Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam 2020: "Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử”

17/03/2020 16:30

(Tieudung.vn) - Hôm nay (15/3/2020) là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Chủ đề của năm nay là “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử”.

Ngày Quyền của người tiêu dùng (15/3) hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tại Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2015.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của Covid-19, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay không được tổ chức sôi động như mọi năm. Nhưng quyền của người tiêu dùng thì không chỉ được thực hiện chỉ trong riêng ngày này, mà cần phải được bảo vệ mọi nơi, mọi lúc.

Đặc biệt, trong mùa đại dịch, để hạn chế sự lây lan của virus Corona chủng mới, các hoạt động mua sắm, tập trung đông người cần được hạn chế. Đây cũng là dịp mua sắm online, thương mại điện tử lên ngôi. Ngày Quyền của người tiêu dùng năm 2020 được Bộ Công Thương lấy chủ đề "Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử".

Thông qua chủ đề này, Bộ Công Thương nhấn mạnh và kêu gọi các doanh nghiệp nói chung đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử hãy tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chủ động trong cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất, bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng cũng như tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bộ Công Thương mong nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan để hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 nhằm kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng vào các hoạt động liên quan.

Mặt khác, từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước.

Theo Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về quyền của người tiêu dùng quy định người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản sau đây:

1.  Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

2.  Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

3.  Được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

4.  Được góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

5.  Được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6.  Được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

7.  Được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

8.  Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Trách nhiệm của Người tiêu dùng

Đi đôi với quyền, người tiêu dùng có 2 nghĩa vụ chính được quy định tại Điều 9, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về nghĩa vụ của người tiêu dùng là:

1.  Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

2. Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Bạn đang đọc bài viết "Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam 2020: "Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử”" tại chuyên mục TIÊU DÙNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.