Dù nhiều hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng tuy nhiên trong báo cáo 6 tháng, Viettel vẫn hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra, trong khi xu hướng thế giới giảm chi tiêu về viễn thông, CNTT.
Những tháng đầu năm, nhờ đẩy mạnh các dịch vụ phục vụ khách hàng trong xu thế chuyển đổi số, lấy nhu cầu của khách hàng làm trung tâm, doanh thu của Tập đoàn Viettel đạt 120 ngàn tỉ đồng, tăng 9,1 % so với cùng kỳ: lợi nhuận trước thuế đạt 19,85 ngàn tỉ đồng, khoảng 110,2% kế hoạch. Trong đó doanh thu từ các dịch vụ mới trên nền tảng số tăng trưởng 57% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng các dịch vụ dành cho khách hàng cá nhân trên nền tảng số đã đem về doanh thu 2,4 ngàn tỉ đổng, tăng trưởng 60%.
Diễn biến phúc tạp của Covid-19 khiến Viettel cũng đẩy mạnh tương tác khách hàng trên kênh số thay cho kênh truyền thống; các dịch vụ mới có tỉ lệ tương tác với khách hàng trên 90% trên kênh số. Nhờ đã áp dụng số hóa vào hoạt động chăm sóc khách hàng, tỉ lệ hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ viễn thông đã tăng từ 87,92% (năm 2019) lên 90,02% (năm 2020). Viettel chủ động chuyển tương tác khách hàng lên hệ thống Chatbot My Viettel tới khoảng 25 ngàn lượt/ngày (đạt tỉ lệ 95%). Bên cạnh đó, Viettel cũng tập trung phát triển đối tác online phục vụ Khách hàng mua sắm tại nhà, tỉ lệ voucher mua sắm online phục vụ nhu cầu KH đạt 1.300 voucher, chiếm 50% trên Viettel++.
Viettel đẩy mạnh hoàn thiện và đưa vào kinh doanh các dịch vụ Cloud như dịch vụ giám sát và xử lý ATTT mạng trên nên tảng điện toán đám mây; hệ sinh thái các sản phẩm trên nền tảng Cloud (Cloud server, Cloud PC, Cloud Camera…); Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới AI vào hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh, trải nghiệm khách hàng.
Viettel cũng hợp tác cùng các chuyên gia chuyển đổi số để tư vấn cho khách hàng trong thực hiện chuyển đổi số; xây dựng các nhóm chuyên trách về nghiên cứu chuyển đổi số để tư vấn cho các doanh nghiệp…
Vào đầu tháng 8-2020, Viettel được Asia’s Most Prestigious Leadership & Sustainability Award - ACES công bố là Doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất châu Á dựa trên sức tăng trưởng, nhân lực, mức độ sáng tạo, tầm ảnh hưởng của thương hiệu tại châu Á và mức độ cam kết đối với các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG), chi tiêu cho CNTT trên toàn thế giới dự kiến giảm 5,1% trong năm nay, còn chi tiêu cho viễn thông giảm gần 1%. Cũng theo báo cáo này, những cái tên lớn nhất của ngành viễn thông nằm trong top 30 của danh sách 150 nhà mạng có giá trị lớn nhất thế giới 2020 do Brand Finance xếp hạng phần lớn đều chịu thiệt hại trong thời điểm này (China Mobile ghi nhận mức sụt giảm 2% tổng doanh thu, lợi nhuận ròng quý I-2020, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước; AT&T báo cáo đã không đạt mục tiêu doanh thu và thu nhập trong quý I--2020, với mức giảm lên tới 4,6%; Telefonica thậm chí còn giảm 10% doanh thu, lợi nhuận giảm tới 53%...).