Tại chương trình “CAFÉ cùng Chứng" của Chứng khoán SSI diễn ra vào sáng 17/7 với chủ đề “Tài sản số khác gì tài sản chữ”, chuyên gia SSID đề cập đến tiềm năng tăng trưởng của thị trường tài sản số của Việt Nam, kỳ vọng những chính sách, hành lang pháp lý sớm triển khai công nhận tài sản số là một loại tài sản được bảo vệ bởi pháp luật Việt Nam, được hướng dẫn mua bán đúng cách.
Ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, Chuyên gia Chiến lược đầu tư Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI Research) cho biết, cùng với sự đi lên của kinh tế đất nước, sự thay đổi rất nhiều của thu nhập người dân, nhu cầu đầu tư đối với thị trường, nền kinh tế của Việt Nam tăng lên rất nhiều thời gian vừa qua nên sự có mặt của các kênh tài sản mới, thậm chí sự công nhận nhiều hơn, phổ biến hơn của thị trường chứng khoán thời gian vừa qua cũng đã là điểm nhấn.
Năm nay “keyword” chính nhắc đến rất nhiều đó là tài sản số, không chỉ nhắc đến nhiều ở các phương tiện thông tin đại chúng mà nhắc nhiều ở các văn kiện của Quốc hội, Chính phủ.
Cụ thể, Chiến lược Blockchain Quốc gia phê duyệt vào tháng 10/2024, kế hoạch tổng thể của Chính phủ nhằm tận dụng công nghệ Blockchain để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
Tháng 6/2025 Luật Công nghiệp Công nghệ số quy định về tài sản số bao gồm định nghĩa, phân loại, quản lý, giao dịch và bảo mật. Nghị định về Trung tâm tài chính quốc tế được thông qua về trung tâm tài chính quốc tế gồm 2 địa điểm TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Tháng 7/2025, Dự thảo thí điểm thị trường tài sản mã hoá. Tháng 10/2025 đăng ký Lễ ký Công ước Liên hợp Quốc về phòng chống tội phạm mạng, lần đầu tiên một địa danh Việt Nam được gắn liền với một công ước quốc tế và không gian mạng.
“Tất cả yếu tố này tạo ra không khí nhiều nhà đầu tư chờ đợi kênh tài sản mới, dù không quá mới trên thế giới, nhưng Luật Công nghiệp Công nghệ số với quy định cụ thể về kênh tài sản được pháp định, đón nhận sự tham gia của nhà đầu tư”, ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, cách đây 26 năm, khi thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được thành lập, ở thời điểm rất sơ khai của thị trường, SSI, tiền thân là CTCP Chứng khoán Sài Gòn cũng là một trong những công ty chứng khoán đầu tiên của thị trường. Một lần nữa, trong thời khắc chờ đợi kênh tài sản mới tham gia vào thị trường đầu tư tại Việt Nam, SSID cũng là một trong những đơn vị tiên phong, đón đầu xu hướng của đất nước.
Ông Lê Bảo Nguyên, Giám đốc dự án kiêm trợ lý Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc CTCP Công nghệ số SSI – SSID cho biết, SSID đã tham gia thị trường tài sản số với nhiều vai trò, vai trò là vườn ươm, đầu tư vào các startup công nghệ, Blockchain, tài sản số, AI. Tháng 1 vừa qua SSID đã khởi công toà nhà ở Hoà Lạc làm vườn ươm tại đây, xây dựng quỹ cùng các đối tác nước ngoài với số vốn 200 triệu USD đầu tư vào startup Blockchain, tài sản số. “SSID đã rất sẵn sàng cho một thị trường mới, lớp tài sản mới của thế giới là tài sản số”, ông Nguyên nói.

Ông Lê Bảo Nguyên, Giám đốc dự án kiêm trợ lý Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc SSID (bên trái)
Trả lời câu hỏi tài sản số là gì, ông Nguyên cho biết, tài sản số là tài sản được xây dựng trên công nghệ blockchain, là việc các giao dịch ngang hàng không cần qua bên thứ 3, tiết kiệm được thời gian, nguồn lực. Lớp tài sản nổi tiếng nhất là Bitcoin, có thể nhìn nhiều ứng dụng Blockchain hiện nay, tài sản số rất rộng, từ domain, email, dữ liệu của chúng ta cũng là tài sản số nhưng thứ chúng ta và thị trường quan tâm là “tiền mã hoá, tài sản mã hoá”.
Thị trường trải qua thời gian hơn 10 năm, từ 2009, 2010 khi Bitcoin ra, thị trường lên xuống với biên độ lớn. 2-3 năm trở lại đây, đã có sự tham gia của các định chế tài chính như VanEck, mua Bitcoin làm ETF Bitcoin giúp thị trường minh bạch, ổn định hơn, thị trường tài sản số dần đi vào ổn định, không bị thao túng một cách lộ liễu. Hay, các tỷ phú cũng bắt đầu phân bổ tài sản của họ vào tài sản số và các dự án về mặt công nghệ và hạ tầng.
Đây là thị trường tiềm năng và câu hỏi từ phía người dùng, người dùng và nhà đầu tư được gì khi tất cả những thứ này được hợp pháp hoá ở Việt Nam.
“Trước đây, chúng ta phải dùng các nền tảng của nước ngoài, không được sự bảo hộ của pháp luật Việt Nam. Hiện Luật Công nghiệp Công nghệ số mới ra đã công nhận tài sản số là một loại tài sản nhưng 1/1/2026 Luật mới có hiệu lực, bài toán ngay lúc này, hiện nay bản thân Bitcoin hay tài sản số chưa là tài sản”, ông Nguyên đặt vấn đề.
Theo đó, ông Nguyên dẫn chứng, hai vợ chồng có 1.000 Bitcoin nhưng giờ chưa chia được vì chưa đươc công nhận là tài sản, khi chưa được bảo vệ, nó cũng chưa phải là cái gì quá chắc chắn với bản thân chúng ta. Nhưng chúng ta có các nền tảng của Việt Nam, được bảo vệ bởi pháp luật Việt Nam, được hướng dẫn mua bán đúng cách, làm thế nào để chuyển giao, thừa kế, đấy mới là thị trường lành mạnh.
“Hiện mọi thứ vẫn đang là “vùng xám”, thời gian tới khi được Chính phủ công nhận, hướng dẫn việc mua bán, các tổ chức Việt Nam được phép tham gia sâu đây là thị trường tiềm năng. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể thấy đây là cơ hội vì Bitcoin, chúng ta có thể thấy không ít quốc gia hợp pháp hoá tài sản số, các công ty mua tài sản số sở hữu như tài sản của công ty. Tổng thống Trump khi chưa làm Tổng thống Mỹ đã nói sẽ xây dựng quỹ mua Bitcoin và coi là tài sản dự trữ quốc gia. Bhutan thậm chí xây thuỷ điện để khai thác Bitcoin”, Phó Tổng giám đốc SSID nói thêm.
Một trong những quốc gia đầu tiên luật hoá tiền số mở ra kỷ nguyên mới của tài sản số ở Việt Nam
Trong khi TTCK khai sinh từ năm 2000 và TTCK Việt Nam đi sau thế giới và khu vực, với tài sản mã hoá, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên luật hoá và đưa ra các dự thảo thí điểm, mở ra kỷ nguyên mới của tài sản số ở Việt Nam.
Phó Tổng giám đốc SSID cho biết, những năm 2000 khi TTCK bắt đầu, SSI là đơn vị tiên phong, khác với thị trường chứng khoán, tài sản mã hoá, tài sản số là thị trường đã tồn tại, không phải xây dựng từ đầu, mặc dù con số tài sản số khiêm tốn nhưng thanh khoản hiện nay sẽ gấp vài lần TTCK.
“Mọi thứ đang được đẩy lên cao trào, các sàn giao dịch hiện đánh giá Việt Nam là thị trường lớn của họ. Báo cáo của các đơn vị uy tín, Việt Nam luôn đứng trong top 5 trong 4 năm trở lại đây về tỷ lệ người dùng mới crypto, chưa bao giờ ra khỏi top 5, để chúng ta nhìn thấy, Việt Nam là thị trường lớn. Tôi hi vọng nếu chúng ta cứ bắt đầu và đi đúng hướng hoàn toàn có thể trở thành trung tâm tài sản số của khu vực”, ông Nguyên nói.
Cũng theo ông Nguyên, thời gian qua chúng ta có chiến lược tốt xây dựng đội ngũ công nghệ, mạng internet tốc độ cao, hạ tầng… đều đạt chuẩn quốc tế là những lý do chúng ta có vị trí tốt trong lĩnh vực tài sản số.
Với nhà đầu tư mới, nhà đầu tư F0 muốn tham gia thị trường tài sản mã hoá phải hiểu nó là gì và rủi ro của nó là gì. “Lời khuyên của tôi là bài toán lãi quá nhiều rủi ro cao, phải đặt ra những câu hỏi, dự án này của ai, trừ một số tiền mã hoá đã được công nhận, chúng ta có thể mua tích trữ, còn có nhiều nhà đầu tư mất tiền vào những dự án mà không biết là của ai”, ông Nguyên nói.