Điều kiện hưởng chế độ ốm đau dài ngày
Chế độ ốm đau là một trong những chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân văn cao cả, nhằm bảo đảm thu nhập cho người tham gia BHXH tạm thời bị gián đoạn do phải nghỉ việc vì ốm đau, tai nạn,…
Chế độ này có tác dụng to lớn không chỉ với người lao động, gia đình của họ mà còn với người sử dụng lao động. Đối với bản thân người lao động, chế độ ốm đau trước hết hỗ trợ một phần kinh phí điều trị, duy trì cuộc sống hàng ngày, giúp người lao động nhanh chóng trở lại làm việc, ổn định đời sống.
Đối với người sử dụng lao động, bằng việc đảm bảo thu nhập cho người lao động, chế độ ốm đau góp phần không nhỏ trong việc ổn định tâm lý, tăng năng suất lao động, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Căn cứ Điều 25, Luật BHXH 2014 và Thông tư 46/2016/TT-BYT quy định chi tiết về điều kiện hưởng chế độ ốm đau của người lao động như sau:
Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.
Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Bệnh được xác nhận nằm trong danh mục Bệnh cần chữa trị dài ngày (Theo Thông tư 46/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016).
Quyền lợi hưởng chế độ ốm đau dài ngày
Đối với bản thân người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày:
+ Tối đa 180 ngày
+ Hết 180 ngày vẫn tiếp tục điều trị thì được thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.
Thời gian nghỉ này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Theo Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, nhằm bảo đảm thu nhập cho người lao động và hỗ trợ một phần chi phí điều trị, người lao động ốm đau được hưởng chế độ với mức hưởng:
Mức hưởng hàng tháng = Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%) x Mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ x Số tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau
Đối với người mắc bệnh cần chữa trị dài ngày đã nghỉ hết 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì mức hưởng sẽ thấp hơn:
- Bằng 65% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ nếu đã đóng bảo BHXH từ đủ 30 năm trở lên;
- Bằng 55% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
- Bằng 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm.
Riêng sĩ quan, quân nhân quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan công an, người làm công tác cơ yếu được hưởng bằng 100% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ.
Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau dài ngày
Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau dài ngày cần những giấy tờ sau đây:
- Giấy ra viện (bản chính hoặc bản sao)
- Mẫu 01B-HSB.
- Mẫu Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH với thời gian điều trị ngoại trú
- Hồ sơ bệnh án (photo công chứng)
Về thời gian nộp hồ sơ, đơn vị lập và nộp hồ sơ trong thời hạn không quá 55 ngày kể từ ngày người lao động trở lại làm việc.