Nửa năm dự lãi 11.000 tỷ đồng, Vietcombank bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận năm 2020

Admin

05/07/2020 06:00

Để ngỏ mục tiêu lợi nhuận cụ thể 

Báo cáo tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, năm 2019 Vietcombank đã hoàn thành trước hạn kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng đến 2020 được NHNN phê duyệt.

Trong hoạt động, ngân hàng cũng hoàn thành phần lớn các kế hoạch, chỉ tiêu do cổ đông giao. Cụ thể, tổng tài sản tăng trưởng 13,8% so với năm 2018 và vượt 1,6% kế hoạch; huy động vốn tăng 15,9% và vượt 2,1% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế tăng 26,6% - vượt 15,6% kế hoạch và đạt cao kỷ lục, dẫn đầu ngành ngân hàng với hơn 23.122 tỷ đồng. Duy chỉ có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng là còn thiếu chút ít so với kế hoạch khi đạt 15,9% (kế hoạch tăng 16%).

Các chỉ số khác như chi phí lương trên lợi nhuận; mở rộng mạng lưới và tăng nhân sự đều nằm trong kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát tốt ở mức chỉ 0,78% - so với kế hoạch dưới 1% được cổ đông giao. Năng suất lao động của cán bộ nhân viên được cải thiện, lợi nhuận bình quân 1,681 tỷ đồng/người, vượt 12% kế hoạch.

Tại đại hội, ban lãnh đạo Vietcombank trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu tổng tài sản tăng xấp xỉ 7%, lên hơn 1,308 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng dự kiến tăng 10%, đạt 815.525 tỷ đồng. Huy động vốn đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm trước.

Do tác động từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngân hàng xây dựng kế hoạch kiểm soát tỉ lệ nợ xấu năm 2020 dưới 1,5%, cao hơn mức thực hiện của năm 2019 là 0,78%.

Đáng chú ý, Vietcombank để trống chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 và trình cổ đông thông qua việc giao cho HĐQT thực hiện kế hoạch tài chính 2020 phù hợp với diễn biến dịch bệnh và định hướng chỉ đạo của NHNN.

Thông tin thêm về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020, chia sẻ tại đại hội, Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Dũng cho biết Vietcombank ước lãi 6 tháng đầu năm 2020 xấp xỉ với nửa đầu năm 2019, tức khoảng 11.000 tỷ đồng. 

Tại thời điểm cuối năm 2019, Vietcombank có lợi nhuận phân phối là hơn 18.000 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng còn lại hơn 13.000 tỷ đồng và dự tính chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 8% (tương đương khoảng 2.967 tỷ đồng). Sau khi chia cổ tức, ngân hàng còn khoản tiền để lại là hơn 10.000 tỷ, còn nếu không trả cổ tức thì lợi nhuận để lại phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh là hơn 13.000 tỷ.

Năm 2020, tỷ lệ chi trả cổ tức phấn đấu đảm bảo ở mức 8%, tương tự như năm 2019.

Đối với kế hoạch nhân sự và mở rộng mạng lưới, Vietcombank dự kiến sẽ tăng 12% quy mô nhân sự và tăng thêm 5 chi nhánh trong năm 2020, ước tính tuyển thêm hơn 2.200 nhân viên. Chi phí lương trên lợi nhuận trước thuế chưa bao gồm lương năm 2020 dự kiến là 37%, cao hơn so với mức 27% năm 2019.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT chia sẻ thêm Vietcombank nằm trong nhóm chi trả thu nhập cao cho cán bộ nhân viên, một trong các ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất.

Trong bối cảnh dịch bệnh, ngân hàng cố gắng giảm tác động tới hoạt động, ổn định thu nhập của nhân viên. Vietcombank chủ trương không cắt giảm lương của người lao động, nếu có sẽ cắt giảm của lãnh đạo.

Giảm tiền thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát

Tại đại hội lần này, cổ đông Vietcombank bầu ông Lại Hữu Phước vào Ban kiểm soát để thay thế cho bà Vũ Thị Bích Vân nghỉ hưu theo chế độ trong năm 2019, nhằm đảm bảo đủ số lượng thành viên BKS theo quy định.

Ông Lại Hữu Phước sinh năm 1967, hiện là Trưởng phòng kiểm tra nội bộ của Vietcombank, đã công tác tại ngân hàng này được 10 năm. Trước đó ông từng công tác tại Kiểm toán Nhà nước.

Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, trong năm 2019 ĐHCĐ đã phê duyệt mức thù lao cho HĐQT và BKS là 0,35% lợi nhuận sau thuế. Trên cơ sở kết quả đạt được của năm vừa qua, thù lao theo con số được phê duyệt tương đương với hơn 64 tỷ đồng. 

Trong năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 cùng những chỉ tiêu kinh doanh được trình cổ đông tại đại hội và tham khảo các mức chi thù lao cho HĐQT và BKS ở các ngân hàng khác, Vietcombank dự định giảm mức thù lao cho HĐQT và BKS xuống mức tối đa là 0,28% lợi nhuận sau thuế. Như vậy mức thù lao của lãnh đạo nhà băng này sẽ giảm khoảng 20% so với năm trước.

Tiếp tục tăng vốn điều lệ

HĐQT cũng trình phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2020 - 2021 gồm 2 phần. Trước hết, ngân hàng sẽ phát hành 667,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 18%, từ nguồn lợi nhuận giữ lại đến 31/12/2018. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III hoặc quý IV. 

Tiếp đó, Vietcombank sẽ chào bán tối đa hơn 241 triệu cổ phiếu, tương đương 6,5% vốn điều lệ (khối lượng chào bán có thể điều chỉnh tùy theo vốn điều lệ tại thời điểm phát hành). Trong đó, ngân hàng chào bán cho các nhà đầu tư gần 205 triệu cổ phiếu, tương đương 5,19% vốn và phát hành cho đối tác chiến lược Mizuho Nhật Bản gần 36,2 triệu cổ phiếu, tương đương 0,92% vốn nhằm giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15% vốn. Sau khi phát hành vốn điều lệ của Vietcombank sẽ nâng từ 37.088 tỷ đồng lên 39.499 tỷ đồng. 

Giá phát hành được xác định trên nguyên tắc không thấp hơn giá định giá của tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp và bình quân số học của giá đóng cửa 10 phiên giao dịch trên HoSE, liền trước ngày nhà đầu tư thông báo mua. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2020 - 2021. 

Cổ phần chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm từ ngày hoàn tất đợt phát hành. Trong trường hợp Ngân hàng Mizuho Nhật Bản thực hiện mua cổ phần để tăng tỷ lệ sở hữu tại Vietcombank lên đến 20%, cổ đông này được quyền đề cử thêm 1 ứng viên vào HĐQT trên cơ sở được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. 

Vietcombank có thể thỏa thuận với Mizuho một số nội dung về hợp tác kinh doanh và hỗ trợ kỹ thuật khác phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Lượng vốn thu về sẽ được ngân hàng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ: xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư công nghệ và tài sản cố định khoảng 500 tỷ đồng. Phần còn lại sẽ được dùng cho mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn và các hoạt động kinh doanh khác của Vietcombank.

Mai Hoa