Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch đầu tuần khá ảm đạm. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu Novaland (mã: NVL) trở thành tâm điểm khi ngược dòng tăng kịch trần, thậm chí “trắng bên bán” lên mức giá 10.300 đồng/cp, lượng dư mua giá trần hàng triệu đơn vị.
Phiên tăng mạnh này đẩy thị giá Novaland trở về vùng giá hồi đầu tháng 4/2025, khi thị trường chung chưa xuất hiện nhịp giảm kỷ lục. Dù tăng kịch trần, song Novaland vẫn còn cách rất xa so với đỉnh lịch sử.


Đà tăng đầy khởi sắc của cổ phiếu Novaland ngay phiên đầu tuần đến sau thông tin cập nhật về tiến độ giải quyết nghĩa vụ tài chính và gỡ vướng pháp lý mới đây. Cho đến nay, Tp.HCM hoàn tất gỡ vướng pháp lý và giải quyết cấp sổ hồng cho khoảng hơn 70.675 căn, đạt tỷ lệ 87%. Dự kiến năm nay, thành phố sẽ hoàn tất tháo gỡ khó khăn, cấp sổ hồng cho tất cả dự án vướng mắc trên địa bàn.
Trong đó có cụm dự án trung tâm Tp.HCM của Novaland đang được tích cực tháo gỡ các vướng mắc pháp lý. Theo Novaland, đây là cơ sở để Công ty sớm hoàn thành nghĩa vụ tài chính tại các dự án, thực hiện mục tiêu cấp gần 7.000 sổ hồng cho cư dân trong năm 2025.
Đại diện Novaland cho biết Novaland đã chuẩn bị về dòng tiền để thực hiện các nghĩa vụ tài chính khi cơ quan nhà nước có yêu cầu. Với những thông tin tích cực trong tháo gỡ pháp lý đã thúc đẩy quá trình cấp sổ hồng cho hàng ngàn sản phẩm tại nhiều dự án trong năm nay.
Ở một diễn biến khác, tại Báo cáo thường niên năm 2025, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland, ông Bùi Thành Nhơn đã chia sẻ về chiến lược phát triển của công ty trong thời gian tới. Ông nhấn mạnh việc đặt danh dự, trách nhiệm và uy tín doanh nghiệp lên hàng đầu, đồng thời thừa nhận rằng vẫn còn một số yêu cầu của khách hàng và đối tác chưa được giải quyết do pháp lý dự án chưa được tháo gỡ triệt để.
Năm 2025 được xem là năm bản lề, đánh dấu sự trở lại của Novaland với chiến lược vận hành tinh gọn và hiệu quả cao. Ông Nhơn khẳng định Novaland không tái cấu trúc chỉ để tồn tại mà để bứt phá, bước vào giai đoạn phát triển hoà nhập với sự tăng trưởng hai con số của quốc gia. Ngoài TP HCM, tập đoàn đã và đang phát triển nhiều dự án quy mô hàng nghìn héc-ta.
Bước vào năm 2025, ông Bùi Thành Nhơn và toàn thể Novaland xem đây là một năm phục hồi và bứt phá. Ông khẳng định: "Novaland sẽ không chỉ vượt qua thử thách mà còn trở thành một biểu tượng mới của sự phát triển bền vững, của sự tái sinh mạnh mẽ và của một thế hệ doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm quốc tế".
Báo cáo tài chính năm 2024 cho thấy Novaland đang đối mặt với tình trạng tiền mặt cạn kiệt khi chỉ còn gần 300 triệu đồng, trong khi lượng tiền gửi ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng lại đang được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay và bảo lãnh. Ngoài ra, 1.360 tỷ đồng tiền đang bị quản lý bởi ngân hàng cho vay theo mục đích sử dụng cho từng dự án, hạn chế khả năng linh hoạt trong việc sử dụng nguồn tiền. Tình trạng này khiến Novaland gặp khó khăn trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn và đầu tư phát triển dự án.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2025, Novaland dự kiến lỗ thấp nhất 12 tỷ, cao nhất 688 tỷ đồng, tùy vào tiến độ gỡ vướng mắc pháp lý. Dù vậy, đây vẫn là sự cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gần 4.395 tỷ đồng của năm 2024. Kế hoạch này sẽ được NVL trình cổ đông tại Đại hội thường niên 2025, dự kiến cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 24/4 tới.
