoài ra, Hạt giống tâm hồn và hàng trăm tựa sách khác cùng chung số phận bị in lậu tràn lan.

- Điều gì khiến ông lên tiếng mạnh mẽ, phản đối sách giả, sách lậu?

- Nhiều người đã hỏi tôi câu tương tự. Đơn giản, tôi là người tham gia trực tiếp quá trình làm sách, từ khâu mua bán bản quyền, dịch thuật, biên tập đến in ấn… Chúng tôi coi mỗi tác phẩm như đứa con tinh thần, chứ không phải sản phẩm thương mại.

Các nhà xuất bản, công ty sách phải lên tiếng và đoàn kết lại để chống sách giả, sách lậu. Chúng ta phải bỏ qua tư tưởng sống chung với sách lậu, bởi cứ im lặng mãi, sẽ tự giết chết bản thân mình.

Ông Nguyễn Văn Phước

Thế nên, tôi không chấp nhận đứa con tinh thần của mình bị “xẻ thịt”, hay sản xuất “vô tính” một cách đầy sai sót, vô lương tâm và coi thường pháp luật.

Đây không chỉ là vấn đề tiền bạc hay lợi nhuận. Nếu im lặng trước tội ác, đồng nghĩa việc bạn đồng lõa với tội ác.

- Theo dõi sách lậu nhiều năm, ông nhận định như thế nào về tình trạng sách giả, sách lậu tràn lan trên Internet hiện nay?

- Chúng ta phải làm rõ nguồn gốc sách lậu. Chúng không phải từ Internet, mà đều xuất phát từ cơ sở in ấn. Sách lậu thường tập trung ở đường Phạm Văn Đồng, Láng, Trần Quốc Hoàn và len lỏi vào cả những con phố bán sách lâu năm ở Hà Nội. Sách lậu vào Huế và các tỉnh thành phía Nam, lên cả những vùng như Thái Nguyên, Lạng Sơn…

Nó còn lên các trang thương mại điện tử và trang bán sách lậu trên Facebook. Họ dùng sách thật để quảng cáo, nhưng đến khi giao hàng thì toàn sách giả. Đó không chỉ là buôn bán sách giả, mà còn tiếp tay cho hàng giả, trốn thuế. Ước tính, sách lậu trốn thuế hàng trăm tỷ đồng.

Doanh thu của ngành sách đóng góp cho nền kinh tế không nhiều, nhưng đây là ngành giúp nâng cao giáo dục, văn hóa và dân trí. Thế nên, tôi rất đau lòng khi nhiều đầu sách của NXB Giáo dục bị in lậu. Đã có những kho in lậu ở Yên Bái và cả Hà Nội bị phát hiện.

Đến lúc giới trí thức cần lên tiếng về nạn sách lậu. Vì một tập sách đúng quy trình, từ khâu tiếp nhận bản thảo đến lúc ra sách, ít nhất cũng phải mất nửa năm, qua sự thẩm định phê duyệt của các cấp quản lý mới được xuất bản. Tại sao sách giả lại dễ dàng tuồn ra thị trường như vậy?

- Hiện nay, trên môi trường số, những kẻ làm sách giả, sách lậu dùng thủ đoạn nào để lừa độc giả?

- Trên môi trường số, họ dùng sách thật để quảng cáo nhưng khi người mua đặt hàng, họ lại giao sách giả. Thậm chí, có nơi in sách giả, tăng giá bìa lên 20-50% so với sách thật, sau đó mới giảm giá.

5 hay 10 năm trước, sách giả còn dễ nhận biết bằng mắt thường, vì chỉ giống khoảng 70%. Nhiều chỗ in sai sót, bìa màu nhạt, không đẹp mắt. Hiện nay, sách giả giống thật đến hơn 90%. Những người tinh tường trong nghề mới nhìn ra, còn bạn đọc thông thường khó lòng nhận biết.

Điều đó chứng tỏ sách giả được in ở những nhà in chuyên nghiệp, rất lớn với trang thiết bị hiện đại.

1 cuon sach 18 don vi in lau anh 2

Ông Nguyễn Văn Phước trao đổi với báo chí bên lề tọa đàm chống sách lậu năm 2019. Ảnh: NVCC.

Cơ quan quản lý cần mạnh tay

- Ông đã thực hiện những biện pháp gì để bảo vệ đơn vị mình trước nạn sách giả, sách lậu?

- Chúng tôi đã phối hợp cơ quan công an phanh phui vụ việc nhà in tại Yên Bái, với hơn 100.000 cuốn sách lậu, trong đó, có nhiều đầu sách của chúng tôi và một số đơn vị khác.

Ngoài ra, chúng tôi còn đưa ra vụ in lậu sách giả của Huy Thi; công ty Trùng Khánh in lậu 7.000 cuốn Đắc nhân tâm tại Trương Định, Hà Nội; chỉ đích danh kênh thương mại điện tử bán sách giả.

Chúng tôi đang lập hồ sơ, tiếp tục khởi kiện một sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam liên quan sách lậu.

Phải dõi theo những vụ làm sách lậu như vậy, 500 người cũng không đủ sức, trong khi chúng tôi có khoảng 100 nhân sự. Vì thế, chúng tôi phải cảm ơn bạn đọc, những cộng tác viên và công nhân nhà in, đã tố giác và giúp đỡ rất nhiều.

- Việc xử lý các đơn vị bán sách giả trên sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội gặp khó ở đâu?

- Theo tôi, không có gì khó cả, chỉ cần một quyết định thật nghiêm minh là có thể xử lý được nạn sách giả. Nếu chúng ta đều sợ cái xấu, nó sẽ lên ngôi.

Bây giờ, chúng ta cần đồng lòng, cùng lên tiếng, không có gì phải sợ cả. Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh.

- Theo ông, các NXB, công ty sách cần làm gì để bảo vệ mình trước vấn nạn này?

- Chúng ta đang sống trong xã hội có pháp luật. Đó không chỉ là Luật Xuất bản, Luật Bản quyền, Công ước Berne, mà còn có Luật Dân sự và Luật Hình sự. Nhưng hiện tại, việc thực hiện luật có phần lơi lỏng, tạo điều kiện cho những đối tượng làm sách giả tung hoành.

Ví dụ, một chai nước khoáng giá 4.000-5.000 đồng, nếu làm giả, có thể bị phạt tới hàng trăm triệu đồng, truy tố đến 5 năm tù. Một cuốn sách, khi bị phát hiện làm giả, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Thế nhưng, khi bị phát hiện làm giả và thu giữ tang vật, đơn vị làm giả, in lậu chỉ bị phạt hành chính.

Những đường dây in ấn sách giả này còn có thể tiếp tay cho việc in ấn văn hóa phẩm đồi trụy…

Tôi nghĩ các cơ quan như Cục Xuất bản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý thị trường và công an văn hóa, an ninh mạng phải kết hợp để xử lý việc này.

- Ngoài việc lên tiếng mạnh mẽ, chúng ta cần những giải pháp nào cụ thể để chống sách lậu?

- Các cơ quan quản lý cần phối hợp để xử lý vấn nạn này như tôi nói ở trên. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản, công ty sách phải lên tiếng và đoàn kết lại để chống sách giả, sách lậu. Chúng ta phải bỏ qua tư tưởng “sống chung với sách lậu”, bởi cứ im lặng mãi, sẽ tự giết chết bản thân mình.

Bạn đọc mua phải sách giả cũng phải chủ động lên tiếng. Một xã hội được bao vây bởi hàng giả, bằng giả, thuốc giả và sách giả…, hỏi có gì là thật nữa?

Bạn đang đọc bài viết "Một cuốn sách, 18 nơi làm lậu" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP.