Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao

Admin

10/09/2020 07:10

Mặc dù các thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao đã được các cơ quan chức năng cảnh báo để giúp người dân nâng cao cảnh giác, thế nhưng đến nay, số nạn nhân của các đối tượng này không hề giảm, trong khi các đối tượng liên tục tung ra các thủ đoạn mới càng lúc càng tinh vi hơn...

Nhiều đối tượng người nước ngoài trong nhóm lừa đảo công nghệ cao Cảnh giác với tội phạm lừa đảo công nghệ cao

Chị Trần Thị Nga (ngụ phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết, khoảng giữa tháng 8-2020 chị nhận được cuộc điện thoại, đầu dây bên kia là một giọng nữ xưng tên Hằng là nhân viên của Tập đoàn điện tử Elictronic cho biết, chị Nga có mua các sản phẩm của tập đoàn đúng vào dịp tri ân khách hàng, nên tập đoàn có dành cho chị 2 món quà tặng có giá trị gồm: Thẻ VIP 2 triệu đồng mua sắm tại các hệ thống siêu thị, điện máy, và 1 chiếc điện thoại Samsung S9 Plus.

Theo nữ đối tượng trên do đây là quà tặng là có giá trị trên 10 triệu đồng nên bưu điện yêu cầu công ty phải mua bảo hiểm cho kiện hàng. Vì vậy, khi nhận hàng thấy còn nguyên đai nguyên kiện thì chị hãy nhận, còn nếu bao bì bị xé, rách, thì cần liên hệ lại ngay với nhân viên tập đoàn để được giải quyết, tránh trường hợp bị tráo đổi hàng. Để nhận kiện hàng quà tặng này, chị Nga phải đóng thuế 10% trị giá hàng hóa, phí đo lường sản phẩm, phí hải quan nhập khẩu, với tổng cộng 2.990.000 đồng.

Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao - Ảnh 1.

Nhiều thẻ ATM được dùng để rút tiền lừa đảo đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh thu giữ.

“Tra thông tin trên mạng, tôi thấy không có tập đoàn hoặc sản phẩm điện tử nào mang tên Elictronic, mà chỉ có Electrolux, Electronic. Địa chỉ trụ sở của tập đoàn do Hằng cung cấp cũng không có. Nghi ngờ bị lừa, tôi từ chối nhận hàng vì sợ mất oan 3 triệu đồng. Thế nhưng, nhiều ngày sau đó, ngày nào tôi cũng nhận 2-3 cuộc điện thoại “khủng bố” từ nhân viên “tập đoàn”, họ bảo tôi đã đồng ý nhận hàng rồi, giờ không thể thay đổi vì hàng đã xuất ra thì không thể thu hồi lại được (?).Chị Nga thắc mắc, chị mua 2 sản phẩm của hãng Electrolux, chứ không mua sản phẩm Elictronic, vậy sao Elictronic có quà tặng cho chị? Nhân viên tên Hằng giải thích: Elictronic là tập đoàn điện tử có trụ sở ở Hà Nội. Tập đoàn Elictronic là đầu mối phân phối các sản phẩm điện thoại, tivi, máy giặt, máy lạnh, tủ lạnh... cho các các đại lý và các đại lý sẽ cung cấp danh sách bảo hành của khách hàng cho tập đoàn lưu trữ. Chị Nga mua hàng ở đại lý, nên tập đoàn có thông tin mua hàng của chị Nga.

Thấy vô lý, tôi nói là cho họ số quà tặng đó, nhưng họ đều từ chối và cho rằng, cái họ cần là giao hàng và lấy 2.990.000 đồng từ khách hàng. Chính vì điều này mà tôi càng khẳng định là mình đã bị lừa”, chị Nga chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Thanh (ngụ phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) cho biết, sáng 27-8, anh nhận được một cuộc điện thoại gọi đến có số 024393961xx, đầu dây bên kia một giọng nam xưng là Trung úy Nguyễn Ngọc Tuấn nói: “Đây là số điện thoại bàn của Công an TP Hà Nội, chúng tôi gọi cho anh vì cơ quan Công an đã nhận được đơn khởi kiện của một ngân hàng”.

Theo đó, anh Thanh bị ngân hàng kiện vì anh mở tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt 59 triệu đồng. Đối tượng này cho biết, Công an Hà Nội đã 2 lần có giấy triệu tập anh Thanh đến làm việc, nhưng cả 2 lần anh Thanh đều vắng mặt, và ngày hôm nay là hạn cuối, nếu anh Thanh không có mặt tại trụ sở Công an TP Hà Nội để làm việc thì sẽ bị Công an khám xét và bắt khẩn cấp để điều tra. Hoảng quá, anh Thanh cho biết không nhận được giấy triệu tập nào của cơ quan Công an. Còn việc “triệu tập” hôm nay do quá bất ngờ, gấp gáp, nên anh Thanh không bay ra Hà Nội kịp, xin dời sang ngày hôm sau.

“Trung úy Tuấn” cho biết, thấy anh Thanh thành khẩn, hợp tác, nên cơ quan Công an sẽ linh động lấy lời khai của anh Thanh qua ghi âm điện thoại. Anh Thanh đồng ý. Trong quá trình làm việc, anh Thanh một mực khẳng định, mình không mở tài khoản tại ngân hàng trên, cũng như số tiền 59 triệu đồng trong tài khoản.

“Trung úy Tuấn” khẳng định: Như vậy, thông tin cá nhân của anh đã bị đối tượng khác chiếm dụng, giả mạo anh để mở tài khoản ngân hàng chiếm đoạt tiền. Sự việc này đã trở nên vô cùng nghiêm trọng, bởi không chỉ mạo danh anh để mở tài khoản, có thể các đối tượng còn sử dụng thông tin cá nhân của anh để làm giả các loại giấy tờ khác nên cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Trong khi vẫn chưa hoàn hồn, anh Thanh tiếp tục nhận được một cuộc điện thoại khác xưng là của Công an TP Đà Nẵng thông báo, hiện Công an TP Đà Nẵng đang triệt phá một đường dây đánh bạc trực tuyến, trong quá trình kiểm tra xác minh thì phát hiện anh Thanh có đăng ký 1 thẻ hội viên và liên kết với một tài khoản Ngân hàng Agribank. Công an TP Đà Nẵng đã nghi ngờ anh Thanh có tham gia đánh bạc nên yêu cầu anh chuyển tất cả số tiền anh có vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra để xác minh.

Kết quả xác minh xác định được số tiền này không liên quan đến vụ án thì sẽ hoàn trả lại đầy đủ cho anh. Quá lo sợ, ngay trong ngày anh đã đi rút gần 300 triệu đồng chuyển vào tài khoản do “Công an” cung cấp. Hôm sau, chưa kịp thức dậy, anh đã liên tục nhận những cuộc điện thoại hối thúc anh phải đi rút hết tiền để chuyển ngay vào tài khoản của “cơ quan điều tra”.

Thấy nghi ngờ, anh Thanh đến ngân hàng để hỏi số tiền anh đã chuyển thì nhân viên ngân hàng cho biết anh đã bị lừa. Những trường bị lừa như anh xảy ra khá phổ biến, ngân hàng cũng đã dán cảnh báo trước cửa, hoặc tại quầy giao dịch nhưng hầu như khách hàng đều không để ý.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, tình trạng các đối tượng giả danh Công an, Viện KSND, Toà án, Hải quan, bưu điện, ngân hàng, viễn thông, giao hàng... xảy ra khá phổ biến trong thời gian qua. Mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo nhưng số nạn nhân vẫn không giảm, một mặt do người dân vẫn thiếu cảnh giác, mặt khác do các đối tượng thường xuyên thay đổi thủ đoạn. Vì vậy, để tránh bị lừa, theo khuyến cáo của Công an TP Hồ Chí Minh, những trường hợp đầu số lạ gọi đến thông báo có hộp quà, nợ cước điện thoại, nợ tiền ngân hàng... thì người dân tuyệt đối không tin.

Còn trường hợp người xưng là cán bộ các cơ quan công quyền như Công an, Viện KSND, Toà án, gọi đến để điều tra, xác minh thì đó chính là lừa đảo. Bởi, cơ quan công quyền sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập đến địa chỉ của người liên quan, tuyệt đối không làm việc qua điện thoại. Gặp trường hợp như vậy, đề nghị người dân báo ngay với cơ quan Công an gần nhất.

Bạn đang đọc bài viết "Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao" tại chuyên mục CÔNG NGHỆ.