Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính 10 nhiệm vụ trong năm 2024

28/12/2023 00:05

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023, kế hoạch triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2024 của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm và những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2023.

Điểm lại một số kết quả nổi bật của Bộ Tài chính trong năm 2023, Phó Thủ tướng đánh giá, Bộ Tài chính đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, các đề án.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu, kịp thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp thẩm quyền ban hành các giải pháp chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã tăng cường quản lý thu, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi NSNN, qua đó bảo đảm cân đối NSNN các cấp, kiểm soát bội chi NSNN, nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Phó Thủ tướng cũng biểu dương và đánh giá cao cơ quan Thuế, Hải quan đã chủ động triển khai các biện pháp tăng cường quản lý thu, khai thác nguồn thu, nhất là từ các hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới; đẩy mạnh hiện đại hóa, điện tử hóa công tác thu thuế, mở rộng hóa đơn điện tử...

Kinh tế vĩ mô - Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính 10 nhiệm vụ trong năm 2024

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao 10 nhiệm vụ cho ngành Tài chính trong năm 2024.

Thứ nhất, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính – NSNN, đẩy nhanh xây dựng Chính phủ số.

Thứ hai, phấn đấu hoàn thành tất cả các đề án, văn bản pháp quy được giao, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khơi thông các nguồn lực cho phát triển, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế và quy định có liên quan để mở rộng cơ sở thu, các hoạt động thương mại điện tử, khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai, cơ sở hạ tầng.

Thứ tư, cần tập trung làm tốt công tác quản lý thu NSNN, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử; quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu NSNN.

Thứ năm, cùng với công tác thu, Bộ Tài chính cần tiếp tục tổ chức điều hành chi NSNN năm 2024 chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.

Theo đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, tiết kiệm chi thường xuyên; đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, ưu tiên Chương trình phục hồi, khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác.

Thứ sáu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ bảy, Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định và phấn đấu thấp hơn. Qua đó, giảm nợ công, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tăng cường sức chống chịu của nền tài chính quốc gia, để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn.

Thứ tám, theo dõi diến biến giá, thị trường; kịp thời đề xuất các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường; phối hợp tốt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, kiểm soát lạm phát trong phạm vi mục tiêu Quốc hội quyết định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ chín, tiếp tục củng cố, phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm. Kiểm soát tốt dòng tiền, đảm bảo ổn định thị trường.

Thứ mười, đề nghị ngành Tài chính siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thực hiện nghiêm các kết luận kiểm tra, kiểm toán; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống gian lận xuất xứ có hiệu quả; chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn trách nhiệm giải trình, kiên quyết xử lý vi phạm.

Bạn đang đọc bài viết "Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính 10 nhiệm vụ trong năm 2024" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.