Dù Nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì đặt tại khu 6, xã Phượng Lâu, TP Vịệt Trì, tỉnh Phú Thọ đã quá tải nghiêm trọng so với công suất thiết kế, thế nhưng dự án Nhà máy xử lý rác thải phát điện Trạm Thản với số vốn đầu tư trên 2.200 tỷ đồng sau 2 năm khởi công vẫn chỉ là bãi đất trống.
Người dân "sống mòn" trong ô nhiễm
Nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì thuộc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Xử lý và chế biến chất thải Phú Thọ được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 1998. Theo thiết kế ban đầu, công suất của nhà máy xử lý 20 tấn rác thải một ngày cho địa bàn thành phố Việt Trì. Tuy nhiên, trước yêu cầu về sự phát triển của đô thị, năm 2004, nhà máy đã nâng công suất xử lý lên 60 tấn một ngày bằng nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng tái thiết Đức do Công ty Cấp nước Phú Thọ khi đó làm chủ đầu tư.
Hàng ngày, nhà máy đang tiếp nhận một khối lượng lớn rác thải từ một số huyện, thị như: TP Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Phù Ninh, huyện Lâm Thao... Đến thời điểm hiện tại, tổng lượng rác thải nhà máy phải xử lý đã quá tải so với công suất thiết kế. Điều này dẫn đến những hệ lụy về môi trường như: Ô nhiễm nguồn nước thải; ô nhiễm không khí trong và ngoài khu vực nhà máy.
Nhà máy xử lý rác thải phát điện Trạm Thản dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2019, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất trống. Ảnh: Cao Tuân |
Theo chân hơn chục người dân khu 6, chúng tôi men theo đường mương xả nước thải của Nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì. Ghi nhận thực tế, dọc tường bao nhà máy rác, ở phía bên trong, nước rỉ rác đục bẩn, chảy lênh láng. Khu vực rộng lớn xung quanh nhà máy nồng nặc mùi hôi thối.
Dọc đường mương lộ thiên của Nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì, không khó cảm nhận được sự ô nhiễm do nó gây ra. Nước thải sền sệt tràn ra nương sắn và đồng ruộng xung quanh. Hơn 500m ống dẫn nước thải bằng bạt nhựa mỏng manh là cách mà nhà máy này đang dùng để dẫn những dòng nước thải ô nhiễm chảy qua cánh đồng của xã Phượng Lâu. Để chứng minh độ ô nhiễm từ nước thải của con mương này, một số người dân đã dùng que, dùng cào móc sâu từ dưới mương lên đầy rác, bùn đen và cá chết.
Cùng với việc nhà máy rác gây ô nhiễm triền miên thì việc các xe chở để rơi vãi rác, nước thải dọc đường cũng gây ô nhiễm. Ô nhiễm chồng lên ô nhiễm, đơn thư kêu cứu của người dân cũng chồng lên cao dần.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Phạm Xuân Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Việt Trì cho hay: "Vấn đề ô nhiễm môi trường ở xã Phượng Lâu diễn ra nhiều năm nay rồi, rất bất cập. Lượng rác thải này tích tụ suốt 20 - 30 năm nay dẫn đến quá tải nghiêm trọng. Thành phố chỉ có phương án là khơi thông dòng chảy từ nhà máy chế biến rác thải sau mưa để chảy nhanh. Còn về lâu dài vẫn phải chờ nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tỉnh Phú Thọ tại xã Trạm Thản hoàn thành. Sau đó, toàn bộ khối tượng rác thải phát sinh hàng ngày sẽ được đưa về đấy, đồng thời xem xét từng giai đoạn để chuyển rác ở Phượng Lâu, Việt Trì về nhà máy mới xử lý theo quy trình".
Dự án 2.200 tỉ đồng khởi công xong… để đấy
Nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì đang quá tải và gây ô nhiễm nghiêm trọng đến người dân ở khu 6, xã Phượng Lâu nhưng chưa biết khi nào mới di dời. |
Theo tìm hiểu của PV, dự án Nhà máy xử lý rác thải phát điện Trạm Thản được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 11/9/2017. Với đầu tư hơn 2.200 tỉ đồng, qui mô rộng 10ha, công suất giai đoạn 1 là 500 tấn rác/ngày, dự án được cho là sẽ giữ "ngôi vương" trong lĩnh vực điện rác tại Việt Nam.
Đến ngày 11/10/2017, được sự ủy quyền của UBND tỉnh, Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ đã ký hợp đồng dịch vụ xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện với Công ty TNHH năng lượng môi trường TIANYU Phú Thọ. Tại lễ động thổ ngày 12/10/2017, chủ đầu tư cho biết, Nhà máy sẽ đem lại môi trường xanh – sạch – đẹp, tạo công ăn việc làm và góp phần phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên sau hơn 2 năm, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống cùng với nhiều lo ngại về tính khả thi.
Có mặt tại khu 5 xã Trạm Thản một ngày cuối tháng 3/2020, theo quan sát, nơi được lựa chọn xây dựng nhà máy là một quả đồi thấp đã được lu san bằng phẳng, duy nhất một lối ra vào. Đây cũng là điểm cuối của con đường độc đạo vốn đã gồng gánh tới 3 nhà máy xử lý rác của các công ty môi trường trên địa bàn. Không bảng biển, không bóng người qua lại. Tất cả những gì hiện hữu tại dự án hơn 2.200 tỉ đồng này vẫn chỉ một khu nhà tạm bằng container nằm chơ vơ giữa bãi đất cùng các khối bê tông xếp ngổn ngang lối vào.
Thông tin về sự chậm trễ này, theo Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ, nguyên nhân chính là bởi nhà đầu tư chưa lường hết được khó khăn khi triển khai. Mặt khác, tỉnh Phú Thọ cũng muốn điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và một số cam kết với nhà đầu tư. Vấn đề ở chỗ, ngay tại thời điểm xin chủ trương, Bộ Tài chính đã có những nghi ngại nhất định về năng lực của chủ đầu tư nhưng sau đó, Công ty TIANYU Phú Thọ vẫn được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép cho triển khai dự án(?!).
Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ cho biết, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tỉnh Phú Thọ đưa vào hoạt động sẽ giúp xử lý toàn bộ lượng rác thải phát sinh hàng ngày trên địa bàn cũng như giải quyết bức xúc về ô nhiễm môi trường của người dân ở xã Phương Lâu, TP Việt Trì.
Sở dĩ sau hơn 2 năm làm lễ động thổ, dự án trên vẫn chưa thể khởi công xây dựng do phải tiến hành nhiều thủ tục liên quan đến cấp phép của nhiều bộ, ngành Trung ương, vướng mắc trong nội dung hợp đồng giữa doanh nghiệp và tỉnh Phú Thọ. Hiện tại UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Công ty TNHH năng lượng môi trường TianYu Việt Nam tháo gỡ vướng mắc về các thủ tục liên quan để sớm tái khởi động dự án.
Theo Gia đình & XH