Phân khúc bất động sản nào sẽ bật nhanh khi hết dịch Covid-19?

Admin

24/03/2020 22:30

Đại dịch Covid-19 đã lan rộng đến hàng trăm quốc gia trên toàn cầu. Không chỉ đe doạ sức khoẻ và tính mạng của con người, đại dịch này còn như một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế gây tổn thất nặng nề. Du lịch gắn liền với bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là một trong lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất.

Vắng khách, nhiều khách sạn đóng cửa

Từ sau Tết Canh Tý 2020 đến tháng 3, khi dịch Covid-19 lan rộng, lượng khách lưu trú sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, khiến nhiều khách sạn phải cho nhân viên nghỉ việc, hoặc thậm chí rao bán bất động sản.

Theo Sở Du lịch Tp. HCM, tình hình kinh doanh của hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống và các cơ sở mua sắm trên địa bàn giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch giảm 58,29%; kinh doanh hội nghị giảm 60,8%; kinh doanh nhà hàng, tiệc... giảm 60%.

Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, gần như không có khách đặt phòng mới tại các khách sạn đến đầu tháng 6. Công suất khách sạn của thành phố hiện nay chỉ còn khoảng 10 - 20%. Nhiều doanh nghiệp hiện phải đứng giữa hai lựa chọn: dừng hoạt động hay cầm cự qua mùa dịch.

Tại Hà Nội, gần 20.000 lượt khách quốc tế, hơn 19.000 lượt khách nội địa đã hủy tour đến Thủ đô vì lo ngại dịch bệnh, từ đó kéo theo gần 56.000 đêm phòng tại các cơ sở lưu trú bị hủy, số lượng khách đặt phòng hủy tương ứng gần 78.000 lượt. Một số doanh nghiệp buộc phải cho nhân viên nghỉ và tạm ngừng hoạt động.

Hay như chuỗi khu nghỉ dưỡng Vinpearl đã quyết định đóng cửa tạm thời 7 khách sạn ở Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc để duy tu, bảo trì nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Đánh giá về sự sụt giảm của các hệ thống khách sạn nghỉ dưỡng, Gs. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến kinh tế suy giảm, đời sống nhân dân gặp khó khăn nên họ sẽ đặt ưu tiên hàng đầu cho những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như tiêu dùng chứ không phải là nhu cầu mua nhà để ở hoặc đầu tư bất động sản.

Do đó, trong bối cảnh dịch Covid-19, thị trường bất động sản tất yếu sẽ chững lại và sẽ là lĩnh vực đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự đi xuống của nền kinh tế. Trong đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng càng khó khăn hơn.

“Nói chung, nhu cầu mua bất động sản để đầu tư vẫn có nhưng sẽ hạn chế và nếu tình hình dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài có thể làm cho giá bất động sản hạ thấp trong thời gian tới”, Gs. Đặng Hùng Võ nói.

24-3-BDS-6337-1584957474.jpg

Mặc dù bị phủ "bóng đen" dịch Covid-19, nhưng bất động sản nghỉ dưỡng vẫn được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ hồi phục nhanh nhất (Ảnh: Internet)

Sớm sôi động khi hết dịch

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã phần nào làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư, làm hiệu quả kinh doanh ngành du lịch, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng giảm sút.

Tuy nhiên, khi các nước khống chế được dịch, các lĩnh vực kinh tế hoạt động trở lại bình thường cùng với việc Chính phủ đã đặt kế hoạch đầy tham vọng về phát triển ngành du lịch đến năm 2030 thì Việt Nam cũng có thể trở thành cường quốc về du lịch. Điều này cho thấy, việc suy giảm lượng khách chỉ trong ngắn hạn và không phải là vấn đề nghiêm trọng khiến cho thị trường suy yếu.

“Với định hướng từ Chính phủ thì bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chính là phân khúc tốt nhất trên thị trường bất động sản Việt Nam. Đây là một thị trường đầy tiềm năng, rất tốt cho các nhà đầu tư sau khi vượt qua giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, ông Đính nhận định.

Còn theo Gs. Đặng Hùng Võ, dự kiến, sang tới năm 2021, nền kinh tế nói chung mới có thể phục hồi lại hoàn toàn. Cùng với những tiềm năng sẵn có, hoạt động du lịch quay trở lại, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng.

“Nếu chúng ta làm tốt hơn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ và tư duy chính sách thì lượng khách sẽ còn tăng hơn nữa, cơ hội sẽ còn mở ra cho các nhà phát triển và nhà đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng”, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh.

Ngoài ra, đánh giá về điểm sáng trên thị trường, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, thời điểm khó khăn này cũng được coi là quá trình thanh lọc, nhà đầu tư sẽ lựa chọn các dự án của chủ đầu tư uy tín, dự án có pháp lý, dự án có tiềm năng về kinh doanh du lịch. Đương nhiên việc thanh lọc đã làm sụt giảm lượng giao dịch, nhưng về lâu dài, lượng giao dịch sẽ được khôi phục trở lại và thị trường sẽ chỉ còn những dự án chất lượng.

Để tiếp tục duy trì thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển, theo Gs. Đặng Hùng Võ, cần xem dịch Covid-19 là một loại thiên tai bất khả kháng và kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản được liệt vào danh sách các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và nhận ưu đãi hỗ trợ.

Vừa qua, Chính phủ cũng đã đưa ra một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như cho vay lãi suất thấp, hoãn trả nợ, cho phép chậm nộp nghĩa vụ tài chính, thuế, nhằm giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động, đợi qua hết giai đoạn khó khăn.

Hải Sơn