'Những ai kiên trì, làm bài bản sẽ có lợi trong cuộc chơi TMĐT'

Admin

02/04/2025 20:30

Ông Trần Lâm, chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) cho rằng những thay đổi đã và đang diễn ra giúp thị trường phát triển bền vững hơn.

Vài năm trở lại đây, thị trường TMĐT Việt Nam chứng kiến hàng loạt thay đổi, từ sự xuất hiện của các nhà bán hàng quốc tế, sàn TMĐT ngoại, những hình thức kinh doanh mới cho đến những xáo trộn về chính sách của sàn và cơ quan quản lý.

Tri Thức - Znews có cuộc trao đổi với ông Trần Lâm - nhà sáng lập thương hiệu Julyhouse và Macaland, người đồng thời được xem là một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực TMĐT - để tìm hiểu rõ hơn về những biến chuyển này.

- Một câu chuyện được quan tâm thời gian gần đây là sự thay đổi chính sách từ các sàn TMĐT. Ông đánh giá như thế nào về việc kinh doanh trên môi trường TMĐT thời gian tới?

- Chính sách của các sàn TMĐT đã thay đổi mạnh trong 2-3 năm qua. Ngoài điều chỉnh chi phí bán hàng trên sàn, bao gồm phí hoa hồng, vận hành, quảng cáo, thì các quy định về đổi/trả hàng, xử lý đơn và đánh giá gian hàng cũng ngày càng chặt chẽ hơn.

Với người mua, những thay đổi này giúp họ có trải nghiệm tốt hơn, hàng hóa được kiểm soát chất lượng, dịch vụ hậu mãi rõ ràng, giảm rủi ro khi mua trực tuyến. Đổi lại, giá sản phẩm có thể cao hơn do nhà bán phải tính toán lại biên lợi nhuận.

Do đó, về phía nhà bán hàng, áp lực là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực, thị trường đang yêu cầu người bán hàng phải chuyên nghiệp hơn.

Những nhà bán nghiêm túc sẽ có cơ hội tiếp cận khách hàng chất lượng hơn, tỷ lệ quay lại cao hơn. Ngược lại, nhóm bán hàng kém chất lượng, tư duy “chộp giật” khó có thể tồn tại lâu.

Thực tế cho thấy sự gia tăng về chi phí cũng như áp lực cạnh tranh, trong khi thiếu chuẩn bị và kiến thức về TMĐT đã khiến nhiều nhà bán buộc phải rời sàn trong thời gian qua, đặc biệt là những người lên sàn với tâm thế thử nghiệm, ngắn hạn, không đầu tư nghiêm túc mà đơn thuần chạy theo xu hướng.

san tmdt tang phi,  phi san tmdt,  chuyen gia tran lam anh 1

Chính sách của các sàn TMĐT đã thay đổi mạnh trong 2-3 năm qua. Ảnh: Phương Lâm.

- Như ông nói, áp lực là điều không thể tránh khỏi. Vậy, ông có lời khuyên nào cho các nhà bán hàng trong bối cảnh này?

- Tôi nghĩ rằng nhà bán hàng cần thay đổi cách vận hành để tối ưu chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Trong ngắn hạn, cần tối ưu vận hành như kiểm soát tồn kho, cải thiện quy trình đóng gói, giao nhận để cắt giảm chi phí không cần thiết. Hãy tập trung vào sản phẩm chủ lực thay vì dàn trải danh mục.

Ngoài ra, có thể tận dụng các công cụ sẵn có trên sàn như voucher đồng tài trợ, flash sale hay livestream miễn phí để tiết kiệm chi phí quảng cáo. Mặt khác, nhà bán hàng cũng nên tập trung xây dựng các kênh đem lại truy cập tự nhiên hay chi phí thấp để tăng tính cạnh tranh, tận dụng nguồn lực có sẵn để giảm chi phí bán được một đơn hàng.

Về dài hạn, nhà bán cần đầu tư vào thương hiệu và tệp khách hàng trung thành, đồng thời hướng tới mô hình đa kênh, tức phát triển thêm các nền tảng khác như mạng xã hội và website để chủ động hơn trong kinh doanh.

Cũng cần lưu ý rằng việc chạy theo giá rẻ không phải là chiến lược bền vững. Chỉ những ai thực sự đầu tư vào thương hiệu và trải nghiệm khách hàng mới có thể duy trì lợi nhuận lâu dài.

Chỉ những ai thực sự đầu tư vào thương hiệu và trải nghiệm khách hàng mới có thể duy trì lợi nhuận lâu dài

Ông Trần Lâm - nhà sáng lập thương hiệu Julyhouse và Macaland, chuyên gia TMĐT

- Cụ thể hơn, nhà bán hàng nên đầu tư vào thương hiệu và trải nghiệm khách hàng như thế nào?

- Trước tiên, tôi muốn khẳng định lại rằng để trụ vững trên sàn TMĐT hiện nay, nhà bán hàng cần thay đổi tư duy. Quan trọng nhất là chuyển từ tư duy bán hàng sang tư duy làm thương hiệu, tránh cạnh tranh bằng giá rẻ mà phải khiến khách hàng nhớ đến mình vì chất lượng, dịch vụ và trải nghiệm.

Muốn vậy, đầu tư vào đội ngũ và công nghệ là bắt buộc. Ngay cả cửa hàng nhỏ cũng cần biết phân tích dữ liệu để hiểu hành vi khách hàng, tối ưu nội dung để tăng tỷ lệ chuyển đổi và đánh giá hiệu quả quảng cáo thay vì chạy theo cảm tính.

Mặt khác, đối với tôi, kiên nhẫn và chuyên nghiệp là hai từ khóa quan trọng. TMĐT không còn là cuộc chơi đơn giản. Nếu không hiểu hệ sinh thái gồm sản phẩm, logistics, nội dung, chăm sóc khách hàng và thuật toán, người bán sẽ mãi loay hoay với bài toán giá cả và phí sàn.

Những ai kiên trì, làm bài bản chắc chắn sẽ có lợi thế trong cuộc chơi TMĐT ngày càng khốc liệt này.

- Một thay đổi khác đối với thị trường TMĐT thời gian tới là Luật Quản lý thuế (sửa đổi), yêu cầu các sàn TMĐT và nền tảng số sẽ phải khấu trừ, nộp thuế thay người bán đối với mỗi giao dịch. Theo ông, quy định mới này sẽ tác động như thế nào?

- Việc sàn TMĐT trực tiếp khấu trừ và nộp thuế thay sẽ giúp nhà bán hàng bớt đi một mối lo.

Thực tế, một trong những khó khăn lớn nhất đối với người kinh doanh trực tuyến lâu nay là thiếu kiến thức và thông tin rõ ràng về chính sách thuế. Nhiều nhà bán, đặc biệt là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, thậm chí không thực sự hiểu mình cần nộp những loại thuế nào, cách kê khai ra sao hay hồ sơ cần những gì. Họ không có đội ngũ kế toán hay pháp lý hỗ trợ nên rất dễ gặp sai sót hoặc chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

Thêm vào đó, quy trình kê khai thuế hiện nay còn khá thủ công, tốn nhiều thời gian và dễ dẫn đến các vấn đề phát sinh. Đối với các nhà bán hàng nhỏ lẻ, việc dành thêm thời gian để tìm hiểu và xử lý thuế vụ cũng là một áp lực không nhỏ.

Sắp tới khi quy định được áp dụng, việc sàn khấu trừ và nộp thay giúp đơn giản hóa quy trình cho nhà bán hàng. Khi không còn phải lo lắng về kê khai thuế, người bán có thể tập trung nhiều hơn vào việc tối ưu sản phẩm, chăm sóc khách hàng và xây dựng thương hiệu. Đây là những yếu tố then chốt để phát triển kinh doanh bền vững trong môi trường TMĐT ngày càng cạnh tranh.

Ngoài ra, quy định mới cũng góp phần quan trọng trong việc minh bạch hóa nghĩa vụ thuế và tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng hơn. Khi thuế được khấu trừ và nộp theo cơ chế tự động, mọi nhà bán dù lớn hay nhỏ đều có trách nhiệm thuế như nhau, xóa bỏ tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khi có người lách luật, trốn thuế để giảm giá thành.

Về lâu dài, chính sách này không chỉ giúp gia tăng tính minh bạch mà còn nâng cao uy tín của thị trường TMĐT. Khi nghĩa vụ thuế được thực hiện nghiêm túc, người tiêu dùng cũng có thể yên tâm hơn khi mua sắm trực tuyến, đồng thời khuyến khích các nhà bán hàng đầu tư bài bản bởi họ biết mình đang hoạt động trong một sân chơi công bằng.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.