Muôn kiểu 'độ' VinFast VF 3

Admin

29/11/2024 05:30

Mặt ca lăng, giá nóc, ốp mâm hay hệ thống âm thanh là các trang bị thường được chủ xe chọn để cá nhân hóa chiếc VF 3 của mình.

Ngay từ khi những chiếc VinFast VF 3 đầu tiên ra mắt, việc độ xe dần trở thành cái thú của đông đảo chủ xe. Có người chi tới hàng trăm triệu đồng để thỏa mãn đam mê nâng cấp và cá nhân hóa chiếc VF 3 của mình.

Bùng nổ xe "chơi"

Câu chuyện cá nhân hóa không quá xa lạ với cộng đồng người dùng ôtô tại Việt Nam. Tuy nhiên, thú chơi này chưa bao giờ bùng nổ vì những chiếc 4 bánh "thực dụng" được ưa chuộng với những tiêu chí như bền, đẹp và giữ giá.

VF 3 không phải là mẫu xe điện đầu tiên của VinFast, nhưng đây là chiếc ôtô điện rẻ nhất trong dải sản phẩm, cũng là cái tên đi đầu khiến cuộc chơi 'cá nhân hóa" bùng nổ.

Nếu những "anh em" cùng nhà VinFast như VF 6, 7, 8 hay 9 đều được hướng đến cho gia đình đông thành viên thì VF 3 với kích thước nhỏ gọn và hướng đến là mẫu xe cho cá nhân. VF 3 dễ dàng hơn để trở thành "điểm dừng chân" của những người yêu thích nâng cấp, "độ" xe.

VF 3 anh 1

Gian hàng trang bị, phụ kiện VF 3 tại sự kiện. Ảnh: VinFast.

Người dùng từ khi đặt xe tới khi nhận xe đều đã lên kế hoạch để cá nhân hóa chiếc VF 3 của mình, sao cho nó độc đáo, khác lạ so với những chiếc VF 3 khác trên đường, và thể hiện được phong cách riêng. Có người chỉ đơn giản là dán decal, tên riêng hay thêm những màu sắc để chiếc xe thêm nổi bật, có người lại chịu chi với hàng loạt những phụ kiện và trang bị đắt tiền.

Sự thành công của VF 3 ở nhóm xe "chơi" khiến thị trường phụ kiện cũng trở nên sôi động trở lại. Ốp mâm, bọc da đa dạng màu sắc hay đèn LED với nhiều kiểu dáng dần được tìm mua và sử dụng rộng rãi để các chủ xe thỏa thích cá nhân hóa chiếc xe điện của mình.

Vừa qua, ngày hội xe VF 3 được diễn ra tại Ocean Park 2 (Hà Nội) thu hút sự tham gia của hàng loạt chiếc VF 3 của các chủ xe và garage nâng cấp xe cả nước. Cuộc thi "độ" VF 3 cũng được diễn ra tại sự kiện với sự tranh tài của hãng chục chiếc xe điện mini "độc lạ". Nhiều mẫu VF 3 được chủ xe "lột xác" gần như biến thành một phiên bản hoàn toàn mới.

Muôn kiểu "độ" xe

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Lê Tùng Anh, đại diện ban tổ chức và truyền thông của cuộc thi cho biết nhu cầu nâng cấp, độ VF 3 của mỗi người còn phụ thuộc vào sở thích cá nhân, vì vậy những xe được mang đến ngày hội đều có sự khác biệt nhất định.

"Phim cách nhiệt, wrap màu sắc hay decal, da ghế là những trang bị thường được chủ xe lựa chọn nâng cấp", ông Tùng Anh nói thêm.

Chi phí để nâng cấp cho VF 3 cũng là điều khó để đong đếm bởi tùy theo sở thích cá nhân và kinh tế, mỗi chủ xe sẽ có một mức chi phí dành riêng để biến chiếc xe điện mini thành "xe chơi".

Ông Tùng Anh cho biết mức chi phí nâng cấp VF 3 thấp nhất ghi nhận tại ngày hội khoảng 40 triệu đồng. Đặc biệt chủ xe của một chiếc VF 3 khác còn chi đến hơn 300 triệu đồng để "độ" chiếc xe điện mini.

Điều này đồng nghĩa với việc để thỏa sức sáng tạo, chủ xe đã "đắp" thêm lên chiếc VF 3 một số tiền cao hơn giá bán của chiếc ôtô điện này.

Ngoài nâng cấp đèn, thay đổi mặt ca lăng hay dán wrap màu, ốp mâm, nội thất và các công nghệ trong chiếc VF 3 cũng được chủ xe và các "xưởng độ" tập trung phát triển nhằm phù hợp với "thú chơi" và nhu cầu của mỗi người.

Một số xe được gắn thêm camera 360, radar trước sau, độ thêm màn hình sau vô lăng. Thậm chí ở những chiếc VF 3 trưng bày tại sự kiện còn được nâng cấp hệ thống hỗ trợ người lái hay các trang bị an toàn như camera gương hay ADAS...

Tiền "độ" vượt cả tiền xe

Theo ghi nhận của Tri Thức - Znews, các hạng mục trong cuộc thi được phân chia rõ ràng và có các tiêu chí riêng biệt. Không chỉ chấm về thiết kế, độ thẩm mỹ hay khả năng sáng tạo, ban tổ chức còn xem xét đến yếu tố vận hành và khả năng đảm bảo đăng kiểm.

Vì vậy bên cạnh giải "xe độ sáng tạo nhất", chủ xe còn cạnh tranh thêm ở hạng mục "xe thực dụng nhất" hay "âm thanh hay nhất".

Anh Tiến Hưng, chủ của chiếc VF 3 đoạt giải "xe độ độc lạ" tại sự kiện cho biết để đảm bảo các tiêu chí và thực hiện được sở thích, anh đã dành nhiều ngày để nghiên cứu và nâng cấp phuộc hơi cho xe.

"Đây là chi tiết tốn nhiều thời gian, công sức cũng như chi phí nhất vì vừa phải đảm bảo độ an toàn của VF 3, vừa cần tập trung tìm giải pháp cho bầu phuộc hơi hoạt động ổn định", anh Hưng chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Anh Hưng cho biết để hoàn thiện chiếc VF 3 mang đến sự kiện, cơ sở nâng cấp của anh tại Đà Nẵng và các cộng sự đã tập trung nâng cấp và sửa lỗi liên tục. Tổng chi phí cho các trang bị như camera hành trình, bọc da, đèn LED và cả bộ phuộc hơi lên đến hơn 200 triệu đồng.

"Với nhiều người, phuộc hơi là trang bị gây tranh cãi, không hữu ích. Tuy nhiên với tôi, việc nâng cấp chiếc VF 3 là đam mê và trải nghiệm. Tôi cũng không ngại về nguyên bản khi xe đến thời gian đăng kiểm", anh Hưng nói thêm.

Nhìn chung phong trào cá nhân hóa VF 3 là một điểm thú vị trên mẫu xe điện của VinFast. Nó không chỉ cho thấy VF 3 đang dần phổ biến và các chủ xe đều không muốn chiếc xe của mình quá giống với những chiếc VF 3 khác trên đường phố, mà còn tạo một màu sắc thú vị cho cả ngành ôtô Việt Nam.

Có thể sau VF 3 sẽ là nhiều mẫu xe khác của VinFast nói riêng và của toàn thị trường nói chung, tiếp bước theo phong trào cá nhân hóa, khiến thị trường ôtô thêm phần thú vị, và người dùng ngày càng biết "chơi" xe nhiều hơn.

Sách hay đọc trên xe

Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.

Bạn đang đọc bài viết "Muôn kiểu 'độ' VinFast VF 3" tại chuyên mục XE ++.