Nội bộ cố vấn ông Trump mâu thuẫn về chính sách thuế quan

Admin

13/01/2025 07:00

Những cuộc tranh luận trong đội ngũ cố vấn của ông Trump cho thấy con đường hiện thực hóa chính sách thuế quan cứng rắn để bảo vệ nền sản xuất của nước Mỹ sẽ không hề dễ dàng.

Ông Trump cùng các lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức trong một sự kiện ký cam kết thuế quan ở nhiệm kỳ đầu tiên. Ảnh: Reuters.

CNN đưa tin theo nhiều nguồn tin từ nội bộ cho biết Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn kiên trì thúc đẩy kế hoạch áp thuế nhập khẩu toàn diện đối với hàng hóa nước ngoài, trong khi đội ngũ cố vấn của ông lại đang nỗ lực xây dựng chiến lược để biến các cam kết trong chiến dịch tranh cử thành chính sách thực tế.

Cụ thể, trong các cuộc thảo luận kín, các trợ lý của ông Trump đang tập trung vào việc thực hiện kế hoạch áp thuế toàn diện từng đề xuất trong chiến dịch tranh cử là áp 10% thuế với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả quốc gia và lên đến 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, đội ngũ cố vấn cũng cân nhắc điều chỉnh các mức thuế này để phù hợp hơn với bối cảnh chính trị và kinh tế hiện tại, ít nhất 3 nguồn tin cho biết.

Ngoài ra, một phương án khác đang được xem xét là áp dụng thuế quan với một số ngành công nghiệp quan trọng trước hoặc đồng thời với chương trình thuế quan toàn diện. Phương án này nhằm làm nổi bật sự mất cân bằng thương mại toàn cầu và khuyến khích sản xuất tại Mỹ.

Hiện tại, các cuộc thảo luận vẫn đang tiếp diễn và chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.

Trước đó, tờ The Washington Post đã đưa tin rằng nhóm cố vấn của ông Trump đang cân nhắc giảm bớt quy mô của chính sách thuế để phù hợp hơn với thực tế. Tuy nhiên, ông Trump đã nhanh chóng phủ nhận thông tin này trên mạng xã hội Truth Social.

“Bài viết trên Washington Post, dựa vào các nguồn ẩn danh là không có thật, thật sai lầm khi nói rằng chính sách thuế của tôi sẽ bị thu hẹp. Điều đó là không đúng”, ông Trump viết.

Các cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump đang gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa việc thực hiện chính sách thuế mạnh mẽ mà ông đã đề xuất và giảm thiểu tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán cũng như giá cả tiêu dùng.

Cuộc tranh luận nội bộ này gợi nhớ đến nhiệm kỳ đầu của ông Trump, khi Steven Mnuchin và Gary Cohn - hai cựu lãnh đạo từ Phố Wall, giữ vị trí đứng đầu Bộ Tài chính và Hội đồng Kinh tế Quốc gia - đã phản đối hoặc tìm cách làm giảm nhẹ các mức thuế ông Trump đề xuất do lo ngại về trả đũa kinh tế và nguy cơ suy thoái.

Trong nhiệm kỳ thứ hai này, lựa chọn mới của ông Trump cho vị trí Bộ trưởng Tài chính, nhà đầu tư quỹ đầu cơ Scott Bessent, được cho là chưa hoàn toàn bị thuyết phục bởi ý tưởng áp thuế toàn diện. Trong khi đó, Howard Lutnick, người được chọn làm Bộ trưởng Thương mại, lại ủng hộ việc sử dụng thuế như một chiến thuật đàm phán.

Larry Kudlow, cố vấn kinh tế thân cận của ông Trump, cho rằng thuế quan có thể là một cách giúp bù đắp chi phí giảm thuế. Còn Peter Navarro, cố vấn thương mại cứng rắn của ông, luôn ủng hộ mạnh mẽ việc sử dụng thuế bất kể tình huống.

Ngay cả Jared Kushner, con rể của ông Trump và là người từng tham gia hoạch định chính sách kinh tế quốc tế trong nhiệm kỳ đầu, cũng cho rằng kế hoạch thuế đối với hàng Trung Quốc cần được cân nhắc thêm.

“Điều mà Tổng thống Trump mong muốn là một sân chơi công bằng. Ông ấy tin rằng khi mọi quốc gia đều cạnh tranh trên cùng một nguyên tắc, ngành công nghiệp Mỹ sẽ vượt trội so với thế giới”, ông Kushner chia sẻ trong một podcast vào cuối tháng 12/2024.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.