Ninh Thuận: Liên tiếp khánh thành nhà máy điện mặt trời

Admin

11/11/2020 08:38

Với hàng loạt dự án nhà máy điện mặt trời vừa đi vào hoạt động, Ninh Thuận xác định phương hướng trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Quy mô đầu tư lớn

Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có 2 nhà máy điện mặt trời có giá trị đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Cuối tháng Mười vừa qua, nhà máy điện mặt trời Hà Đô Ninh Phước với công suất 50 MWp sau hơn 1 tháng vận hành đã hòa lưới điện quốc gia.

Cơ sở nằm trên địa bàn xã Phước Thái và Phước Vinh (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) có diện tích 58,7 ha, với tổng mức đầu tư 1.079 tỷ đồng.

Đây là dự án sử dụng công nghệ hiện đại và tiên tiến bậc nhất hiện nay với hệ thống giá xoay theo công nghệ của Ideematec (Đức), được thiết kế xoay theo hướng nắng với biên độ góc thay đổi 110 độ, giúp cho các tấm pin khai thác tối đa lượng bức xạ mặt trời, mang lại sản lượng điện năng cao hơn 19,5% so với giá đỡ cố định thông thường; có khả năng chống chịu được sức gió bão mạnh cấp 12.

Đồng thời, hệ thống giá xoay dài và hiện đại giúp cho việc thi công bám sát và không làm thay đổi địa hình thực tế nên không phá vỡ môi trường tự nhiên.

Đầu tư - Ninh Thuận: Liên tiếp khánh thành nhà máy điện mặt trời

Dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đang có quy mô lớn nhất cả nước và Đông Nam Á.

Cũng trong tháng Mười, dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW lớn nhất cả nước và Đông Nam Á cùng hệ thống trạm biến áp, truyền tải 500kV đầu tiên do tư nhân đầu tư đã khánh thành sau 102 ngày đêm thực hiện.

Trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500 kV kết hợp nhà máy nằm tại tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận do công ty CP đầu tư và xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đầu tư với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng.

Dự án được triển khai trên diện tích 557,09ha, trong đó có hơn 17km đường dây truyền tải 500kV, 220kV kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Ngoài việc khai thác hơn 1 tỷ kWh từ nguồn năng lượng tái tạo (năm đầu tiên 1,2 tỉ kWh), dự án này sẽ góp phần quan trọng khi giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và duyên hải Nam Trung Bộ.

Bứt phá cho kinh tế địa phương

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc phát triển các dự án điện mặt trời trong thời gian quan qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển bứt phá, hiệu quả.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu tác động kép của đại dịch Covid-19 và hạn hán trên diện rộng nhưng tổng sản phẩm của tỉnh Ninh Thuận vẫn tăng 11%, thu ngân sách địa bàn đạt 90% kế hoạch và trở thành một trong những địa phương có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước.

Bên cạnh kiến nghị EVN sớm tiếp nhận bàn giao trạm biến áp và đường dây 500kV theo đúng quy định, ông Vĩnh cũng đề xuất các bộ ngành xem xét cho doanh nghiệp được hưởng giá mua điện ưu đãi, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Đầu tư - Ninh Thuận: Liên tiếp khánh thành nhà máy điện mặt trời (Hình 2).

Ninh Thuận xác định phương hướng trở thành trung tâm năng lượng tái tạo với quy mô lớn.

Theo Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước 1/1/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW sẽ được ngành điện mua điện với giá 9,35 cent/kWh.

Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định đầu tư cho 34 dự án, với tổng công suất 2.343MW, tổng vốn đầu tư hơn 62.000 tỷ đồng.

Đến nay, địa phương đã có 31 dự án đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất khoảng 2.123 MW.

Dự kiến đến tháng Mười Một, sẽ tiếp tục có 1 dự án đưa vào vận hành với công suất 50 MWp. Qua đó, nâng tổng số dự án đưa vào vận hành thương mại đến cuối năm 2020 là 32 dự án, với tổng công suất khoảng 2.163 MW.

Định hướng này tạo động lực để phát triển thị trường bất động sản, công nghiệp xây dựng, thương mại, dịch vụ của tỉnh, khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất hoang hóa, khô cằn, góp phần phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ quản lý, vận hành nhà máy năng lượng kết hợp phục vụ hoạt động sản xuất và nhu cầu đi lại của người dân.