Những bước 'thụt lùi' sau cổ phần hóa

Admin

26/08/2020 14:58

Từng là thương hiệu xây lắp có uy tín, với loạt công trình quy mô lớn như Nhà thi đấu đa năng TP.Đà Nẵng (giá trị hợp đồng 926 tỷ đồng), dự án 165 Thái Hà (958 tỷ đồng), Nhà thi đấu TDTT Nam Định (741 tỷ đồng), Dự án Khu nhà máy chính và khu hành chính - Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (1.447 tỷ đồng)..., nhưng từ năm 2016 đến nay, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Sông Hồng gặp nhiều khó khăn, gần như không triển khai thêm dự án đầu tư nào, không có hợp đồng thi công xây lắp mới.

"Gánh nặng" nợ nần

Thực tế, trong vòng 10 năm trở lại, hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty Sông Hồng liên tục đi xuống. Nếu như năm 2012, doanh thu đạt 1.484 tỷ đồng, năm 2013 giảm xuống còn 1.336 tỷ đồng, thì tới năm 2019 rớt xuống còn vỏn vẹn hơn 63,1 tỷ đồng. Tỷ lệ thuận với sự lao dốc của doanh thu là sự đi xuống của lợi nhuận, tính đến hết quý I/2020, Tổng công ty đã lỗ luỹ kế tăng lên hơn 683,2 tỷ đồng.

Tổng tài sản tính tới hết ngày 31/3/2020 của Tổng công ty Sông Hồng là hơn 1.444 tỷ đồng nhưng chủ yếu là khoản phải thu và hàng tồn kho chiếm tới 84,6%. Nợ phải trả ngắn hạn ghi nhận 1.678 tỷ đồng, trong khi giá trị tài sản ngắn hạn của Tổng công ty chỉ đạt 967,2 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc Tổng công ty đang mất khả năng thanh toán nghiêm trọng.

Không chỉ vậy, Tổng công ty Sông Hồng đang vướng vào các rắc rối pháp lý khi phải thi hành án đã có hiệu lực pháp luật liên quan đến vụ việc OceanBank khởi kiện, buộc Tổng công ty Sông Hồng phải trả nợ vay thi công công trình nhiệt điện Vũng Áng 1 với số tiền cả gốc và lãi lên tới 470 tỷ đồng.

co-phieu-doanh-nghiep-nha-nuoc-5443-1598

Dù đã tiến hành cổ phần hoá nhưng lượng vốn sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chiếm áp đảo khiến cổ phiếu trên sàn kém hấp dẫn.

Tương tự, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam-CTCP (Lilama) cũng là một doanh nghiệp nhà nước đã được Bộ Xây dựng hoàn thành công tác cổ phần hoá từ tháng 4/2016 với số vốn điều lệ gần 797,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của Lilama được kiểm toán bởi Deloitte Việt Nam, doanh thu năm 2019 là 7.042 tỷ đồng, giảm 47,5% so với doanh thu năm 2018 là 13.412 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế năm 2019 âm 86 tỷ đồng.

Hay như trường hợp của Tổng công ty Sông Đà - CTCP, ấn tượng với các nhà đầu tư trong những năm gần đây là hoạt động sản xuất, kinh doanh không mấy sáng sủa với những khoản nợ hàng chục nghìn tỷ đồng bủa vây.

Cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất của Tổng công ty Sông Đà cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 2.910 tỷ đồng, giảm 8,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt gần 26, 6 tỷ đồng, giảm gần 66% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Tính đến ngày 30/6/2020, tổng tài sản của Tổng công ty Sông Đà ghi nhận 26.915 tỷ đồng, trong đó nợ phải chiếm 72,4% với 19. 482 tỷ đồng. Các khoản nợ vay tài chính cả ngắn và dài hạn lên tới 12.282 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu (7.433 tỷ đồng).

Cổ phiếu mất thanh khoản

Tổng công ty Sông Hồng tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 11/2009 với giá khởi điểm 14.000 đồng/cp. Tại thời điểm đó, nhà đầu tư sẵn sàng chi ra gần 150 tỷ đồng để mua 6,7 triệu cổ phần chào bán, tương đương 22.290 đồng/cp.

Sau khi hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, tháng 4/2015, Sông Hồng đã niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCoM với mã chứng khoán là SHG với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 9.700 đồng/cp, khối lượng giao dịch đạt 30.000 đơn vị.

Tuy nhiên, sau đó mã cổ phiếu này giao dịch thưa thớt, thị giá hiện tại chỉ còn 2.300 đồng/cp và bị mất thanh khoản do nằm trong diện hạn chế giao dịch vì chậm công bố thông tin.

Tính đến phiên giao dịch ngày 21/8/2020, cổ phiếu SJG của Tổng công ty Sông Đà - CTCP đang có mức giá 4.800 đồng/cp, giảm 56,8% so với mức giá chào sàn 11.100 đồng/cp (năm 2018) và thuộc nhóm "cổ phiếu trà đá".

Không chỉ giao dịch dưới mệnh giá, cổ phiếu SJG cũng đang gặp vấn đề về thanh khoản khi thường xuyên có những phiên không có giao dịch. Lượng cổ phiếu giao dịch trung bình trong gần 8 tháng vừa qua chỉ đạt hơn 586 đơn vị.

Thực tế, việc thị trường không mặn mà với cổ phiếu SJG là điều dễ hiểu, bởi ngay từ đợt IPO, "ông lớn" này đã ế nặng cổ phần với lượng đăng ký mua chỉ đạt 0,3% lượng chào bán, tương đương số tiền thu về chưa đên 9 tỷ đồng.

Cũng rơi vào tình trạng tương tự, nhiều thương hiệu đình đám một thời nhưng đang có dấu hiệu lụi tàn như CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico). Cổ phiếu HNR đã từng được đại gia ngoại mua 30% cổ phần với mức giá 200.000 đồng/cp nhưng đến nay cổ phiếu này chỉ còn 12.000 đồng/cp và hoàn toàn không có giao dịch.

Trên đây chỉ là một số ví dụ điển hình của thực trạng doanh nghiệp không có nhiều biến động tích cực nào về tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp sau cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước.

Thế nhưng nếu xem xét kỹ có thể thấy nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hấp dẫn của các cổ phiếu các doanh nghiệp này là dù đã cổ phần hoá nhưng lượng sở hữu của Nhà nước vẫn chiếm áp đảo như tại Tổng công ty Sông Hồng, Sông Đà là hơn 49%, tại Lilama là 97,88%...

Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nhà nước không có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản trị nhân sự - yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động. Do đó, để công tác thoái vốn đạt được hiệu quả như kỳ vọng cần có cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm khó khăn vướng mắc để thoái vốn một cách nhanh nhất.

Minh Khuê

Bạn đang đọc bài viết "Những bước 'thụt lùi' sau cổ phần hóa" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN.