"Nới lỏng" đầu vào thạc sĩ: Hoang mang nỗi lo chất lượng

Admin

02/12/2020 13:50

Tuyển sinh đầu vào trình độ thạc sĩ đang được “nới lỏng” so với quy chế hiện hành, đây là sự thay đổi khiến nhiều chuyên gia băn khoăn về chất lượng đào tạo.

Siết chặt đầu ra là cần thiết!

Theo dự thảo lần 3 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ đang được bộ GD&ĐT lấy ý kiến hiện nay, việc tuyển sinh đầu vào trình độ thạc sĩ sẽ “thoáng” hơn hẳn trước đây. Cụ thể, một trong những phương thức tuyển sinh thạc sĩ là các trường được phép xét tuyển dựa trên kết quả bậc đại học. Trong đó, ngưỡng đảm bảo đầu vào cho phương thức xét tuyển được quy định trong dự thảo này là đạt ít nhất 50% thang điểm của học phần trình độ đại học sử dụng để xét tuyển (có thể hiểu đạt từ mức điểm trung bình trở lên). Bên cạnh đó, còn có hệ liên thông từ bậc đại học lên cao học.

Lo ngại về những tiêu cực trong đào tạo sau đại học, TS. Nguyễn Đông Hải - Giáo sư vật lý tại đại học Tennessee Wesleyan (Hoa Kỳ) - cho rằng: “Với thực tế giáo dục ở Việt Nam hiện nay, việc tuyển sinh đầu vào “thoáng” hơn như thế có thể dẫn đến một số tiêu cực nhất định, như “chạy” bằng, “chạy” điểm đại học, các trường đại học cho điểm thoáng hơn để sinh viên của mình tăng cơ hội trúng tuyển cao học, từ đó, cũng tăng uy tín cho trường...

Giáo dục - 'Nới lỏng' đầu vào thạc sĩ: Hoang mang nỗi lo chất lượng

Theo dự thảo, tuyển sinh đầu vào trình độ thạc sĩ sẽ “thoáng” hơn hẳn trước đây.

Tuy nhiên, quan điểm của tôi vẫn là ủng hộ chủ trương “thoáng” hơn về tuyển sinh đầu vào, chỉ có một điều nên thay đổi là điểm môn xét tuyển ở đại học phải đạt tối thiểu 65% hoặc 70% trở lên (Trung bình - khá đến Khá) thay vì chỉ 50% như trong dự thảo. Vì với các môn chuyên ngành, 50% vẫn còn chưa đủ để qua môn ở đại học, thì làm sao gọi là đủ chất lượng để xét vào cao học?”.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ThS. Huỳnh Hoài An - Chuyên gia giáo dục, Giám đốc tổ chức Đầu tư và Phát triển giáo dục Hoa Kỳ Tâm An - nhận định, những thay đổi theo dự thảo Quy chế đào tạo sau đại học tạo điều kiện rộng rãi cho người muốn được trau dồi học tập sau đại học; cũng có thể coi là theo xu thế quốc tế, nhưng thực sự có xu hướng giảm nhẹ đầu vào so với trước đây.

“Nếu giảm đầu vào mà quá trình đào tạo, đầu ra không siết chặt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nói chung. Người học có bằng đại học ở các ngành khác nhau với khối lượng học tập tích lũy khác nhau. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu đào tạo của mọi đối tượng người học khác nhau, tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ có thể mềm dẻo về quy trình nhưng vẫn phải bảo đảm về chất lượng

Hoặc, nếu yêu cầu đầu vào cao học phải đạt điểm tích lũy ở bậc đại học từ Khá trở lên thì việc người học muốn được học tập nâng cao sẽ khó khăn, tuy nhiên, việc xét tuyển đầu vào chỉ từ điểm Trung bình, việc siết chặt đầu ra là rất cần thiết!” - ThS. Huỳnh Hoài An cho biết.

Tập trung vào trách nhiệm của bộ GD&ĐT

ThS. Huỳnh Hoài An cũng phân tích thêm: “Riêng dự thảo Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, có quy định khung về tiêu chuẩn giảng viên, người hướng dẫn, điều kiện tuyển sinh, yêu cầu về thành viên và quy định bảo vệ luận văn. Song, quan trọng nhất, dự thảo này cần tập trung vào các quy định liên quan đến trách nhiệm của bộ GD&ĐT - cơ quan kiểm tra giám sát và trọng tài khi có khiếu kiện tố cáo liên quan đến chất lượng và quy trình đào tạo thạc sĩ, bởi lẽ, cần phải gắn đầu tư cho nghiên cứu khoa học với đào tạo thạc sĩ thì chất lượng đào tạo mới có thể nâng lên.

Thứ trưởng bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã nói: “Chúng ta chỉ có thể tăng được quy mô đào tạo khi chúng ta cam kết với xã hội về chất lượng”.

Xã hội đang báo động việc đào tạo thạc sĩ dễ dãi, nhiều người cũng cho rằng khó có thể chấm dứt tình trạng này, khi xã hội vẫn còn coi trọng bằng cấp và việc bổ nhiệm, thăng tiến trong công việc còn phụ thuộc quá nhiều vào bằng cấp”.

Giáo dục - 'Nới lỏng' đầu vào thạc sĩ: Hoang mang nỗi lo chất lượng (Hình 2).

ThS. Huỳnh Hoài An - Chuyên gia giáo dục, Giám đốc tổ chức Đầu tư và Phát triển giáo dục Hoa Kỳ Tâm An. (Ảnh NVCC).

“Để xóa bỏ được vấn đề trên cũng như đáp ứng được chất lượng đào tạo sau đại học theo Dự thảo này, là vấn đề lớn, cần sự chung tay và quyết liệt của các bộ ngành liên quan, của ý thức toàn dân. Nhưng về cơ bản, cần phải có bộ tiêu chí quy định cụ thể, xây dựng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, siết chặt đầu ra” - vị chuyên gia giáo dục nhấn mạnh.

Theo ThS. Huỳnh Hoài An, dự thảo cũng nên quan tâm đến một số ngành, trường thuộc khối nghệ thuật thường có nghệ sĩ (NSƯT, NSND) cùng hướng dẫn học viên nhưng họ không có bằng thạc sĩ, tiến sĩ mà chỉ có kinh nghiệm. Do đó, rất cần quy định mới trong đào tạo với khối ngành nghệ thuật.

“Rào đầu ra” thế nào để đảm bảo chất lượng?

Đặt vấn đề “Nếu đầu vào “mở” như vậy thì làm sao đảm bảo chất lượng đầu ra?”, TS. Nguyễn Đông Hải bày tỏ: “Dễ thôi! Cứ siết chặt việc đào tạo và chấm luận văn tốt nghiệp thật nghiêm túc là đảm bảo được!

Hiện nay, việc dạy học cao học còn khá dễ dãi, học viên học lực trung bình cũng có thể qua hết các môn. Còn làm đề tài và bảo vệ luận văn thì cũng nặng tính hình thức, qua loa, kiểu làm cho có luận văn để ra trường. Nhiều luận văn thạc sĩ thậm chí còn kém chất lượng hơn khóa luận đại học.

Do đó, nếu tổ chức đào tạo, thực hiện và chấm luận văn chặt chẽ, thực chất hơn, thì sẽ đảm bảo được chất lượng đầu ra. Khi đó, những học viên không đảm bảo chất lượng dù có trúng tuyển đầu vào cũng không thể tốt nghiệp được và dần dần những sinh viên nhắm thấy không thể học nổi cao học sẽ phải cố gắng hơn chứ không chỉ vừa đủ để đạt chuẩn đầu vào”.

Giáo dục - 'Nới lỏng' đầu vào thạc sĩ: Hoang mang nỗi lo chất lượng (Hình 3).

TS. Nguyễn Đông Hải - Giáo sư vật lý tại đại học Tennessee Wesleyan (Hoa Kỳ).

Thực ra, tôi không ủng hộ việc bộ GD&ĐT quản lý, can thiệp quá sâu vào quá trình đào tạo của các trường, bởi lẽ, một mình Bộ không thể quản nổi toàn bộ các hoạt động của tất cả các trường. Hơn nữa, sự quản lý, can thiệp quá sâu của bộ GD&ĐT vào các trường cho thấy một sự bất tín lẫn nhau trong nội bộ ngành giáo dục, cấp phép cho đào tạo rồi mà lại không tin đào tạo tốt nên mới đòi quản lý đủ kiểu. Chính vì vậy, cứ minh bạch hết ra thì chính người dân, giới khoa học chuyên ngành, sẽ là những người đảm bảo chất lượng đào tạo.

Chẳng hạn, ở Mỹ, luận văn của học viên đều được công bố công khai và mọi người đều có thể vào góp ý kiến, nếu phát hiện đạo văn hay chất lượng kém là có thể phản ánh. Hồi tôi làm nghiên cứu sinh tại Mỹ, bảo vệ luận án xong vẫn chưa được nhận bằng tiến sĩ ngay, mà phải chờ hơn 2 tháng sau để trường đăng luận án của tôi lên cho cộng đồng xem, nếu sau 2 tháng không có ai có ý kiến gì thì họ mới cấp bằng” - TS. Nguyễn Đông Hải dẫn chứng.

Theo Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành (được ban hành năm 2015 và đang áp dụng hiện nay), bộ GD&ĐT quy định bắt buộc hình thức thi tuyển đầu vào với người Việt Nam, chỉ xét tuyển với người nước ngoài có nguyện vọng học thạc sĩ trong nước. Khi đó, người dự thi phải tốt nghiệp đại học và thi 3 môn gồm ngoại ngữ và 2 môn khác, trong đó 1 môn chủ chốt ngành học, chuyên ngành học.

Tuy nhiên, trong dự thảo lần 3 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ đang được Bộ lấy ý kiến hiện nay, có những thay đổi căn bản về hình thức tuyển sinh đầu vào bậc học này. Theo đó, bên cạnh hình thức thi tuyển, dự thảo cho phép các trường có thể xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi và xét khi tuyển học viên cao học.

Đáng chú ý là điều kiện xét tuyển. Cụ thể, bên cạnh ngoại ngữ thì việc xét tuyển sẽ căn cứ vào kết quả học tập trình độ đại học và kết quả của ít nhất 2 môn quan trọng trong các học phần bắt buộc theo yêu cầu của ngành đào tạo thạc sĩ. Ngưỡng đảm bảo đầu vào cho phương thức xét tuyển được quy định trong dự thảo này là đạt ít nhất 50% thang điểm của học phần trình độ đại học sử dụng để xét tuyển.

Bên cạnh đó, về liên thông từ bậc học thấp hơn lên bậc học cao hơn trước nay chỉ áp dụng trong các bậc học trung cấp, cao đẳng và đại học. Nhưng nay, hình thức liên thông này bắt đầu xuất hiện từ bậc đại học lên thạc sĩ thông qua việc xét tuyển. Trong dự thảo lần 3 của Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ này, khái niệm chương trình tích hợp trình độ đại học và thạc sĩ lần đầu tiên được nhắc đến.

Cẩm Mịch