Quả ngọt của TTC Group: Mang tên Nông nghiệp và Năng lượng
Đại diện của Ngành nông nghiệp, Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS, HOSE: SBT), một trong những trụ cột của hệ sinh thái Tập đoàn TTC đã có một năm tăng trưởng khả quan khi Doanh thu thuần niên độ 2022-2023 lần đầu tiên vượt mốc tỷ USD, đạt 24.743 tỷ đồng (~1 tỷ USD), tăng 35% so với cùng kỳ, hoàn thành 145% kế hoạch năm. Sản lượng tiêu thụ Đường năm thứ 4 liên tiếp đạt hơn 1 triệu tấn, đồng thời, đơn vị này cũng chinh phục thành công trên 50 thị trường xuất khẩu, tăng trưởng hơn 70% so với niên độ trước và có thể nói TTC AgriS đang là cái tên duy nhất có thể mang Đường thương hiệu Việt đi khắp các thị trường trên thế giới.
Nổi lên là một trong những doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao phát triển bền vững, trong những năm gần đây, TTC AgriS đã có nhiều sự thay đổi lớn. Điển hình, từ tháng 10/2022, Công ty này chính thức chuyển đổi mô hình kinh doanh và quản trị từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp Sản xuất - Xuất Nhập khẩu - Thương mại dịch vụ Nông nghiệp trên nền tảng phát triển đa quốc gia, với các mũi nhọn: Trung tâm kinh doanh tích hợp (Commercial Center) có hàm lượng công nghệ cao, Chuỗi cung ứng hiện đại tích hợp, Vùng nguyên liệu xanh bền vững, Tuân thủ liên tục bộ tiêu chí quản trị doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc chuyển đổi này đưa TTC AgriS tham gia sâu rộng vào chuỗi nông nghiệp quốc tế.
Những năm gần đây, TTC AgriS đã nhanh chóng phát triển thành công danh mục sản phẩm, chuyển dịch tích trong tỷ trọng cơ cấu sản phẩm hướng đến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các dòng sản phẩm nước uống dinh dưỡng, đây là bước đi chiến lược quan trọng để Công ty này bám sát mục tiêu trở thành Nhà cung cấp giải pháp nông nghiệp công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị Thực phẩm và Đồ uống (Food & Beverages) toàn cầu, đẩy mạnh mảng kinh doanh F&B; qua đó hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ, mở khoá tiềm năng các thị trường tiêu dùng mới, hướng tới mục tiêu đạt mức doanh thu 60.000 tỷ đồng năm 2030.
Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng của mảng Nông nghiệp, mảng Năng lượng tái tạo của tập đoàn TTC - Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC, HOSE: GEG) cũng cho thấy những kết quả khả quan dù chỉ mới chú trọng trong ít năm gần đây. Được thành lập năm 1989, GEC chính thức trở thành một thành viên của tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành TTC Group và được kỳ vọng trở thành một trong các doanh nghiệp tiên phong phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. Cuối năm 2019, GEC đứng đầu danh sách các công ty cung cấp điện mặt trời áp mái với công suất lên đến 50 MWP. Hiện Ngành Năng lượng TTC dẫn đầu về các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, cũng như đi đầu về sản xuất điện sinh khối trong cả nước. Kiên định với mục tiêu Dịch chuyển Năng lượng Xanh, các giải pháp GEC cung cấp đều tập trung cho bài toán thiếu hụt năng lượng với giá trị kinh tế cao, lâu dài và bền vững. Ngoài phân phối trang thiết bị chủ lực của điện năng lượng mặt trời áp mái như pin, inverter, thiết bị lưu trữ, đèn năng lượng mặt trời,… Công ty này hiện đang là tổng thầu EPC uy tín của nhiều dự án trong và ngoài nước từ quá trình thiết kế, mua sắm vật tư thiết bị cho đến thi công xây dựng, chạy thử và đảm bảo chất lượng cho từng công trình. Tiêu biểu, doanh nghiệp này cũng cung cấp mô hình ESCO đầu tư điện mặt trời 0 đồng; đi kèm dịch vụ O&M bảo hành, bảo trì trong quá trình vận hành hệ thống; đem đến giải pháp tối ưu năng suất và sản lượng để hệ thống điện mặt trời vận hành ổn định và đạt năng suất tối đa... Duy trì kết quả kinh doanh khá khả quan với doanh thu thuần hợp nhất 2023 tăng nhẹ 3%, đạt 2.163 tỷ đồng, GEC ghi nhận những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế quốc gia trong bối cảnh Ngành Điện 2023 đối mặt khó khăn thách thức trên nhiều phương diện. Lũy kế giai đoạn 2010-2023, GEC cung cấp 6,6 tỷ kWh Điện thương phẩm vào lưới điện Quốc gia, tương đương cung ứng Điện cho khoảng 3 triệu hộ gia đình, góp phần giảm phát thải Khí Nhà kính lên mức 6 triệu tấn CO2, tương đương 2,2% giảm phát thải Khí Nhà kính của Việt Nam trong năm 2022 - 272 triệu tấn. Có thể nói, với xu thế hiện nay của thế giới về mảng năng lượng tái tạo, sự gia nhập ngành năng lượng của TTC Group là đúng thời điểm và phù hợp với bối cảnh.
Hai ngành sơ khởi là Giáo dục và Dịch vụ của hệ sinh thái TTC Group bước đầu để lại những dấu ấn nhất định trong năm 2023. Sở hữu trường đại học Yersin Đà Lạt, TTC Group bắt đầu công cuộc đào tạo và nuôi dưỡng nhân tài kế cận tạo ra một nguồn lực lao động tiềm năng. Ngành Dịch vụ (TTC Hospitality) hiện sở hữu 12 khách sạn và resort tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao. Trong năm 2023, hai ngành này của hệ sinh thái TTC Group chưa có những đóng góp lớn cho sự phát triển chung nhưng ít nhiều cho thấy sự nỗ lực của tập đoàn này vào việc vươn dài cánh tay sang những lĩnh vực khác.
Quả đắng đến từ Bất động sản: Dính nhiều sai phạm và lao dốc không phanh
Tình hình chung năm 2023 của tập đoàn TTC tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định và giữ vững vị thế của mình đối với nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh những ngành phát triển vượt trội giúp đảm bảo cân bằng cho sự ổn định của tập đoàn như Nông nghiệp và Năng lượng, mảng Bất động sản (Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land, HOSE: SCR) lại không được “sáng’’ như màu xanh đặc trưng của ngành.
Năm 2023, TTC Land ghi nhận dòng tiền âm kỷ lục và lợi nhuận giảm hơn 90%. Trong quý cuối năm 2023, lợi nhuận gộp mà TTC Land tạo ra không đủ để chi trả các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Công ty chỉ thoát khỏi tình trạng lỗ chủ yếu do việc ghi nhận doanh thu tài chính tăng, đồng thời chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại hơn 5,7 tỷ đồng. TTC Land được điều hành và quản lý bởi ông Đặng Hồng Anh kể từ năm 2017.
Mặc dù, năm 2023 là năm không mấy khả quan đối với thị trường bất động sản nhưng thị trường đã dần ấm lên và từng bước phục hồi vào giai đoạn quý 3, quý 4. Tuy nhiên, TTC Land không cải thiện tình hình do kết quả kinh doanh kém kéo dài nhiều năm liền từ trước đó do liên tục dính những sai phạm như không công bố thông tin đúng thời hạn, nhiều dự án thu hồi giấy phép, các dự án bị thanh tra,....
Việc TTC Land thường xuyên gặp các vấn đề về pháp lý cũng như tình hình kinh doanh “bết bát” gần đây dấy lên sự nghi ngờ về năng lực quản lý và chiến lược phát triển lâu dài của công ty này trong hệ sinh thái tập đoàn TTC. Đồng thời, ông Đặng Hồng Anh vừa nắm quyền hành của TTC Land vừa là chủ tịch HĐQT của DHA Corporation – một công ty Bất động sản chưa niêm yết nằm ngoài hệ sinh thái tập đoàn TTC. Trong những năm gần đây, DHA Corp có kết quả kinh doanh lao dốc tương tự như TTC Land, điều này khiến các cổ đông, nhà đầu tư lo ngại cho tương lai của mảng bất động sản trong tập đoàn TTC, đồng thời đặt ra câu hỏi tính minh bạch, rủi ro xung đột lợi ích khi người đứng đầu nắm quyền ở cả hai doanh nghiệp.
Tổng kết năm 2023 của TTC Group trong bức tranh tổng thể có những mảng màu tươi sáng và đầy hi vọng của Nông nghiệp, Năng lượng, Du lịch và Giáo dục. Tuy vậy vẫn tồn tại màu xám xịt như tình hình kinh doanh bất động sản “ngấp nghé” vực sâu của TTC Land với khả năng phục hồi còn xa vời do năng lực yếu kém và những sai phạm trước đó.