Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025 có khả thi?

Admin

08/01/2025 06:00

Chuyên gia cho rằng, việc tăng trưởng tín dụng cần phải đi đôi với chất lượng tín dụng, cần xây dựng hệ thống kiểm soát rủi ro sao cho hiệu quả, tránh để nợ xấu phát sinh.

Mối quan hệ tương hỗ giữa tăng trưởng tín dụng và GDP

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới đây đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025.

Trong đó dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%. Mức giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của TCTD căn cứ kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng.

Đánh giá về mục tiêu trên, TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh, cho rằng, có mối quan hệ tương hỗ giữa tăng trưởng tín dụng và GDP. Khi tín dụng tăng trưởng, các doanh nghiệp, cá nhân và chủ thể trong nền kinh tế nói chung sẽ có thêm nguồn vốn để đầu tư và mở rộng lợi suất kinh doanh và tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Ở chiều ngược lại, tăng trưởng GDP cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nền kinh tế tăng trưởng cao hơn thì nhu cầu vốn của tất cả chủ thể nền kinh tế sẽ tăng lên. Từ đó thúc đẩy nhu cầu vốn từ hệ thống ngân hàng.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025 có khả thi?- Ảnh 1.

TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh.

Những năm trước, mức tăng trưởng GDP được đề ra từ 6-7%, tăng trưởng tín dụng tương ứng sẽ là 15%. Năm 2025, Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP lên đến 8% nên tăng trưởng tín dụng cũng phải tăng tương ứng.

"Con số tăng trưởng tín dụng 16% là thận trọng nhưng cũng có tính kích thích, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP 2025 mà Chính phủ đặt ra", ông Linh nhìn nhận.

Tuy nhiên, ông Linh cũng lưu ý rằng khi tăng trưởng tín dụng tăng lên sẽ dễ kéo theo tỉ lệ nợ xấu tăng tương ứng nếu không quản trị rủi ro tín dụng tốt. Điều này sẽ tạo tác động tiêu cực trong tương lai, làm GDP trong dài hạn tăng trưởng chậm lại.

Chính vì vậy, tăng trưởng tín dụng cần phải đi đôi với chất lượng tín dụng, cần xây dựng hệ thống kiểm soát rủi ro về quản trị tín dụng sao cho hiệu quả.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo tính hiệu quả về sử dụng tín dụng, nắn dòng vốn vào những lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực thúc đẩy GDP theo định hướng chiến lược dài hạn của Chính phủ, những lĩnh vực có thế mạnh như nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng vốn tín dụng hiệu quả, thúc đẩy GDP bền vững.

Đồng quan điểm với ông Linh, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng khoảng 16% là hợp lý. Ông Huân đánh giá con số trên ở mức tăng cao, tuy nhiên vốn tín dụng nhiều hay ít cũng chưa quan trọng bằng chất lượng tín dụng như thế nào.

"Tín dụng chảy vào thị trường bất động sản đầu cơ thì tăng trưởng kinh tế sẽ tăng nhanh nhưng không được bền vững. Điều này trên thực tế đã được chứng minh trong nhiều năm trước. Vì thế, việc tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với quản lý chất lượng, không để xảy ra nợ xấu", ông Huân nói.

Cần có lộ trình cụ thể cho câu chuyện bỏ giao "room" tín dụng

Ngoài dự kiến về mức tăng trưởng tín dụng trong năm tới, NHNN cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD theo Nghị quyết số 62 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.

Ông Huân cho biết ủng hộ bỏ việc bỏ giao hạn mức tín dụng từng năm để các ngân hàng có thể chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh. Trong năm 2024, NHNN đã chủ động cấp hạn mức toàn bộ từ đầu năm và 2 lần thực hiện điều chỉnh cho những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt.

"Việc cấp hạn mức là giải pháp hành chính không thể áp dụng quá lâu, cần phải xem xét, lựa chọn thời điểm bỏ cấp hạn mức tín dụng cho ngân hàng để có thể kiểm soát vấn đề lạm phát", ông Huân nêu quan điểm.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025 có khả thi?- Ảnh 2.

NHNNtriển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Nhìn nhận 2 mặt, ông Châu Đình Linh cho rằng "room" tín dụng giúp nắn được dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên, hạn chế việc gia tăng giá trị tài sản quá nhanh, đặc biệt trong lĩnh vực có tính rủi ro cao, bất định như bất động sản, chứng khoán…

Đồng thời góp phần kiểm soát rủi ro cho cả hệ thống ngân hàng mà NHNN đang quản lý, giúp phân loại ngân hàng, cho biết chất lượng tài sản, tín dụng của ngân hàng đang thế nào.

Từ đó điều tiết tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế thay vì để thị trường quyết định, giúp cho dòng vốn đi đến lĩnh vực theo định hướng ban đầu của Chính phủ.

Tuy nhiên, hạn chế của việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là dễ gây méo mó thị trường, làm cho tăng trưởng tín dụng không công bằng ở từng nhóm ngân hàng.

Dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2025 khoảng 16%Phó Thống đốc: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cả năm 2024 là khả thi

Ông Linh cho rằng, cần có lộ trình, các cột mốc cụ thể cho câu chuyện tiến tới bỏ "room" tín dụng, cần công bố rõ ràng cho hệ thống ngân hàng về chính sách một cách nhất quán, minh bạch.

Để tiến tới xóa bỏ việc phân bổ room tín dụng, cần có những phương án thay thế đủ mạnh, đủ tốt. Ông Linh khuyến nghị, cần gia tăng tính an toàn, ổn định của hệ thống ngân hàng hiện có bằng cách phân loại nhóm ngân hàng, tiến tới giải quyết ngân hàng yếu kém, ngân hàng kiểm soát đặc biệt, chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng để các ngân hàng trở nên tốt hơn, mạnh hơn.

Đồng thời cần áp dụng chuẩn mực basel II tiến tới basel III cho từng nhóm ngân hàng đã phân loại, đặc biệt điều tiết tăng trưởng tín dụng dựa trên hệ số an toàn vốn (CAR), hệ số rủi ro quy đổi từ tài sản của các ngân hàng.

NHNN cũng cần có cơ chế giám sát hệ thống ngân hàng hiện đại hơn, cập nhật theo thời gian thực, tránh câu chuyện báo cáo từ dưới lên chứ không kiểm soát từng con số, từ đó hệ thống ngân hàng mới ổn định.

Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 15 – 16% trong 2025 từ mức 15% trong 2024. Theo đó, hoạt động tín dụng có thể được thúc đẩy bởi một số yếu tố bao gồm sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2025 sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động sản xuất và thương mại, nhờ nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục giải ngân đầu tư công cao trong năm 2025 dự kiến sẽ tạo việc làm và hỗ trợ nhu cầu tín dụng, phù hợp với mục tiêu phục hồi kinh tế và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) thì dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục duy trì mức 14 - 15% trong năm 2025. Động lực tăng trưởng đến từ mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn; tín dụng bán lẻ tăng tốc; tín dụng bán buôn duy trì ổn định.