Nghệ An lý giải nguyên nhân "tụt hạng" chỉ số PCI

Admin

10/07/2025 16:17

Chỉ số PCI của tỉnh Nghệ An năm 2024 đạt 66,48 điểm, xếp thứ 44 cả nước, khoảng cách khá xa so với các địa phương như Hải Phòng (top 1) 8,36 điểm, Hưng Yên (top 10) 3,76 điểm…

Lý giải nguyên nhân tụt hạng

Tại phiên chất vấn và trả lời chất tại Kỳ họp thứ 31 của HĐND tỉnh Nghệ An có nhiều đại biểu đặt câu hỏi liên quan đến vấn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khắc phục các hạn chế và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Theo đó, tổng điểm PCI của Nghệ An thời gian qua có chuyển biến nhưng thứ hạng không ổn định. Năm 2021, tỉnh đạt 64,74 điểm, xếp thứ 30 cả nước; Năm 2022 đạt 66,60 điểm, xếp thứ 23 cả nước, tăng 1,86 điểm, tăng 7 bậc so với năm 2021; Năm 2023 đạt 65,72 điểm, xếp thứ 44 cả nước, giảm 0,88 điểm, giảm 14 bậc so với năm 2021; Năm 2024, đạt 66,48 điểm, xếp thứ 44 cả nước, tăng 0,76 điểm, giữ nguyên thứ hạng so năm 2023.

Nghệ An lý giải nguyên nhân "tụt hạng" chỉ số PCI - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên chất vấn.

Chỉ số PCI của tỉnh Nghệ An năm 2024 còn khoảng cách tương đối xa so với các tỉnh, thành tốp đầu cả nước: thấp hơn Hải Phòng (top 1) 8,36 điểm, Bà Rịa - Vũng Tàu (top 5) 4,69 điểm, Hưng Yên (top 10) 3,76 điểm…

Bên cạnh đó, tỉnh còn thiếu mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, còn khoảng cách lớn với các trung tâm kinh tế lớn, nhất là về cảng nước sâu, logistics. Môi trường kinh doanh thiếu bình đẳng, chi phí không chính thức còn cao. Đặc biệt, tiêu chí về thời gian thanh kiểm tra thuế trung bình lên tới 56 giờ/cuộc, cao hơn gấp đôi mức trung bình cả nước. Lao động vẫn chưa có sự ổn định về chất lượng, trong những năm gần đây thiếu hụt về số lượng, trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp FDI tăng.

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn nêu câu hỏi chất vấn, đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ đánh giá rõ hơn về chỉ tiêu đánh giá tính năng động và tiên phong của chính quyền (năm 2024 giảm 0,58 điểm, giảm 5 bậc); những tồn tại hạn chế, nguyên nhân; giải pháp trong thời gian tới để cải thiện thứ bậc một cách bền vững trong điều kiện sắp xếp chính quyền hai cấp.

Nghệ An lý giải nguyên nhân "tụt hạng" chỉ số PCI - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An trả lời chất vấn.

Trả lời về vấn đề đại biểu Sơn nêu, ông Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ thừa nhận, chỉ số đánh giá tính năng động của chính quyền trong Bộ chỉ số PCI của tỉnh Nghệ An năm 2024 giảm 5 bậc, từ 35/63 xuống 40/63 tỉnh, thành trong cả nước. 

Lý giải nguyên nhân "tụt hạng", ông Nguyễn Viết Hưng phân tích, trước hết là do nhận thức, trình độ, năng lực của cán bộ, công chức có những nơi, những lúc có một số bộ phận còn hạn chế. Cùng đó, tính năng động trong quản lý, điều hành của một số cơ quan, đơn vị có nơi, có lúc chưa tốt. 

Bên cạnh đó, thông tin đến doanh nghiệp về các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các chủ trương chính sách của tỉnh đối với doanh nghiệp chưa đến nơi đến chốn, dẫn đến tiếp cận của doanh nghiệp đối với các chính sách của tỉnh còn hạn chế.

Tránh tư duy "doanh nghiệp cần tỉnh hơn tỉnh cần doanh nghiệp"

Đề cập đến giải pháp nâng chỉ số PCI, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Trước hết, tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền công tác cải cách hành chính và nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức.

Thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành bộ tiêu chí đánh giá mới trên cơ sở bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ. Theo đó, bộ tiêu chí đánh giá mới sẽ nêu rõ các thành phần, cách thức và các giải pháp để tăng cường hơn nữa tính minh bạch, công khai cũng như các kế hoạch để tập trung công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

Cùng đó, tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa việc kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện có hiệu quả Luật Chính quyền địa phương 2 cấp và các luật khác nhằm phát hiện những thiếu sót, hạn chế; những điểm yếu trong quản lý, điều hành và phát hiện ra những sai phạm của tổ chức, cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp đối với các cấp chính quyền.

Nghệ An lý giải nguyên nhân "tụt hạng" chỉ số PCI - Ảnh 3.

Tỉnh Nghệ An sẽ tập trung tuyên truyền công tác cải cách hành chính và nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, tăng cường phân công, phân cấp, nêu cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường đối thoại, thông tin đến người dân và doanh nghiệp. Đây được đánh giá là giải pháp cần được tăng cường thực hiện để các chủ trương, giải pháp của tỉnh về thu hút đầu tư đến với người dân và doanh nghiệp. 

Từ đó, người dân và doanh nghiệp sẽ cảm nhận được môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Nghệ An tốt; lãnh đạo tỉnh và cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đến phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư trên địa bàn.

Hơn thế nữa, tỉnh Nghệ An sẽ tập trung chuyển đổi số, nhất là trong bối cảnh thực hiện vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Bởi nếu làm tốt chuyển đổi số thì người dân và doanh nghiệp đến với chính quyền nhanh hơn, giải quyết công việc nhanh hơn.

Ông Nguyễn Viết Hưng cũng nhấn mạnh để cải thiện chỉ số này cần phát huy vai trò của các tổ chức doanh nghiệp - cầu nối giữa chính quyền với doanh nghiệp, với những người quan tâm đến công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, ông Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội về vai trò của Chỉ số PCI. Đây không chỉ là "thước đo sức khỏe" của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, mà còn là kênh cung cấp thông tin để chính quyền cải thiện quản trị và điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Nghệ An lý giải nguyên nhân "tụt hạng" chỉ số PCI - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND lưu ý cần tránh tư duy cho rằng dù PCI thấp nhưng Nghệ An vẫn thu hút FDI tốt, tăng trưởng cao, thu ngân sách vượt chỉ tiêu.

Cùng với các chỉ số như: PAR Index, SIPAS, PAPI hay Chỉ số tăng trưởng xanh, PCI hợp thành bức tranh toàn diện về năng lực điều hành của chính quyền và chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh lưu ý, cần tránh tư duy cho rằng dù PCI thấp nhưng Nghệ An vẫn thu hút FDI tốt, tăng trưởng cao, thu ngân sách vượt chỉ tiêu. Nhận thức này dễ dẫn đến suy nghĩ "doanh nghiệp cần tỉnh hơn là tỉnh cần doanh nghiệp", trong khi ngược lại, chính quyền phải cầu thị, kiến tạo môi trường thuận lợi, lấy sự phát triển của doanh nghiệp làm trung tâm để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Bạn đang đọc bài viết "Nghệ An lý giải nguyên nhân "tụt hạng" chỉ số PCI" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com; phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.